VIỆT HÙNG
Nguy cơ tụt hậu - một trong bốn nguy cơ đang thường xuyên đe dọa Việt Nam. Bức tranh toàn cảnh kinh tế nước ta hiện nay đang còn khá ảm đạm. Một trong những nguyên nhân gây nên sự ảm đạm ấy là, dân số chúng ta quá đông, hoàn toàn không tương xứng với sự phát triển của một nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, có đến trên 80% số người sống bằng nghề nông nghiệp, với kỹ thuật canh tác cực kỳ thô sơ, điều mà người ta đã sử dụng từ cách đây hàng thế kỷ.
Các nhà kinh tế học dựa vào mức bình quân thu nhập quốc dân tính trên đầu người trong một năm để chia thế giới thành 5 nhóm nước khác nhau, gồm: cực giàu; giàu; trung bình; nghèo; rất nghèo. Nếu mức thu nhập này dưới 1.000 USD là những nước nghèo, và dưới 500 USD là những nước rất nghèo.
Việt Nam hiện nay tuy mức tăng trưởng kinh tế tương đối khá, (khoảng 8% mỗi năm) song do xuất phát điểm thấp, cùng với sự gia tăng dân số cao, nên chúng ta vẫn đang ở mức thu nhập 220 - 230 USD tính trên đầu người trong một năm. Với mức này, chúng ta chịu kém các nước phát triển từ 75 - 100 lần, thậm chí trên 100 lần (ví dụ Nhật Bản, Thụy Sỹ đạt 25.000 USD trên đầu người). Như thế, Việt Nam đang đứng ở nhóm nước thứ 5, thậm chí còn đứng sau một số nước trong nhóm này. Trong khi đó có những tỉnh của Việt Nam chỉ đạt dưới 150 USD. Hiện nay, riêng thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 500 USD, và phấn đấu đạt 1.000 USD vào năm 2000. Như thế, hy vọng đến năm 2000, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam thoát khỏi “sự nghèo”.
Những con số như trên để chúng ta thấy rằng, hiện nay Việt Nam đang bị... tụt hậu.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường tất yếu để đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. Với phương châm phát huy lợi thế của nước đi sau là “đi tắt, đón đầu”, song nếu chúng ta không giảm được mức sinh đẻ một cách hợp lý, tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, thì mục tiêu dân giàu nước mạnh là còn rất xa.
Dân số và phát triển có mối quan hệ biện chứng, chúng luôn tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Sự phát triển của mỗi nước phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố dân số của nước đó. Tỷ lệ phát triển dân số phải tương ứng với trình độ phát triển của sản xuất, thì mới có đủ tư liệu sản xuất để kết hợp với người lao động thành lực lượng sản xuất. Sẽ rất nguy hiểm khi dân số và nguồn lao động tăng quá nhanh, vượt quá khả năng thu hút của nền kinh tế, tạo nên sức ép và gánh nặng lớn cho xã hội. Lúc ấy, không những nó không trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, mà ngược lại trở thành lực cản quá trình này.
Nói đến phát triển là nói về việc nâng cao hạnh phúc của nhân dân; nâng cao các tiêu chuẩn sống, cải thiện giáo dục, sức khỏe và sự bình đẳng của các thành phần kinh tế. Mục tiêu của phát triển phải bao gồm cả những mục tiêu xã hội, đó là xóa đói giảm nghèo, thỏa mãn nhu cầu cơ bản của dân cư, công bằng xã hội, đoàn kết trong cộng đồng và nâng cao phẩm giá con người.
Một xã hội được gọi là phát triển phải là sự đi lên, sự tiến bộ của toàn xã hội một cách toàn diện, đó là tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập quốc dân tính trên đầu người tăng liên tục, mức sống của đại đa số dân cư được cải thiện, các giá trị tinh thần và văn hóa được đề cao. Như vậy, phát triển phải có tính cân đối, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Theo các nhà dân số học thì, đối với một quốc gia, để tránh sự thụt lùi, mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu phải gấp 4 lần mức gia tăng dân số. Vì thế, chưa thể nói đến sự phát triển, khi mức tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số vừa đủ độ “cân đối” như công thức nêu trên.
Mấy thập niên gần đây, sự bùng nổ dân số trên thế giới đã trở thành một hiểm họa không chỉ đe dọa đời sống con người, mà cả sự sống của hành tinh này cũng ngày càng trở nên chật hẹp vì cư dân tăng quá nhanh. Đông dân không còn là niềm tự hào mà trở thành mối lo ngại của mọi quốc gia. Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, Malthus, một nhà kinh tế học người Anh đã công bố tác phẩm “Về các nguyên lý dân số và ảnh hưởng của nó đối với sự hoàn thiện xã hội trong tương lai”. Quan điểm của ông thể hiện sự bi quan với viễn cảnh của sự phát triển dân số. Theo ông, lương thực là sự cần thiết cho việc tồn tại của con người và tình yêu nam - nữ là mãi mãi cần thiết cho xã hội loài người. Ông khẳng định, dân số tăng theo cấp số nhân, lương thực và vật dụng cần thiết cho tồn tại của loài người chỉ tăng theo cấp số cộng. Từ đó tất dẫn đến sự mất cân đối giữa dân số với lương thực, và đó là quy luật tự nhiên, vĩnh viễn. Học thuyết của ông lâu nay bị coi là phản động, bởi ông không đưa ra được hướng giải quyết tích cực cho việc hạn chế sinh đẻ mà cho rằng, để giảm sự gia tăng dân số, con người buộc phải chấp nhận nạn đói, chiến tranh, dịch bệnh, hoặc hạn chế quan hệ giới tính. Mặc dù còn những khiếm khuyết trong học thuyết của mình, song Malthus vẫn được ghi nhận công lao, là người đầu tiên đặt ra vấn đề dân số một cách gay gắt và tiên đoán trước những hiểm họa của sự bùng nổ dân số.
Giữa thế kỷ XX, đứng trước hiện tượng bùng nổ dân số, ngay một số nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Italia... đã bắt đầu cảm thấy lo ngại bởi nó có liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển của từng quốc gia cũng như cả nhân loại. Nếu như đầu công nguyên, thế giới chỉ có 330 triệu người, thì phải đến năm 1830 mới đạt con số 1 tỷ; năm 1930 đã là 2 tỷ và năm 1987 đã là 5 tỷ. Để có tỷ người thứ nhất, loài người phải trải qua hàng triệu năm, nhưng tỷ người thứ hai chỉ mất 100 năm và tỷ người thứ 5 chỉ mất 12 năm(1).
Việt Nam là một trong những nước sớm nhận thức được nguy cơ bùng nổ dân số và những hậu quả nặng nề đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nên ngay từ năm 1961, Hội đồng chính phủ đã có quyết định về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Tuy vậy, sau hơn 30 năm thực hiện, tỷ lệ phát triển dân số hàng năm vẫn là 2,2 - 2,3%, cách rất xa mục tiêu phấn đấu 1,7%. Sở dĩ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của ta chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do: các cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự coi đây là một quốc sách lớn; đầu tư của nhà nước cho công tác này chưa thỏa đáng; bộ máy chuyên trách công tác này còn yếu kém, mang tính hình thức; số liệu thống kê không chính xác, do vậy thiếu căn cứ khoa học để xây dựng mục tiêu, kế hoạch; các giải pháp tiến hành không đồng bộ...
Việt Nam không chỉ là nước đông dân, mà còn là nước có tỷ lệ gia tăng dân số cao trên thế giới. Năm 1900 ta mới chỉ có 12,5 triệu người, năm 1975 là 47, 63 triệu và đến 1994 đã là 72,931 triệu, xếp thứ 13 trong hàng các nước đông dân nhất thế giới. Mười năm gần đây, dân số Việt Nam tăng khoảng 14 triệu; 15 năm sau giải phóng tăng 18,6 triệu, trong khoảng thời gian này cả Châu Âu chỉ tăng 20 triệu. Nếu với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ 30 năm nữa, dân số nước ta sẽ tăng gấp đôi, tức là khoảng 150 triệu. Trong khi diện tích đất đai Việt Nam là 331.689 km2, mật độ 220 người/km2, so với mật độ dân số thế giới là 42 người/km2 thì ta gấp hơn 5 lần và vượt xa các nước trong khu vực. Nếu nhìn ra một số nước trong châu Á, ví dụ Hàn Quốc bắt đầu công tác DS-KHHGĐ năm 1962, sau Việt Nam một năm, dân số của họ lúc bấy giờ là 25 triệu (ít hơn Việt Nam 5 triệu), đến nay họ chỉ có 45 triệu, còn Việt Nam khoảng 75 triệu(2).Việt Nam lại là một trong những nước nghèo đất canh tác nhất thế giới, với địa hình hết 3/4 là núi đồi. Năm 1995, diện tích đất canh tác của Việt Nam bình quân 0,086 ha/người, thấp hơn Trung Quốc 3 lần và thấp hơn Tây Âu 20 lần. Vì vậy, với quy mô và tỷ lệ gia tăng dân số như hiện nay là quá tải so với điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội.
Nghèo khổ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó sự gia tăng dân số quá nhanh là một nguyên nhân quan trọng. Từ đó mà, giải quyết việc làm, một vấn đề rất bức xúc, thực sự là gánh nặng đối với nền kinh tế có mức tăng trưởng chưa cao như nước ta hiện nay. Nạn thất nghiệp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội rất nan giải. “Sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hóa và thể lực của giống nòi” và “Nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt”(3).
Hiện nay trẻ em Việt Nam dưới 15 tuổi chiếm 42,5% dân số, trong khi các nước phát triển là 20%. Với nền kinh tế còn nhiều khó khăn như nước ta, việc đầu tư nuôi dạy hơn 40% dân số cho tương lai quả là điều không đơn giản.
Hàng năm có 2 triệu trẻ em nước ta bước vào độ tuổi đi học, số lượng trường lớp hiện nay chỉ thu nhận được 35% số trẻ em vào các lớp mẫu giáo. Muốn phổ cập bậc học phổ thông cơ sở, mỗi năm nhà nước cần xây thêm 36.000 phòng học, đây là một sức ép lớn đối với nền kinh tế nước ta. Cho nên, việc dân số tăng nhanh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng của nền giáo dục.
Nhu cầu học tập trong xã hội ngày càng lớn, nhưng mức sống người dân còn thấp và nhiều vấn đề xã hội khác chưa được đảm bảo, trong khi sự gia tăng dân số quá nhanh, đã ảnh hưởng lớn tới việc nâng cao dân trí. Hiện nay mặt bằng dân trí Việt Nam rất thấp, số năm đi học của mỗi người dân từ 7 tuổi trở lên mới đạt bình quân 4,5 năm. Mặc dù chúng ta đã cố gắng để đạt được 88% dân số biết chữ, nhưng hiện nay lại đang diễn ra quá trình tái mù chữ, nhất là ở các tỉnh miền núi (có xã số người mù chữ hơn 70%) (4).
Từ chỗ mức sống thấp, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu do sự mất cân đối giữa dân số và sản xuất đã ảnh hưởng tới chất lượng nòi giống, chất lượng con người mà biểu hiện rõ nhất là sức khỏe dân cư. Người lao động Việt Nam rất hạn chế về thể lực. Sự phát triển về phương diện sinh lý và thể lực dường như chững lại, “sau hơn 40 năm, thanh niên nước ta không cao thêm 1cm nào và không cân nặng thêm 1kg nào”(5).
Ngày nay, chương trình DS - KHHGĐ đã trở thành một chương trình được sự quan tâm của toàn dân, nhất là các nước đang phát triển, đông dân như Việt Nam. Đó là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến tâm tư, tình cảm của con người, phong tục tập quán của mỗi địa phương. Nó vừa là vấn đề xã hội, vừa là vấn đề kinh tế, vấn đề chính sách, cũng là vấn đề kỹ thuật, quản lý, liên quan đến rất nhiều lãnh vực khoa học khác nhau. Cho nên khi giải quyết vấn đề này, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, mới có thể huy động được trí tuệ và sự nỗ lực của toàn dân.
Không thể nghĩ đơn giản công tác DS - KHHGĐ đơn thuần là các nghiệp vụ kỹ thuật, gọi ngắn gọn là công tác “đặt vòng”. Công tác này, trước hết phải là công tác tư tưởng - văn hóa và thực sự là một cuộc cách mạng về nhận thức, để chuyển những suy nghĩ lạc hậu như “trời sinh voi, trời sinh cỏ” sang chấp nhận một giá trị mới, một chuẩn mực mới của đời sống xã hội là, sinh đẻ ít con nhưng được chăm sóc chu đáo về sức khỏe, học vấn, đạo đức... Công tác này còn chứa đựng trong nó những nội dung phong phú đầy tính nhân văn, ẩn chứa trong đó những cuộc đời và thân phận con người cụ thể, với tất cả vui, buồn, sướng, khổ...
Cuộc vận động DS - KHHGĐ không thể chỉ thực hiện trong các cuộc hội nghị, hội thảo, mà còn phải tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cả nhận thức lẫn tình cảm với những người trong độ tuổi sinh đẻ và trong tất cả mối quan hệ của họ.
Nếu đạt được chỉ tiêu phát triển dân số là 1,7% mỗi năm thì trong 30 năm nữa, dân số Việt Nam chỉ khoảng 125 triệu chứ không phải 150 triệu như dự báo theo tốc độ phát triển hiện nay(6). Giảm sinh được chừng ấy triệu con người sẽ bớt được rất nhiều cho gánh nặng của nền kinh tế; bớt đi rất nhiều cho sự đầu tư giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kiến tạo công ăn việc làm; giảm được đội ngũ thất nghiệp, có điều kiện hơn cho việc tập trung đào tạo một đội ngũ lao động lành nghề. Có như vậy mới hy vọng đưa Việt Nam thoát ra khỏi sự tụt hậu về mọi mặt.
V.H
(TCSH106/12-1997)
-------------------
(1), (2), (6) - Theo số liệu của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình.
(3) - Nghị quyết BCHTW Đảng lần thứ 4, khóa VII.
(4) - Niên giám thống kê 1992.
(5) - Tạp chí triết học số 3 - 1993, trang 26.