“Cầu
, chùa Bắc, đình Đoài” - người yêu di sản hầu như ai cũng biết câu tục ngữ về “đặc sản di tích” ở từng vùng quê VN. Mỗi ngôi chùa, mái đình đều có thể là đề tài nghiên cứu của không chỉ một mà có đến dăm ba luận án tiến sĩ.
Có những ngôi chùa thân quen đến độ gần như ai cũng có thể coi là “của mình” vì tần số xuất hiện trên truyền hình, bưu ảnh, báo chí hằng ngày hằng giờ: chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Hương... Có những ngôi chùa độc đáo như chùa Mui, chùa Keo, chùa Dặm... Số bản vẽ mô tả thiết kế kiến trúc lên đến ngàn trang... Lên chùa mỗi ngày rằm, mồng một, thắp hương chiêm bái mỗi dịp hành hương... nhưng mấy ai biết giá trị đặc sắc của từng ngôi chùa. Số người biết tường tận ngày xây cất, ngày sửa sang, tác giả của những pho tượng cổ hay bức phù điêu gỗ... lại càng ít ỏi.
Kiến trúc sư LÊ THÀNH VINH - viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - đã bắt đầu như thế khi được hỏi về nguyên nhân sâu xa khiến các chuyên gia của viện “bắt tay” với một công ty truyền thông (Alaska Media) để sản xuất loạt phim tài liệu dài chưa từng có ở VN về các di sản của chúng ta: chỉ riêng phần mở đầu - phần về những ngôi chùa Việt - đã dài đến 180 tập.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho biết: “Những ngôi chùa Việt là một nhánh trong dự án “Bản đồ di tích VN” mà chúng tôi đang tiến hành. “Bản đồ di tích” sẽ có nhiều tầng theo chiều sâu và có thể dàn trải theo chiều ngang. Cũng cần phải hiểu “bản đồ di tích” không chỉ có nghĩa là căng lên một tấm bản đồ theo mặt phẳng, mà là rất nhiều tiện ích tích hợp khi nhấp chuột vào một địa danh kèm theo đó là website, các ấn phẩm, sách ảnh, thậm chí các tập bản vẽ được in ấn rất đẹp để phục vụ người nghiên cứu chuyên ngành và những khách du lịch nước ngoài có thú vui sưu tập”.
Vậy thưa ông, những ngôi chùa Việt giữ vị trí như thế nào trong dự án “Bản đồ di tích”?
- Giữ vị trí rất quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất. Chúng ta có 3.000 di tích được xếp hạng, chủ yếu là đình - đền - chùa (các di tích cách mạng chiếm tỉ lệ ít hơn nhiều). Trong đó có ít nhất 1.000 ngôi chùa được xếp hạng di tích, ngoài ra còn rất nhiều ngôi chùa nhỏ khác chưa được xếp hạng nhưng với các nhà nghiên cứu, nó còn có những giá trị độc đáo hơn cả những ngôi chùa đã được xếp hạng. Do vậy, đối tượng khảo sát của chúng tôi lên đến hơn 1.000 ngôi chùa.
Hơn nữa, chùa với người Việt không chỉ là không gian tôn giáo, nơi phục vụ các hoạt động thờ cúng, tâm linh mà còn là một nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi in dấu những thiết chế lâu đời. Các cụ vẫn nói “đất vua - chùa làng - phong cảnh bụt” là vì thế. Bắt đầu lập bản đồ di sản bằng chùa Việt sẽ là một chất xúc tác để lôi kéo sự quan tâm của xã hội.
Vậy những ngôi chùa Việt sẽ làm thế nào để tạo được hiệu ứng riêng với khán giả, khiến người xem thấy loạt phim này khác với các phim khoa giáo của VTV2 hay “du lịch qua màn ảnh nhỏ” của VTV3?
- Với tư cách cơ quan tư vấn về chuyên môn, chúng tôi yêu cầu tất cả các phim về chùa Việt đều phải được quay cảnh thật, không dàn dựng, đặc biệt hạn chế kỹ xảo. Một lợi thế là các chuyên viên của chúng tôi đều có nghiên cứu riêng về mỗi ngôi chùa, nên mỗi tập phim phải nêu được cái riêng biệt, duy nhất, độc đáo mà chỉ ngôi chùa ấy có. Một pho tam thế ở chùa Mía, một bức tường đất chùa Bổ, một bức chạm khắc chùa Keo, một hệ thống tháp đá chùa Phật Tích... cũng có khi chỉ nhấn mạnh vào một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ: một chiếc mõ gắn liền với nhiều đời sư trụ trì.
Và cũng có khi cần cái nhìn liên tưởng, bao quát: vì sao hệ thống chùa trên Yên Tử khác hẳn các hệ thống chùa khác ở VN?
Thưa ông, còn tại sao lại chọn con số 180 tập phim trong khi có hàng ngàn ngôi chùa, và vì sao bắt đầu bằng chùa Trấn Quốc?
- Bản thân cái tên Trấn Quốc đã nói lên ý tưởng của những bậc tiền nhân xây chùa và tinh thần “đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”. Trấn Quốc tọa lạc ở ngay trung tâm Hà Nội và còn giữ được nhiều nét cổ kính. Còn con số 180 là ý tưởng của nhà đầu tư. Tôi hi vọng sau khi phát sóng những tập phim đầu tiên (dự kiến tập phim đầu tiên lên sóng VTV ngày 10-10-2009) nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, chúng tôi có thể làm tiếp nhiều tập phim nữa.
Sẽ có một “bản đồ di tích” của VN
Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh: “Quá trình khảo sát, thống kê, nghiên cứu, trùng tu của Viện Bảo tồn di tích cùng nhiều cơ quan và các cá nhân nghiên cứu độc lập khác đã tập hợp được một khối lượng hồ sơ nghiên cứu về di tích rất lớn, một cơ sở dữ liệu rất rộng về nhiều góc độ nghiên cứu: kiến trúc, khảo cổ, điêu khắc, phong tục tập quán, tín ngưỡng. Chưa kể đến tư liệu của các cơ quan khác, chỉ riêng viện chúng tôi đã sở hữu đến 40.000 bản vẽ kiến trúc cổ sau khoảng 20 năm khảo sát, sưu tầm. Nhưng chỉ là các tập hợp như vậy thì chưa đủ thành “kho” (mà bản thân kho dữ liệu qua thời gian cũng sẽ trở thành di sản).
Chúng tôi muốn khối lượng dữ liệu khổng lồ này trở thành một cái “kho”, một “thư viện mở”, cũng có thể gọi là một “ngân hàng dữ liệu di sản” đúng nghĩa để tất cả tầng lớp trong xã hội đều có thể tiếp cận nếu thật sự quan tâm. Với công nghệ tin học, vấn đề này sẽ được giải quyết trong một thời gian không xa. Chúng tôi đang tiến hành số hóa các tư liệu này và bằng những công nghệ tích hợp sẽ cho ra đời một bản đồ di tích của VN”.
|
Theo TT |