Tạp chí Sông Hương -
Cánh đồng bất tận ra Nhà hát Thành phố và… đi Tây
14:38 | 14/08/2009
Tối nay, 14.8, Cánh đồng bất tận đường hoàng xuất hiện trên sân khấu Nhà hát TP.HCM theo đúng nguyện ước của những người thực hiện, và cứ ngày 18 hàng tháng, khán giả TP.HCM sẽ lại được thưởng thức vở diễn này trên sân khấu nhà hát như một lời hò hẹn đầy ý nghĩa trong không khí chìm lắng của sân khấu hiện nay.
Cánh đồng bất tận ra Nhà hát Thành phố và… đi Tây

Khán giả quả đã không thất vọng khi thưởng thức tác phẩm văn học mà mình yêu mến, với sự trở lại của đạo diễn Minh Nguyệt. Ngay từ khi ra mắt lần đầu tiên tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, cơn sốt vé các suất diễn của Cánh đồng bất tận đã giúp đạo diễn Minh Nguyệt tự tin hơn khi mang vở diễn đến nhà hát Thành phố.

Ngay từ khi thai nghén vở diễn kết hợp cùng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, người chịu trách nhiệm về thiết kế sân khấu, chị đã quyết tâm dựng tác phẩm trên sân khấu nhà hát Thành phố, để mang đến một không gian mở khi kết hợp những thủ pháp sân khấu và ngôn ngữ điện ảnh. Vì nhà hát Thành phố đang sửa, sợ kéo dài thời gian sẽ làm “mất lửa” diễn viên nên vở được diễn ở 5B như giải pháp tạm thời, cũng vì thế mà giới hạn rất nhiều trong sáng tạo nghệ thuật. Nên đạo diễn Minh Nguyệt không giấu được sự vui mừng: “Ra nhà hát Thành phố cũng là trở lại với quy mô ban đầu, hình ảnh sẽ động hơn, màu sắc hơn. Rất vui là vở diễn đã nhận được lời mời đi biểu diễn ở Pháp, ở Mỹ, và Hà Nội”.

Đạo diễn Phạm Hoàng cho biết: “Để ra nhà hát Thành phố, mọi góc nhìn, cự ly, hình ảnh đều phải sửa lại hoàn toàn. Tuy chưa có điều kiện để làm cho “đã”, nhưng tôi hy vọng từ đây sẽ thay đổi cách nghĩ của người làm sân khấu, và cả thái độ của khán giả. Tại sao khán giả có thể sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để mua vé xem những chương trình ca nhạc, trong khi vé bán của Cánh đồng bất tận chỉ có… 150 ngàn đồng/vé?”.

Cánh đồng bất tận còn có sự góp sức của đạo diễn Việt Linh, với tư cách bạn bè và lần đầu tiên làm… bầu sô tự nguyện! Việt Linh nói: “Tôi rất xúc động khi xem Cánh đồng bất tận, Minh Nguyệt đã không làm mất hình hài của truyện Nguyễn Ngọc Tư, và rất cầu thị. Tôi cũng góp ý thêm về cảm xúc, cho các mối nối ngọt ngào hơn. Do sân khấu không quay được cận cảnh, bằng cách tạo những dấu nhấn, dấu lặng qua diễn xuất, âm thanh có thể tạo cảm xúc cho khán giả như được xem cận cảnh.

Cũng từ tình cảm với vở diễn, tôi muốn tìm mọi cách để bà con Việt kiều ở Pháp được thưởng thức. Hội văn hoá Việt – Pháp và trung tâm văn hoá Việt tại Paris đang tiến hành thủ tục để mời đoàn sang diễn tại thủ đô nước Pháp vào khoảng tháng 4.2010. Nhưng do chưa bao giờ làm… bầu sô, nên tôi cũng rất lúng túng trong việc tìm một nhà hát vừa nhỏ, vừa đẹp, lại… vừa rẻ, để Cánh đồng bất tận có thể xuất hiện một cách trọn vẹn nhất”.

                                                                                                        Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng