Tạp chí Sông Hương -
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Vẫn là giấc mơ xa?
09:29 | 11/08/2009
Đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua dự án tiền khả thi vào năm 2002, nhưng Bảo tàng Thiên nhiên VN (BTTNVN) cho đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng. Thậm chí, những năm gần đây, dự án này đều phải nộp lại nguồn kinh phí được Nhà nước đầu tư với mức 1-1,5 tỉ đồng/năm...
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Vẫn là giấc mơ xa?
Một số mẫu vật động vật quý hiếm đang được lưu giữ tại BTTNVN.

Công trình lớn giữa lòng Hà Nội

Đây là dự án do Trung tâm Khoa học tự nhiên & công nghệ quốc gia thực hiện kể từ năm 1988. Trước đó, ý tưởng về việc hình thành một bảo tàng như vậy đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra từ năm 1980 và giao cho Viện Khoa học VN nghiên cứu.

Sau 4 năm xây dựng, dự án tiền khả thi về BTTNVN đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào tháng 9.2002. Một thời gian sau đó, BTTNVN chính thức ra đời, mặc dù mới chỉ có bộ phận văn phòng đặt tạm tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Theo dự án trên, BTTNVN về cơ bản có diện tích gần 10ha và chia làm hai khu trưng bày, trong đó 2/3 là trưng bày ngoài trời. "Đặc trưng lớn nhất của mô hình BTTNVN là việc sử dụng các máy móc thiết bị chuyên dụng để minh hoạ, chứ không phải là tái hiện theo kiểu dập khuôn - ông Phạm Văn Lực - Giám đốc BTTNVN - cho biết. Theo nguyên tắc này, khi thăm một sinh cảnh hoặc một tiêu bản về động vật quý hiếm, người xem sẽ được tiếp xúc với hàng loạt file dữ liệu, phim tư liệu, phim kỹ xảo 3D... có liên quan. "Máy chuyên dụng với kho dữ liệu được "số hoá" đặt bên cạnh mẫu vật, người xem có nhu cầu chỉ việc bật lên và quan sát" - ông Lực giải thích.

Là dự án được Chính phủ đầu tư, BTTNVN cũng sẽ nghiên cứu việc tổ chức các khu  thả động vật quý hiếm theo hình thức bán hoang dã, hoặc tái hiện các sinh cảnh độc đáo... trong nhà kính. Kinh phí xây dựng và tổ chức BTTNVN sẽ được Chính phủ huy động từ nhiều nguồn khác nhau.

Mọi việc đều trôi chảy, trừ... đất xây dựng

Hiện tại, BTTNVN đang lưu giữ hơn 1.000 mẫu động vật quý hiếm. "Theo nguyên tắc hoạt động, BTTNVN là nơi tiếp nhận tang vật từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật quý hiếm. Ngoài ra, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VN cũng là một "kênh" cung cấp cho chúng tôi những nguồn mẫu động vật này" - ông Lực kể.

Mọi công đoạn để xây dựng BTTNVN cho đến thời điểm này đều tương đối trôi chảy, ngoại trừ việc sở hữu mặt bằng diện tích để xây dựng. 9 năm trời kể từ khi dự án được Chính phủ thông qua, việc cấp đất để xây BTTNVN đã qua 4 lần thay đổi, nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Cụ thể, vào năm 2002, dự án này được UBND TP.Hà Nội cấp cho 6,7ha đất tại Xuân La (huyện Từ Liêm). Tuy nhiên, vì lý do mặt bằng quá hẹp, dự án trên được yêu cầu dừng lại để tìm vị trí thích hợp hơn. Từ năm 2002-2007, dự án trên 2 lần được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội "nhắm" cho những vị trí tại khu vực Mễ Trì (huyện Từ Liêm). 

Tuy nhiên, vì là nằm trong quy hoạch quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia nên những lần cấp đất này đều phải dừng để chờ xem xét lại quy hoạch tổng thể của khu vực này. Lần gần nhất, năm 2008, BTTNVN dự kiến được đưa về xã Ngọc Liệp, Quốc Oai thuộc Hà Tây cũ (gần ngã ba Xuân Mai - Hoà Lạc). Để rồi, trong quá trình xem xét, việc giao đất cho BTTNVN lại phải huỷ, vì diện tích đất này đã được Chủ tịch tỉnh Hà Tây (cũ) cấp cho một doanh nghiệp tư nhân vào tháng 7.2008, tức là một tháng trước khi sáp nhập vào Hà Nội.

Ông Lực cho biết: Trong 3 năm gần đây, BTTNVN đều được Nhà nước cấp cho kinh phí từ 1-1,5 tỉ đồng/năm cho các việc tổ chức đo vẽ mặt bằng, khảo sát bước đầu, xây tường rào... Nhưng đều đặn, khoản tiền trên vẫn được bảo tàng trả lại, với lý do "không có đất thì không thể thực hiện các công việc này".

Với diễn biến như kể trên, có lẽ phải rất lâu người dân Hà Nội mới được tận mắt chứng kiến sự ra đời của bảo tàng này.

                                                                                                     Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng