LTS: Nhân Tạp chí Sông Hương phát hành số thứ 100 (6-1997), Ban Biên tập chúng tôi có dịp trò chuyện với hai nhà văn từng là Tổng biên tập của tạp chí: Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê.
Vấn đề chúng tôi nêu ra là: SH có đôi đoạn “sóng gió” trong những năm đầu đổi mới, các anh có suy nghĩ gì sau một thời gian đủ để nhìn lại; và giờ đây các anh có nhắn gửi gì với SH với bạn đọc, đặc biệt là đối với nội dung và hình thức của SH ra hàng tháng như lâu nay mà các anh chính là những người đầu tiên đặt nền móng.
Chúng tôi mong muốn được nghe nhiều ý đóng góp xây dựng cho Tạp chí, song do công việc ngày chuẩn bị Đại hội VHNT.TTH lần thứ 8 quá bận rộn, các anh chỉ trả lời hết sức vắn tắt. Dưới đây là ý kiến của các anh.
Nhân dịp này, chúng tôi trân trọng có lời cám ơn các anh - những người đi trước.
- BBT. TCSH -
* Nhà văn TÔ NHUẬN VỸ (Chủ tịch Hội VHNT.TT Huế).- Tôi làm TBT “hình như” từ 1986 - 1990 (các con số, ngày tháng tôi vốn nhớ rất kém). Có lúc “sóng gió” ư ? Hơn thế ấy chứ. Nhưng thôi, nhắc lại chuyện cũ mãi để làm gì? Kết luận cuối cùng của lãnh đạo, tôi thấy cũng phải: các đồng chí có tâm nhưng thiếu tỉnh táo.
Những năm ấy, SH in xấu khiếp lắm, in sai tùm lum, nhưng cũng được nhiều độc giả thương, nhất là những người am tường văn hóa, văn học nghệ thuật. Có lúc gần như hầu hết các tác giả danh tiếng “có gai có cựa” và “hay gây chuyện” trong nước thường xuyên gởi bài, (“rứa là gay rồi”!), có trụ sở và đại diện nhiều nơi, cả ở nước ngoài, ra được “Tủ sách Sông Hương” có được vài ba cuốn quý, tổ chức thi “Em học văn” ở Huế, thường xuyên trao giải cho học sinh đạt giải quốc gia... Không khí ngày ấy cũng rộn ràng, vui lắm. Có một chuyện buồn này. Chúng tôi in “Tình yêu thời thổ tả” của G.Market do Nguyễn Trung Đức dịch (trong hoạt động của Tủ sách SH) nhưng bị niêm lại ở nhà in (Vì lý do không thích hợp với... Việt Nam), nhưng năm rồi bản dịch này của Nguyễn Trung Đức, sau khi xuất bản 1995, lại được giải thưởng của Hội Nhà văn VN!
T.N.V
* Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ (Phó Chủ tịch Hội VHNT.TT Huế).- Tôi chỉ làm Tổng biên tập trong 8 tháng (từ 1/91 - 8/1991), nhưng đã có may mắn được góp phần soạn thảo những văn bản đầu tiên chuẩn bị cho Sông Hương ra đời và đã đảm trách chức vụ Phó Tổng biên tập từ số 1 đến số 43 (1990). Trong những năm này, đã nhiều lần chúng tôi nghĩ đến việc nâng kỳ xuất bản của SH từ 2 tháng lên 1 tháng/kỳ và nhiều bạn đọc cũng gửi thư thúc giục chúng tôi thực hiện việc đó. Tôi còn nhớ có những lá thư viết với tình cảm thiết tha và lòng ưu ái đặc biệt, đại ý: “Sao các anh chị lại bắt chúng tôi chờ đợi lâu như thế...” Đáp lại tình yêu thương nồng thắm ấy và để thích ứng với thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, để kịp thời “có mặt” trước những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong công cuộc đổi mới đất nước (trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật), để tờ SH xứng đáng với vị trí của Huế đang ngày càng được đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế quan tâm, ngay khi nhận trách nhiệm TBT, tôi cũng như tất cả anh chị em trong Tòa soạn đều thấy là điều kiện xuất bản SH tháng 1 kỳ đã chín muồi và hạ quyết tâm thực hiện bằng được.
Hồi đó, điều kiện thông tin in ấn, kinh phí kém xa hiện nay, nhưng với sự nỗ lực của anh chị em trong Tòa soạn và được sự cộng tác nhiệt tình của các cộng tác viên, kế hoạch xuất bản hàng tháng đã thực hiện được. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với Tổng cục Bưu điện đưa SH vào danh mục báo chí phát hành toàn quốc, “hợp đồng” với Đài Truyền hình TP. HCM, Đà Nẵng, báo Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng về việc giới thiệu Tạp chí SH sau mỗi kỳ xuất bản... Có bạn nói đùa “SH bành trướng gớm hè...” Tôi chỉ nghĩ “SH” khi xứng đáng với Huế thì cũng như Huế, mãi mãi sống trong lòng đồng bào cả nước, và một tờ tạp chí ra hàng tháng của một trung tâm văn hóa phải có cách phát hành, “tiếp thị” tương xứng, về nội dung cũng vậy...
Hẳn sẽ có bạn bảo “làm TBT chỉ có 8 tháng, nói chi cho nhiều”. Tuy vậy, tôi còn 8 năm làm Phó TBT. Ờ, nhưng đều là con số 8, tức là chưa “chín”. Vậy xin các bạn cứ coi những dòng trên đây chỉ là chuyện góp vui trong dịp kỷ niệm 100 số SH...
N.K.P
(TCSH100/06-1997)