Tạp chí Sông Hương -
Hoàn thiện hồ sơ Di sản tư liệu thế giới: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
14:37 | 12/08/2009
Hồ sơ đề cử 82 tấm bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội) là Di sản tư liệu thế giới đang được UBND TP Hà Nội gấp rút hoàn thiện.
Hoàn thiện hồ sơ Di sản tư liệu thế giới: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

82 tấm bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được dựng trong khoảng thời gian từ 1484 đến 1780, trên bia khắc nội dung bài văn bằng chữ Hán ghi lại lịch sử các khoa thi Tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1779, dưới triều Lê và Mạc. Suốt mấy trăm năm, dựa trên tư liệu tổng hợp từ nội dung các tấm bia ghi lại, đã có 1.307 lượt người đỗ, có ba người đỗ hai lần, trong đó, 85 người đỗ Ðệ nhất giáp (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); 283 người đỗ Ðệ nhị giáp (Chính Tiến sĩ, tức Hoàng giáp) và 939 người đỗ Ðệ tam giáp (Ðồng Tiến sĩ xuất thân, tức Tiến sĩ).

Ðiều đặc biệt là trên các tấm bia đá không chỉ ghi lại danh tính, quê quán của người thi đỗ, mà còn khắc kèm một bài ký của những bậc văn nhân kỳ tài viết về khoa cử, mục đích dựng bia, khẳng định vai trò của kẻ sĩ và những điều răn đối với kẻ sĩ. Nhiều nội dung trong các bài ký đó đã trở nên bất hủ, lưu truyền hậu thế như câu mở đầu trong bài ký khắc trên tấm bia đầu tiên được dựng năm 1484 của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Theo PGS,TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Hán-Nôm, bia Tiến sĩ được tìm thấy và lưu giữ tại nhiều nơi. Ở cấp quốc gia hiện có hai nơi là Văn Miếu Hà Nội và Văn Miếu Huế. Ở cấp tỉnh có hai nơi là Bắc Ninh và Hưng Yên, cùng khoảng 80 bia ở cấp huyện. Song, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội có điểm khác biệt hơn hẳn so với hệ thống bia của các nơi khác chính ở nội dung bài ký được khắc trên bia. Và nếu so sánh với hệ thống bia Tiến sĩ của Trung Quốc và Hàn Quốc hiện còn lưu giữ được, thì nội dung này cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của bia Tiến sĩ Việt .

Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc, người đã trực tiếp sang khảo cứu một số bia Tiến sĩ của Trung Quốc khẳng định: Tuy Việt Nam tiếp thu truyền thống dựng bia từ Nho học Trung Quốc, nhưng các bia Tiến sĩ của Trung Quốc (hiện còn 198 tấm bia, ghi danh 51.624 Tiến sĩ, trong đó có hai Tiến sĩ là người Việt Nam) được dựng đồ sộ về hình thức lại khá sơ lược về nội dung, và không được khắc kèm bài ký như 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội.

Nghệ thuật tạo tác bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội được ghi nhận là đã đạt đến trình độ cao, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân hàng đầu với nhiều phong cách trải qua các thời kỳ. Do ý nghĩa đặc biệt của các tấm bia Tiến sĩ, nên quá trình dựng bia được tiến hành hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng, công phu: Nhà vua giao cho Bộ Công tiến hành chuẩn bị dựng bia, chọn và chỉ định những quan đại thần tài năng soạn văn bia, kiểm tra tên những người đỗ của khoa thi; bài văn bia sau khi soạn xong được trình lên nhà vua xem xét, đồng thời các nghệ nhân, thợ giỏi được tuyển chọn tìm đá làm bia; sau khi văn bia đã được duyệt, mẫu bia được thông qua, bài văn bia sẽ được chuyển cho nhà thư pháp viết lên mặt đá; thợ khắc đá sẽ khắc bài văn bia cũng như trang trí bia dưới sự giám sát của quan đại thần do vua chỉ định; khi bia đã được khắc xong và dựng ở Văn Miếu, vị quan chịu trách nhiệm coi sóc việc dựng bia sẽ trình báo lên nhà vua để làm lễ khánh thành bia.

Quần thể di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám là một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế nhiều nhất tại Thủ đô Hà Nội. Trong hành trang của mỗi khách thăm, hình ảnh những hàng bia đứng trên lưng rùa đá hẳn đã trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của một dân tộc có truyền thống nhân văn. Với mỗi người Việt , hình ảnh Khuê Văn Các cùng những hàng bia đá đã trở nên rất đỗi thân quen, là biểu tượng, là niềm tự hào mang ý nghĩa toàn dân tộc. Không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám luôn gợi sự linh thiêng, trầm lắng, như một mối dây nối quá khứ với hiện tại.

Bên cạnh các chương trình, dự án trùng tu, bảo tồn, tôn tạo nhiều hạng mục trong quần thể khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội, việc đề cử hệ thống 82 bia Tiến sĩ tại đây vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới (thuộc chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng) sẽ là một bước đi để vinh danh, giới thiệu những giá trị đặc sắc của di sản đến bạn bè quốc tế, và tìm kiếm những giải pháp hoàn thiện hơn cho hoạt động bảo tồn. Từ kinh nghiệm của quá trình làm hồ sơ Mộc bản triều Nguyễn, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá: Hồ sơ 82 tấm bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám được các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá rất cao, và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, Ủy ban đang phối hợp UBND TP Hà Nội để gấp rút hoàn thiện hồ sơ kịp gửi đi trước ngày 30-9-2009.

                                                                                                                 Theo ND

Các bài mới
Các bài đã đăng