Tối ngày 17/6, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố Đô Huế, 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.
Tham dự buổi lễ về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Hoài Trung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí là lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, các đại biểu là lãnh đạo của Ban, Bộ, Ngành trung ương.
Về phía khách quốc tế có Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Đại sứ các nước; các đơn vị, tổ chức và các đối tác quốc tế.
Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi lễ |
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO, đây là Di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Ngày 07/11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận.
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 – Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam UNESCO phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: “Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế; đã có hàng trăm công trình di tích được phục hồi, trùng tu tôn tạo, trong đó có nhiều công trình có giá trị tiêu biểu. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt Di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Chương trình kỷ niệm là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất cố đô Huế. Lãnh đạo tỉnh hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu nổi bật, sự nỗ lực, cố gắng của ngành văn hóa tỉnh nhà, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ |
Bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, công tác bảo tồn di tích Cố đô đã được phát huy với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả to lớn. "Sau 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản Thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điểnhình thành công tại Việt Nam và trong khu vực", Bà Miki Nozawa khẳng định.
Tiết mục nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn tại lễ kỷ niệm |
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Di sản Huế là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. "Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan toả các giá trị biểu trưng của Di sản vùng đất Cố đô Huế. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế", Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tiết mục Múa cung đình Phụng vũ |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu, du khách và đông đảo các tầng lớp nhân dân được theo dõi chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Di sản Cố đô, Trao truyền và Hội tụ” với sự tham gia của 09 Đoàn nghệ thuật, gần 450 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, khán đài rộng lớn với sức chứa khoảng 6.000 người. Chương trình nghệ thuật có 3 chương gồm: Chương I, Di sản - ký ức và trao truyền; Chương II, Hội tụ sắc màu Festival; Chương III, Còn mãi với thời gian.
Ghi nhận về những thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy di sản của đơn vị, dịp này, Chính phủ đã tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế danh hiệu Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua.
Phương Anh