Tạp chí Sông Hương -
Từ 'Tuổi dậy thì' nghĩ về mỹ thuật Tây Bắc, Việt Bắc
14:54 | 12/08/2009
Trong triển lãm khu vực Tây Bắc, Việt Bắc lần này, khi hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật còn đang lựa chọn và chấm giải thì bức họa Tuổi dậy thì của nữ họa sỹ trẻ vẽ một cô gái khỏa thân đứng ngoài đường đã gây ra nhiều tranh cãi.  Tuổi dậy thì (trích đoạn/sơn dầu): Bức họa gây nhiều tranh cãi của tác giả Hà Quỳnh Nga; Thiếu nữ dân tộc Dao (sơn dầu) của tác giả Hoàng Xuân Trường (bìa phải)
Từ 'Tuổi dậy thì' nghĩ về mỹ thuật Tây Bắc, Việt Bắc

Sở Văn hóa Du lịch và Thể thao tỉnh Phú Thọ không muốn treo, tất nhiên vì lý do thuần phong mỹ tục, dù rất nhiều họa sĩ trong hội đồng cho rằng không có vấn đề gì. Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết: Từ trước đến nay, đây là trường hợp thứ ba. Lần thứ nhất là bức tranh Ngã ba sông của một họa sĩ Hải Phòng, vẽ hơi giống bộ phận kín, lần thứ 2, là một bức tranh vẽ người quét rác của một họa sỹ Hải Dương, có phần hơi bệ rạc. Tuy nhiên, trong hơn hai vạn tác phẩm qua 14 năm triển lãm, đến nay chỉ có ba trường hợp tỉnh đề nghị không treo, chúng tôi cũng thấy nhất trí, và chủ yếu do chất lượng nghề không thật cao.

Theo quy chế, những hoạt động văn hóa ở địa phương, phải có sự cấp phép của sở văn hóa. Cho đến khi tôi viết bài này, bức họa Tuổi dậy thì đã làm tốn rất nhiều tiền điện thoại, và nhiều bàn cãi, cuối cùng người ta cũng đã treo nó vào góc khuất gầm cầu thang.

Sự biến đổi ngôn ngữ và bản sắc của các sắc tộc hiện tại là lý do tôi quan tâm nhiều hơn đến các triển lãm mỹ thuật khu vực miền núi và qua những tranh tượng có thể thấy được vấn đề đó như thế nào. Phần lớn các họa sỹ và nhà điêu khắc địa phương cũng được đào tạo từ các trường đại học nghệ thuật trong nước. Khi về quê hương công tác, việc sáng tác không còn là nhu cầu hàng ngày nữa, phần lớn, chỉ vẽ khi dịp triển lãm tới.

Với triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần, quá lâu để cho mạch sáng tác được liên tục, nhưng với triển lãm khu vực thường niên đã thúc giục các tác giả vẽ thường xuyên hơn, và cho đến nay, trừ hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, phong trào có yếu hơn, còn các tỉnh khác công việc nghệ thuật đã thành nếp.

Việc phần lớn các họa sĩ có bằng đại học đi học thạc sĩ và sau đại học nói chung khiến nghề nghiệp của họ nâng lên, cũng tạo kết quả ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn, nhưng xu hướng chung lại đang quy về những bút pháp từ vài trường nghệ thuật ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi các họa sĩ thành phố đã bỏ đi tính định hướng như vậy chạy bung ra theo sở thích cá nhân của mình.

Tất nhiên nòng cốt của các triển lãm khu vực, như khu vực Tây Bắc, Việt Bắc này chẳng hạn, vẫn là những nghệ sỹ đã định hình, thậm chí có tên tuổi trên toàn quốc. Ở Cao Bằng là Phan Hùng, Phú Thọ là Đỗ Dũng, Sơn La là Cà Kha Sam và Lò An Quang, Hà Giang là Hoàng Xuân Trường, Hà Bắc là Lưu Thế Hân... Cũng đã nổi lên những nghệ sỹ trẻ đang trở thành tác giả chuyên nghiệp.

Sự không đều về chất lượng thấy ngay ở một tác giả, năm nay, anh này vẽ rất đẹp, năm sau lại rất xoàng, có thể anh ta có bài thi tốt nghiệp cao học được làm công phu trong vài năm, sau đó về quê lại bỏ bê bút mầu. Một số tác giả trẻ khác lại muốn cắt đứt với hoạt động địa phương, họ chạy thẳng lên thành phố và thành đạt nhanh chóng ở mọi mặt. Cũng như có những người luôn luôn đòi hỏi cả định hướng lẫn tiền sáng tác, ý thức tự lập cá nhân rất thấp.

Việc đăng cai giữa các tỉnh hoàn toàn không giống nhau. Có tỉnh đầu tư nhiều cho triển lãm, có tỉnh chi phí rất thấp, khiến Hội Mỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Rất ít phòng triển lãm địa phương đủ điều kiện trưng bày tranh tượng, vì vốn chúng được thiết kế cho trưng bày đa năng, không chuyên cho mỹ thuật. Các cuộc khai mạc rất vui, rượu được rót và chúc tụng liên hồi, uống nhiều được coi là chịu chơi và rất nghệ sỹ. Giá mà các nghệ sỹ cũng vẽ nhiều và chuyên nghiệp như uống rượu.

Mặc dù tay nghề và tính chuyên nghiệp có những bước tiến rõ rệt, nhưng bản sắc đặc thù của từng tộc người đang phôi phai trông thấy. Không phải ta cứ vẽ nhà sàn, núi rừng, người dân tộc mặc thổ cẩm thì bản sắc xuất hiện. Ngay cả khi ta là người dân tộc chính gốc, nói tiếng mẹ đẻ thuần thục thì nghệ thuật chưa chắc đã phản ánh được dân tộc tính. Thực chất cần có sự thấm đượm sâu sắc tâm hồn, sự nghiên cứu có hệ thống gốc rễ dân tộc mới có thể bộc bạch bản sắc trong tác phẩm.

Họa sỹ Nguyễn Văn Chính (Thái Nguyên) cho rằng trong hội đồng nghệ thuật cần có người thông thạo miền núi và sắc tộc mới có thể tri âm hết họ đã vẽ gì. Họa sỹ Cà Kha Sam (Sơn La) nói rằng: Chúng tôi cần được giải thích tại sao tác phẩm này được giải A, giải B, tác phẩm này bị loại.

Góc chợ vùng cao ngày không phiên (sơn dầu) của tác giả Đỗ Ngọc Dũng; Ký ức hào hùng (sơn dầu) của tác giả Lưu Thế Hân (từ trái qua)

Trước đây, ngay sau giờ khai mạc ban tổ chức thường làm buổi tọa đàm, mọi người có thể phát biểu ý kiến chất vấn Hội Mỹ thuật và hội đồng nghệ thuật. Vài năm gần đây sự hỏi đáp thường gay gắt, nên họ (hội đồng nghệ thuật), lúc đầu thì một vị thì nói cho hết giờ, còn về sau bỏ đi luôn buổi tọa đàm.

Chúng tôi nghĩ rằng dám làm thì dám chịu, anh có cả gan chấm và xét duyệt những đồng nghiệp, có thể chẳng thua kém gì mình về tay nghề, thì cũng cần tỏ ra là đấng nam nhi, nói rằng tại sao tôi loại tác phẩm này, tại sao tôi cho tác phẩm kia giải A.

Nếu cho rằng xem hơn hai trăm tác phẩm giống như đi qua hơn hai trăm bản làng miền núi thì đó là đòi hỏi quá đáng. Bản thân nghệ sỹ của từng dân tộc cũng không muốn bó hẹp trong đời sống quá đặc thù.

Khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược đang cố gắng được thu hẹp. Sản vật núi rừng đang cạn kiệt, nhà sàn và thổ cẩm nhiều nơi chỉ dùng cho du lịch, tiếng Kinh đã pha trộn từ 30-60% trong các ngôn ngữ địa phương, biên giới không đóng kín như trước mà cũng phát triển thành thị trường nhộn nhịp.

Những điều đó đặt cho văn nghệ của vùng miền những vấn đề mới, không ai có thể sống trong một khuôn mẫu đóng kín nữa. Cảm quan này thấy được qua nhiều tác phẩm trong triển lãm, sự tiếc nuối, sự cố gắng tìm lại cội nguồn, sự thất vọng vì bị cắt đứt truyền thống cảnh quan thiên nhiên và ngược chiều với nó là không ít khát vọng hiện đại hóa trong một thế giới phẳng.

Hàng năm tại các vùng miền trong cả nước Hội Mỹ thuật Việt phối hợp với các tỉnh đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật cho các khu vực.

Triển lãm khu vực III, Tây Bắc Việt Bắc năm 2009 được tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Phú Thọ, từ 10/8-25/8/2009. 268 tác phẩm trưng bày của 234 tác giả được lựa chọn từ 285 tranh tượng của 249 tác giả gửi đến. Các tỉnh tham gia gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Yên Bái.


                                                                                             Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng