Giống nhau đến từng nhân vật
Câu chuyện trong Khăn tay vàng (KTV) gay cấn và hấp dẫn ngay từ đầu, và cách dẫn chuyện của Gió nghịch mùa (GNM) cũng hao hao như thế, thu hút người xem từ những tập đầu tiên.
Ở KTV, nhân vật nam chính - Shang Min mồ côi mẹ, sống với bố, ban đầu yêu Ja Jung, nhưng sau vì tham vọng thăng tiến và giàu sang, đã bỏ rơi cô bạn gái đang mang thai đứa con của mình để kết hôn với người phụ nữ giàu có. Ja Jung sống với bà và em trai - cậu em này (có cô bạn gái thân rất lâu và có nảy sinh tình yêu) sau đó cũng quen và yêu em gái của vợ Shang Min. Bà của Ja Jung có một người bạn, người bạn này có cháu trai ở nước ngoài về, sau đã gặp và yêu Ja Jung, cùng nuôi đứa con riêng của vợ.
Trong GNM, Hoàng Minh (Việt Anh) nhà nghèo, sống với bố, mồ côi mẹ, cũng vì mê công danh, phú quý đã chia tay Tường Lam (Thùy Trang) để cưới Khánh Ngọc (Lý Nhã Kỳ), con gái của vị giám đốc công ty anh đang làm. Em trai của Tường Lam (cũng có cô bạn rất thân và hai người cũng có tình ý với nhau) sau đã yêu em gái Khánh Ngọc.
Nếu KTV, bà Ja Jung có người bạn thì trong GNM, mẹ Tường Lam cũng có người bạn, bà bạn này có cậu con trai du học về, rồi yêu và cưới Tường Lam, dù biết cô đang mang thai với Hoàng Minh. Chưa biết kết cục của GNM thế nào, nhưng theo thông cáo báo chí, do Khánh Ngọc khó có con, nên Hoàng Minh sau này đã tranh giành đứa con với Tường Lam; và ở KTV thì đúng là Shang Min giành quyền nuôi con với Ja Jung vì vợ không thể có con.
Chỉ chừng ấy chi tiết đủ cho thấy, sự tương tự nhau về các tuyến nhân vật, từ nhân vật chính đến phụ, từ tính cách, đến hành xử lẫn các mối quan hệ trong phim giữa GNM và KTV. Kết phim của GNM có thể khác với KTV, hiển nhiên, vì nếu cách giải quyết giống nhau nữa thì không cần phải bàn cãi.
Tư tưởng sáng tạo gặp nhau?
Liên lạc với tác giả kịch bản Châu Thổ thì được biết cô hiện công tác nước ngoài. Khi hỏi về đồng tác giả là Phạm Đào Uyên, người phụ trách truyền thông của phim (thuộc hãng Kiết Tường, cũng là đơn vị sản xuất) cho biết lâu nay chỉ làm việc với Châu Thổ, không biết Phạm Đào Uyên là ai. Chúng tôi cũng liên hệ với Giám đốc hãng Kiết Tường để xin số điện thoại của Phạm Đào Uyên, thì bà cho biết trước đây thì có nhưng bây giờ hình như cô này đã đổi số hay về quê gì đó, và nói rằng muốn biết thêm điều gì cứ trao đổi với người phụ trách truyền thông cho phim!
Trao đổi thêm với đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo, anh cho biết chưa xem phim KTV, nhưng khi nghe kể câu chuyện của KTV, anh khá bất ngờ vì "nếu đúng như vậy thì na ná thật, vậy thì hơi kỳ…".
Sự việc này không phải là một trường hợp cá biệt. Bởi một thực tế đáng buồn là, cứ mỗi khi có ca khúc nào đó hay, bộ phim nào đó lạ - cuốn hút, thì người nghe - xem lại dễ suy đoán rằng, không biết tác phẩm này có copy hay "đạo" của nước ngoài không. Chính chuyện này khiến những người làm nghề đích thực cảm thấy bị xúc phạm!
Trở lại với sự tương tự giữa GNM và KTV, vẫn chưa thể khẳng định được điều gì, vì phải chờ câu trả lời của tác giả kịch bản Châu Thổ, nhưng nội dung phim lẫn cách giải thích thờ ơ của nhà sản xuất cho thấy, đây không đơn giản là sự trùng hợp tư tưởng hay sự gặp nhau trong sáng tạo!
Theo TNO |