Tạp chí Sông Hương -
Từ mùa xuân năm ấy
09:01 | 21/03/2023

NGUYỄN KHẮC PHÊ
              Ghi chép

Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.

Từ mùa xuân năm ấy
Nv Nguyễn Khắc Phê thời trẻ và tập ký sự "Vì sự sống con đường" NXB Thanh Niên 1968 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đó là mùa xuân năm 1967. Từ Quảng Bình, tôi lên đường ra Hà Nội đúng vào ngày 29 Tết. Tôi được cơ quan cho ra chữa bệnh, kết hợp hoàn thành tập ký sự viết về những chiến sĩ giữ đường 12A dưới chân đèo Mụ Dạ. Trong hai năm 1965 - 1966, đường 12A là đầu mối quan trọng của đường Hồ Chí Minh, một trong những nơi bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất miền Bắc và cũng là nơi tụ hội các anh hùng. Là một trong những cán bộ chỉ đạo công tác bảo đảm giao thông ở đây, những chiến công và cả những hy sinh gian khổ của đồng đội đã thôi thúc tôi cầm bút. Trân trọng những đóng góp của đội ngũ nhà văn, nhà báo, đồng chí Lại Văn Ly, người lãnh đạo ngành giao thông vận tải Quảng Bình thời ấy, chỉ sau một lần gặp tôi tại Đại hội chiến sĩ "Hai giỏi" (tôi dự Đại hội này với tư cách là một trong năm chiến sĩ xuất sắc của công trường 12A) và nghe tôi đọc bài ký viết về những chiến công đầu trên đường 12A, liền quyết định điều tôi từ công trường về phụ trách công tác tuyên truyền thi đua của ngành. Sau gần 10 năm là cán bộ kỹ thuật, tôi chuyển ngạch thành anh cán bộ "chính trị". Từ đó, công việc thường ngày của tôi là tìm đến các điển hình tiên tiến, các đơn vị vừa lập chiến công, viết thành tích động viên cổ vũ họ. Những năm tháng này đã giúp tôi thêm từng trải, thêm vốn sống, gợi cảm hứng sáng tạo các tiểu thuyết Đường qua làng Hạ, Đường giáp mặt trận, Chỗ đứng người kỹ sư, Miền xa kêu gọi... Nhưng đó là công việc của những năm tháng về sau. Còn những ngày đầu năm 1967, được đêm nào rỗi, tôi lấy chăn, ni lông thưng lại thành một cái "buồng" ở góc nhà, thắp đèn ngồi viết những trang đầu tập ký sự đường 12A. "Buồng" đã thưng che kín lắm, vậy mà thỉnh thoảng lại nghe tiếng kêu: "Muốn chết à? Tắt đèn đi!” Lại phải kiếm thêm "vật liệu" bịt các khe hở. Căn "buồng" càng nồng khét mùi dầu cháy. Dù vậy tôi đã kịp viết xong câu chuyện về anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và đem đọc cho nhà thơ Xuân Hoàng cùng ba nữ anh hùng (Nguyễn Thị Kim Huế, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Khíu) nghe...

Cho đến ngày 29 Tết, tôi được ra Hà Nội. Tôi biết đấy là "đặc ân" dành cho nhà văn nghiệp dư vì những ngày Tết, ngành giao thông vận tải đang phải dốc toàn lực cho chiến dịch trong dịp ngừng bắn. Cùng đi với tôi còn có mấy anh em được cử đi học nước ngoài. Cuộc chiến đấu đang rất khốc liệt, nhưng chúng ta nắm chắc phần thắng trong tay, đã nghĩ đến kế hoạch xây dựng lại đất nước từ ngày ấy.

Lâu lắm rồi, tôi mới được ngồi ô tô chạy giữa ban ngày. Chúng tôi "ăn Tết" bằng niềm vui được thấy những đoàn xe ngược chiều phủ kín vải bạt, nối đuôi nhau đi về phía Nam trên con đường vừa được mang "áo mới" - những hàng cọc tiêu trắng tinh chưa kịp nhuốm bụi đường. Trời nhiều mây mù, nhưng từ đường số một vẫn thấy rõ từng cặp máy bay C.130 lượn về phía bờ biển thăm dò. Đường xuống bến phà sông Gianh nham nhở hố bom. Phản lực trinh sát của Mỹ thỉnh thoảng lại nhào tới nhòm ngó. Pháo cao xạ và cả súng trường nữa lập tức lên tiếng đuổi chúng đi.

Chiếc xe đưa chúng tôi tới bến phà Bến Thủy vừa đúng giờ giao thừa. Giữa sông Lam lộng gió, chúng tôi xúm lại nghe tiếng nói Bác Hồ chúc Tết đầu năm. Đồng bào cả nước đã quen chờ đón lắng nghe tiếng nói Bác Hồ mỗi khi năm mới đến. Nhưng lần này, tôi lắng nghe tiếng Bác với niềm xúc động sâu sắc, không chỉ vì tôi đang ở rất gần quê Bác, mà vì hơn nửa năm qua, những chiến sĩ giữ đường 12A đã được Bác quan tâm đặc biệt. Giữa mênh mông sóng gió sông Lam, giọng Bác đọc bài thơ chúc năm mới nghe càng ấm cúng:

Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta.
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.

Nghe tiếng Bác, tôi lại tưởng như thấy Bác đang bắt tay đồng chí bí thư Đảng ủy công trường, tin cậy giao trọng trách giữ con đường huyết mạch của Tổ quốc cho chúng tôi tại Đại hội bảo đảm giao thông toàn miền Bắc hồi tháng 3 năm 1966; và ngày 12 tháng 4 năm 1966, khi giặc Mỹ lần đầu dùng máy bay B.52 đánh đèo Mụ Dạ, Bác Hồ đã lập tức đánh điện hỏi thăm tình hình công trường. Tôi tưởng như thấy Bác mỉm cười, thở ra nhẹ nhõm khi biết tin những chiến sĩ giữ đường không có ai hy sinh và chỉ qua nửa đêm, con đường ra mặt trận lại thông suốt.

Đêm giao thừa năm ấy, tôi có dịp ghé lại căn nhà nhỏ phía sau nhà thờ cầu Rầm ở thành phố Vinh. Mẹ và em gái tôi đã đi sơ tán. Cửa khóa, cây cối trong vườn vẫn nguyên vẹn. Có lẽ vì trời rét dài ngày, nên cây đào bên ngõ vẫn chưa ra hoa. Một chút bùi ngùi, thương nhớ níu bước chân tôi giây lát. Chỉ vậy thôi. Tôi sang nhà hàng xóm ngủ nhờ, vặn đài nghe cho tới 3 giờ sáng.

Tôi ra đến Hà Nội thì đã sang ngày mồng 2 Tết. Hà Nội vẫn khá đông vui, tuy số người sơ tán cũng nhiều, sống ở thủ đô nhưng tâm trí tôi luôn hướng về đồng đội ở Trường Sơn. Ngày nào, đài cũng loan tin máy bay Mỹ ném bom đường 12A và từng ngày, hình ảnh con đường cùng những đồng đội của tôi hiện ra ngày càng rõ trên những trang bản thảo. Đó là những cô gái gác đèn báo động - những "Đan-cô" ở Trường Sơn; những chiến sĩ phá bom nổ chậm, những đội viên thanh niên xung phong đại đội 759 anh hùng và anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế; chiến công thông đường sau trận B.52 và những chiến sĩ cảm tử tiến lên trận địa bom "tọa độ" ở ki-lô-mét 37...

Có một câu chuyện cảm động, ngày ấy tôi chưa đưa vào tập ký sự. Chính vào lúc tôi rơi nước mắt khi viết những dòng nhắc đến gần chục chiến sĩ thanh niên xung phong tại đại đội 759 bị vùi trên trận địa đồi 37 thì đồng chí Lại Văn Ly ra Hà Nội, đến thăm nghệ sĩ Bích Lâm. Ông vừa đi dự hội diễn sân khấu các nước châu Mỹ La tinh ở Cu Ba về. Cuối năm 1966, ông dẫn đầu một đoàn nghệ sĩ vào thăm công trường 12A và đã mang về Hà Nội nắm đất từng thấm máu các chiến sĩ trên "đồi 37". Nửa nắm đất ấy được ông mang sang Cu Ba và khi người nghệ sĩ được tặng giải thưởng cao nhất - một con gà bằng vàng, đem tặng lại vật quý giá ấy cho đoàn Việt Nam, ông đã lấy nửa nắm đất "đồi 37" tặng người bạn quốc tế. Nâng tặng phẩm của đoàn Việt Nam, người bạn quốc tế ở nơi xa ấy đã xúc động nói đại ý: đây là phần thưởng quý vô giá đối với ông... Câu chuyện này càng thôi thúc tôi hoàn thành tập ký sự và có lẽ nó cũng tác động đến đồng chí Lại Văn Ly, khiến ông "linh động" cho tôi ở lại Hà Nội thêm một tháng nữa. Cũng phải nói thêm là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà viết kịch Học Phi đã nhiệt tình nói "vun vào" với đồng chí Ly tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tập sách.

Ngày ấy, trong làng văn, tôi còn là một "tiểu tốt vô danh", mặc dù mấy năm trước đã có một vài truyện đăng báo. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh biết tôi chẳng qua vì chị tôi là bạn với vợ ông - nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, hồi còn học trường Đồng Khánh (Huế). Còn với nhà viết kịch Học Phi thì chỉ vì ông cảm phục các chiến sĩ giữ đường 12A và ông cũng đã dựng một vở kịch dựa trên cuộc chiến đấu ở "đồi 37". Cũng vì hai vị không quen với thể ký và lúc đó, tập ký sự "Họ sống và chiến đấu" viết về các chiến sĩ giữ đảo Cồn Cỏ đang được dư luận chú ý, nên tôi đã may mắn được giới thiệu với nhà văn Nguyễn Khải, tuy chẳng biết tôi là "thằng cha" nào, nhưng trân trọng các chiến sĩ giữ đường Trường Sơn, ông đã chịu khó bỏ mấy buổi chiều nghe tôi đọc bản thảo, rồi vui vẻ giới thiệu nó với Nhà xuất bản Thanh Niên và bảo tôi đem mấy chương sang chỗ nhà văn Nguyễn Thành Long để đăng báo "Văn Nghệ".

Đầu năm 1968, tập ký sự "Vì sự sống con đường" được xuất bản. Bây giờ, mỗi lúc có dịp cầm đến tập sách đầu tay này, tôi lại nhớ về những đồng đội cũ và các nhà văn đàn anh đã hết lòng cổ vũ tôi trong bước đầu cầm bút. Và chợt nghĩ: nếu như không có chuyến đi mùa xuân năm ấy thì cuộc đời tôi có thể đã khác lắm. Giữa cuộc chiến ác liệt, bao điều bất ngờ có thể xảy ra. Từ mùa xuân năm ấy, tròn 30 năm đã qua...

N.K.P
(TCSH96/02-1997)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng