Người tuyển luôn mặc cho cảm tính, cảm tình hay dáng vẻ của các tên tuổi thao túng. Dù ở “lời nói đầu”, Ban tuyển bao giờ cũng tuyên vô tư khách quan đáo để.
Hôm nay thì khác, Hợp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX với Ban tuyển mới đã quyết một lần cho mọi lần cắt đứt mấy sợi dây nhằng nhịt đó để chỉ nhấn vào: ”Tiêu chí là: phải chọn thơ hay và căn cứ vào 2 đặc điểm của thơ Việt Nam thế kỷ 20 là chủ nghĩa yêu nước và có những đổi mới về nghệ thuật thi pháp kể từ thơ mới 1930-1945 trở đi” (Vũ Quần Phương trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, 30-7-2009).
Tiêu chí đặt ra như thế thì đáng vỗ tay lăm lắm. Nhưng…
1. Ai tuyển. Chuyện ai tuyển quyết định việc tuyển ai. Nhìn vào danh sách Nhóm tuyển gồm 4 nhà thơ trong Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt : Vũ Quần Phương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh; thêm Lưu Khánh Thơ, và Lý Hoài Thu ta dễ nhận ra họ thuộc thế hệ giữa, có thể quán xuyến trước sau. Nhưng đâu là các người miền Trung và , dù văn chương không là chuyện vùng miền? Hỏi các anh chị có kham nổi công cuộc?
2. Tuyển ai? Chuyện kê biên thì không khó. Càng dễ hơn nữa, khi nói: không lệ thuộc vào sự lớn/ bé của tên, cao/ thấp của tuổi, phân bổ vùng miền hay dân tộc vân vân. Nhưng chưa vào cuộc, nghe nhà thơ Vũ Quần Phương kể tên vài bạn thơ trẻ (Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly,… rồi là Lê Vĩnh Tài), tôi nghĩ chủ tịch Hội đồng đang bị giới truyền thông tác động rồi.
3. Tuyển gì? Vâng, thì tuyển thơ hay. Nhưng thế nào là hay? Hành trình phát triển đầy biến động của thơ Việt kéo dài suốt trăm năm, đã làm lung lay và sụp đổ nhiều hệ mĩ học từng thống ngự trước đó. Cái hay của thơ Đường luật ở đầu thế kỉ khác cái hay của Thơ Mới với không dưới bốn trường phái có quan điểm sáng tạo đối nghịch, Thơ Mới khác xa thơ tự do qua bao nhiêu phong cách sáng tác khác nhau, rồi thơ Miền Nam, thơ thời đổi mới hay cả thơ của người viết trẻ nữa…
Không thể vin vào gu thưởng thức nghệ thuật chủ quan để biện minh cho sự không bao quát vấn đề. Người tuyển cần đặt bài thơ được tuyển trong tiến trình của thơ ca cả thế kỉ. Rằng nó đứng ở đâu trên hành lịch đó? Nó góp công gì vào phát triển thi pháp? Rồi vấn đề đa phong cách của các tác giả lớn nữa? Câu hỏi dễ đẩy người thuộc nhóm tuyển vào thế chông chênh. Nếu tôi không lầm, cả 4 nhà thơ đang gánh vác trọng trách này đều sáng tác cùng một hệ mĩ học.
4. Và vấn đề nội dung “chủ nghĩa yêu nước” không phải là câu hỏi không đáng đặt ra.
5. Cuối cùng, điều độc giả ngán ngẩm hơn cả chính là thái độ làm việc: Đã có rất nhiều tuyển gây nhàm chán, là quanh đi quẩn lại chỉ mấy tác giả đó với vài bài thơ đó. Thao tác “tuyển từ tuyển” này, là điều tuyệt đối tránh.
Gì nữa? Tinh thần mở - chấp nhận các sáng tác theo quan điểm thẩm mĩ mới, chấp nhận chính kiến khác, không bè phái địa phương, không kiêng dè uy tín tác giả, không nô lệ tài chính của nhà xuất bản hay cơ quan. Nghĩa là người tuyển thoát khỏi mọi áp lực. Họ hoàn toàn tự do trong công việc của mình. Tự do, nên đầy trách nhiệm. Không ai có thể dạy người tuyển nên hay không nên thế này thế nọ. Chính sản phẩm của bạn đánh giá khả năng thẩm thơ của bạn. Sản phẩm này bị đặt trước sự khó tính của người đọc và trước thách thức khắc nghiệt của thời gian.
Theo TPO |