Tạp chí Sông Hương -
Phòng tranh của nhiều thế hệ họa sĩ Huế
09:42 | 26/08/2022

VIỆT HÙNG

(Nhân xem Triển lãm chào mừng 20 năm giải phóng Thừa Thiên Huế)

Phòng tranh của nhiều thế hệ họa sĩ Huế

Hai mươi năm cố đô Huế được sống trong thanh bình. Hai mươi năm ấy, đủ thời gian cho một thế hệ tài năng mới  tự do "tung cánh". Hai mươi năm nhiều "hạt giống” chắc, mẩy của hội họa Huế đua nhau nẩy mầm, ra lá xanh tươi. Và còn nhiều, đấy là điều chắc chắn, những "hạt" mùa sau đang chờ ngày nứt vỏ...

Huế tuy nhỏ nhưng người Huế luôn tự hào, bởi quê hương mình từ lâu đã trở thành cái nôi thứ ba của Việt Nam sản sinh ra những nhân tài hội họa. Trường Mỹ thuật Huế được thành lập năm 1957. Từ bấy đến nay, dầu trải qua bao thăng trầm của những biến động lịch sử nhưng nơi đây đã cho “ra lò" nhiều họa sĩ nay đã vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Một số khác do những hoàn cảnh đặt biệt mà đang sống ở nước ngoài, nhưng họ vẫn luôn trân trọng lưu giữ, phảng phất một nét gì rất Huế trong bút pháp của mình.

Để kỷ niệm 20 năm ngày Huế giải phóng, một phòng tranh của 48 họa sĩ, hội tụ gần đủ những gương mặt tiêu biểu hội họa Huế hôm nay. Họ thuộc nhiều thế hệ khác nhau (cả tuổi đời lẫn tuổi nghề). Thật cảm động khi có những họa sĩ đã ở tuổi gần bảy mươi vẫn có những sáng tác mới chẳng kém phần "bứt phá", nay triển lãm chung với những họa sĩ tuổi chưa tới 30. Điều ấy quả là sự khích lệ rất lớn cho lớp trẻ. Đa số các họa sĩ đều trưởng thành với Huế. Một số ít trước đây học ở Hà Nội, Sài Gòn. Có những người từng đi tu nghiệp ở một số nước Châu Âu như Vĩnh Phối, Trương Bé, Đỗ Kỳ Hoàng, Phan Thanh Bình... Có những người chỉ học qua sách vở, bạn bè mà nay đã thành danh, tranh của họ đã được bán nhiều trong nước và ra nước ngoài.

“Tĩnh vật” - Bột màu của Đỗ Kỳ Hoàng


Đây là một phòng tranh lớn nhất trong 20 năm qua ở Huế. 48 gương mặt tạo nên cái diện mạo nghệ thuật đa dạng về phong cách thể hiện với nhiều đề tài phong phú. Có những người mà cha và con, anh và em cùng tham gia triển lãm như Đỗ Kỳ Hoàng với hai con trai là Đỗ Kỳ Huy và Đỗ Kỳ Mẫn; Hải Bằng với con trai là Hải Trung; Vĩnh Phối cùng em gái là Tôn Nữ Tuyết Mai. Có những họa sĩ từng là chiến sĩ của Trung đoàn 101 oai hùng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa như Trần Quốc Tiến, Hải Bằng. Một số nổi lên từ đầu thập niên 60 như Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, một số khác được chú ý từ đầu thập niên 70 như Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé, Phan Hữu Lượng, Hồ Đắc Từ, Tôn Nữ Tuyết Mai, Đặng Mậu Tựu, Hà Văn Chước... Trong số này có nhiều người đã có từ một đến vài ba lần tham gia triển lãm tranh ở các nước Châu Âu, nhất là ở Pháp. Còn lại hết hai phần ba số họa sĩ là trưởng thành và khẳng định tên tuổi của mình từ sau 1975. Điều ấy để thấy hội hoạ Huế 20 năm qua đã được bổ sung một đội ngũ sáng tác khá hùng hậu. Họ được đào tạo lớp lang hơn, bài bản hơn nhiều họa sĩ đàn anh. Họ được tiếp nhận thông tin nhiều chiều về nghệ thuật hơn những người đi trước. Nhiều người sớm tỏ ra xông xáo và có bản lĩnh, có thể kể như Vũ Tấn Ba, Nguyễn Duy Linh, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thị Mỹ, Trần Thanh Bình, Thân Văn Huy, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Kỳ Huy...

48 gương mặt, 108 bức tranh, nhiều vẻ đẹp, nhiều sắc diện, tạo nên một rừng hoa lạ, toàn bộ phòng tranh là sự thể hiện đa dạng về bút pháp, ít bị lặp lại, ít ai giống ai; nhưng nhìn chung nó toát ra một vẻ dịu dàng, đằm thắm, nền nã, cùng cả sự dữ dội, nồng nàn được tiềm tàng, ẩn chứa từ trong miền sâu lắng. Đó cũng là cái đẹp đặc trưng và rất "Huế".

Vĩnh Phối và Trương Bé vẫn trung thành với ánh sáng trừu tượng, Trương Bé với "Nhịp điệu xanh” và "Thiếu nữ đêm”; Vĩnh Phối với "Bố cục công nghiệp" và "Loài chim". Hai hoạ sĩ có một nét tương đồng là cách tiết chế màu sắc khá điềm tĩnh, trầm mặc, từ đó để thấy một nội lực sáng tạo rất mạnh mẽ. Điều chắc chắn là hai họa sĩ đã có nhiều năm nghiền ngẫm để chiêm nghiệm mình. Cũng trong lối thể hiện trừu tượng, Tôn Nữ Tuyết Mai với "Cô dâu", Hồ Sĩ Ngọc với "Ngày hội"; tranh của hai họa sĩ này lại dùng những màu sắc rực lửa, nhất là tranh của Tuyết Mai. Điều ấy làm người xem dễ nhận ra một sự nồng cháy dữ dội trong tâm hồn nữ họa sĩ này.

Cha con Đỗ Kỳ Hoàng vẫn phát huy thế mạnh của mình là tranh sơn mài. Đỗ Kỳ Hoàng với "Một ngày ở Nam Đông", là bức tranh rất hoành tráng, không gian khoáng đạt, bố cục gọn và dễ gây ấn tượng. Đỗ Kỳ Huy với "Đợi", Đỗ Kỳ Mẫn với "Phá Tam Giang" là sự tiếp nối những ưu điểm của cha và được nâng lên một bước mới. Xem ra, đường nét trong tranh của Đỗ Kỳ Huy có phần sắc sảo, tinh tế, tính ẩn dụ cao. Đó là điều đáng mừng cho thế hệ họa sĩ trẻ hôm nay.

Một số họa sĩ chủ yếu khai thác các chất liệu dân gian như Hà Văn Chước với "Hoa và quả", Hồng Trọng Mỹ với "Xuân thanh bình", Phan Chi với "Thiếu nữ tắm", Nguyễn Thái Hòa với "Mùa đông quê tôi"... Đây là những bức tranh đẹp, giản dị, gần gũi được với số đông người xem.

"Phía trước" - sơn mài của Lê Quý Long


Một số khác thiên về những đường nét truyền thống như Trần Thị Phương Hoa với "Trạm giao liên", Đỗ Kỳ Mẫn với "Phá Tam Giang", Lê Quý Long với "Khiêm lăng Tự Đức", Phạm Văn Lập với "Cổng phủ chiều hôm", Trần Quốc Tiến với "Thu hải đường", Đặng Mậu Tựu với "Hồi ức của mẹ". Tranh của họ dễ hiểu, dễ phân tích bởi cái thực, cái sống động của nó mang nặng tính biểu đạt, nhất là "Trạm giao liên" của Phương Hoa; "Thu hải đường" của Trần Quốc Tiến, "Cổng phủ chiều hôm" của Phạm Văn Lập lại đưa đến cho người xem một nỗi xao động, một cái buồn man mác.

Điều đáng nói, là một số họa sĩ thể hiện bằng những đường nét tương đối mềm mại và uyển chuyển, màu sắc lại dè dặt, hiền từ. Phải chăng đây là cái sự duyên dáng bề ngoài rất Huế. Có thể kể như Mai Châu với "Lưng phố", Nguyễn Thị Mỹ với “Bâng khuâng", Hải Bằng với "Mưa Huế", Nguyễn Hữu Ngô với "Tĩnh lặng", Phạm Thị Tuyết với "Dấu xưa"...

Người xem, nhất là khách nước ngoài đặc biệt chú ý đến tranh của Hoàng Đăng Nhuận và Nguyễn Duy Linh. Phải nói tranh của hai họa sĩ này có nhiều cái lạ. Hoàng Đăng Nhuận với "Sương hồng" và "Tĩnh vật phố và Mùa thu", rất thu hút cái nhìn bởi màu sắc, đường nét, cùng ý tưởng nghệ thuật khá gợi mở. Trên những hình thể gầy guộc vươn cao nhưng cứ lung linh, lấp loáng ở "Sương hồng", như những vì sao trên đỉnh gió lạnh. Người nghệ sĩ này đã thực sự cài hoa, rắc bướm lên hoa phẩm của mình, Nguyễn Duy Linh với "Niềm hạnh phúc" và "Gió xám" màu sắc chan hòa quá đẹp mắt. Điều bất ngờ ở "Niềm hạnh phúc" là bố cục tương đối lạ lẫm; nó đơn giản mà hàm súc được nhiều ý tưởng đẹp khiến người xem phải dừng lại khá lâu ở bức tranh này. Cám ơn Nguyễn Duy Linh đã cho người thưởng ngoạn một cảm giác thực sự yêu đời.

Hồ Đắc Từ với "Những dải sáng" và "Thăng hoa". Họa sĩ này dường như nặng về kỹ thuật. Tranh của anh với những đường nét sắc sảo đến lạnh lùng trong cái bố cục màu sắc u buồn. Bên cạnh đó, những bức tranh thủy mặc của Vũ Tấn Ba và Nguyễn Đình Mão lại mang nhiều chất thơ và mộng: nó cứ dìu dặt, nhè nhẹ, vẻ liễu yếu tơ đào của thiếu nữ.

“Bến phố” - sơn dầu của Thân Văn Huy
“Phố mới” - sơn dầu của Trần Văn Mãng


Phan Hữu Lượng với “Phù Đổng", một bức tranh mang nhiều tính biểu cảm. Thân Văn Huy cũng gây bất ngờ trong "Bến cũ"; anh tạo ra những mảng sáng, tối mờ ảo rất sang trọng. Phan Thanh Bình với "Bát bửu" cũng được nhiều người lưu tâm bởi cái ý tưởng kín đáo, cài đặt rất nhuần nhuyễn trong đường nét của anh. "Phố mới" của Trần Văn Mãng là sự chấm phá giản dị rất dễ thương. "Thuyền mùa xuân" của Trần Thanh Bình, "Giai điệu của biển" của Vũ Văn Thiên, "Đêm sông Hương" của Hải Trung. "Nghiêng nón đón trăng" của Tuấn Dương... đều là những bức tranh hồn nhiên, nó tải được nhiều nét đẹp thâm trầm, kín đáo của Huế.

48 họa sĩ chung một phòng tranh, mỗi người chỉ được vài ba bức, không gian trưng bày quả là chật hẹp. Điều ấy chưa thể nói hết được những tinh hoa của hội họa Huế hôm nay. Nhiều họa sĩ còn những bức tranh tâm đắc mà chưa trình làng đợt này. 108 bức, một con số khiêm tốn nhưng phần nào cũng phản ánh diện mạo của hội họa Huế. Phòng tranh này dù nhiều hay ít cũng đã đưa ra một phác thảo sơ bộ về tính dự báo của hội họa Huế khi bước sang thế kỷ 21. Các họa sĩ Huế sẽ vẫn đi từ hội họa phương Đông là chính, bên cạnh sự tiếp nhận có chọn lọc những ưu việt của hội họa phương Tây. Chất liệu dân gian cùng những yếu tố truyền thống được nâng lên bước cao hơn chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sáng tạo của các họa sĩ Huế ở tương lai.

V.H
(TCSH76/06-1995)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng