Tạp chí Sông Hương -
Họa sĩ “đặc dị”
09:21 | 18/08/2009
Có thể nói Nguyễn Thân là một họa sĩ “đặc dị” của giới mỹ thuật TP.HCM. Ông tài hoa, ông thăng trầm, ông đa tình, ông ngang ngạnh và cả cái tật nói cà lăm nhưng lại khoái... kể chuyện tiếu lâm.
Họa sĩ “đặc dị”
Ảnh: H.Đ.N

Tối vẽ tranh, sáng đạp xích lô

Nguyễn Thân có dáng đậm người, tóc dài, râu bạc như cước và đặc biệt là cái giọng nói cà lăm không lẫn vào đâu được.

Mặc dù chỉ là tự học hội họa, nhưng những tác phẩm của Nguyễn Thân đã được giới yêu chuộng mỹ thuật ở miền Nam đón nhận nồng nhiệt. Sau ngày  giải phóng miền Nam, do hoàn  cảnh ông thất nghiệp,  phải dắt díu một vợ ba con về ở đậu dưới chái bếp nhà bố mẹ ruột. Từ một nghệ sĩ, Nguyễn Thân trở thành con người “bá nghệ, bá tri...”: nấu rượu chui để nuôi heo, làm kỹ thuật in chiếu xuất khẩu cho hợp tác xã, thêu may gia công... Tất cả đều từ có vốn đến... trắng tay! Rồi ông trở thành phu xích lô rong ruổi trên các ngả đường thành phố. Mà cũng ít có người vẫy xe của Nguyễn Thân vì “thằng cha đó tóc dài như tướng cướp!”.

Cũng may là Nguyễn Thân vẫn còn giữ được ngọn lửa đam mê vẽ. Dạo đó cả phường không ai biết vẽ nên Nguyễn Thân thường được chính quyền phường mời lên vẽ tranh cổ động, pa-nô...  Mỗi lần như thế, Nguyễn Thân không nhận tiền thù lao mà chỉ xin những hộp sơn thừa (sơn Bạch Tuyết) mang về nhà. Không có tiền mua toan, carton (cũng là loại hàng khan hiếm lúc đó), ông lấy giấy báo dán bồi nhiều lớp thành bìa cứng. Thế là mỗi đêm ông đặt bìa giấy xuống nền nhà bếp, ngồi trên võng múa cọ. Ông vẽ rất nhanh, mỗi đêm khoảng từ 10 giờ đến 3-4 giờ sáng đã hoàn thành một bức. Vẽ xong lại giấu trên gác bếp. Sáng ra, đạp xích lô vù vù nghe lòng lâng lâng, đến nỗi “có khách gọi đi xe chưa chắc đã nghe thấy !”.

Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Năm 1990, có phái đoàn của Plum Blossoms Gallery (thành lập năm 1987 tại Hồng Kông, là gallery chuyên về mỹ thuật Việt Nam đương đại - NV) đi từ Bắc chí Nam thu thập những tác phẩm của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Công Thanh (điêu khắc), Việt Hải, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Hoàng Đăng Nhuận, Đỗ Thị Ninh, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Nguyễn Thân, Bùi Suối Hoa, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Trọng Vũ... để thực hiện cuộc triển lãm mang tên Tâm hồn bộc bạch.

Nguyễn Thân sinh năm Mậu Tý (1948), quê tỉnh Ninh Bình. Ông bảo bố của ông từng đặt cho ông một cái tên khá đẹp nhưng rồi thấy “cậu nhóc” quậy hết xiết nên lấy tên của con vật nhí nhố nhất, cải tên lại cho cậu. Mê vẽ nhưng chỉ tự học do thừa hưởng gien gia truyền từ thời ông cố tổ. Học võ nhưng lại tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn để “ăn nói cho đơn giản và hiểu cho giản đơn” như lời ông nói...

Thấy một đoàn người nước ngoài rần rần kéo vào chái bếp, Nguyễn Thân phát hoảng. Họ hỏi có tranh không, ông bảo có nhưng... chưa vẽ. Họ hẹn một tháng sau sẽ trở lại. Y hẹn, họ trố mắt nhìn ông lôi từ gác bếp xuống toàn những tranh là tranh. Đếm được hơn trăm bức. Họ mua tất. Giá 700 đô la Mỹ/bức. Họ đi rồi, vợ ông ngồi đếm tiền mà thẫn thờ vì số tiền quá lớn. Có tiền, vợ ông xoay qua kinh doanh bất động sản, có của ăn của để. Có lần ông hỏi vợ: “Em ơi, thế bây giờ mình đã đủ tiền mua nhà chưa hả em?”. Vợ ông đáp: “Đủ mua... nửa cái phường này cơ!”.

Những câu chuyện... không giống ai

Ở Sài Gòn, người ta hay bắt gặp “cụ” Thân đang vi vu trên những chiếc xe mô tô phân khối lớn (ông có đến 3 chiếc 150cc, 450cc và 750cc). Ông bảo: “Nó chỉ được cái đáng yêu là... chạy nhanh như bị ma đuổi. Một lần tớ chở Phạm Văn Hạng, ông ta la lên: Tốp! Cho tao xuống, tao chưa muốn chết”.

Nguyễn Thân mới ngoài 60 mà trông già hơn tuổi, nhiều người nhầm. Ông kể: “Tớ về Bắc dự đám cưới một người bà con. Mới bước vào, ông đại diện đã xá “thưa cụ”, rồi một mực mời lên bàn các cụ tiên chỉ. Tớ miễn cưỡng phải ngồi. Rồi có cụ hỏi tên, quê quán. Tớ đáp, cụ ấy lại hỏi: Thế ở làng X có biết thằng Th. không? Tớ muốn lộn nhào, giả vờ kiếm cớ lảng ra rồi chuồn thẳng. Ấy, cái “thằng Th.” mà cụ ấy hỏi chính là... bố vợ của tớ! Lại có hôm tớ đang ngồi chờ vợ khám bệnh ở một bệnh viện, có một ông lão lân la đến làm quen: Thưa cụ, năm nay cụ được bao nhiêu tuổi rồi ạ? Đang sốt ruột vì chờ vợ đã lâu, tớ bốc phét: Cũng tròm trèm chín mươi rồi! Ông lão giả vờ ôm vai tớ (thực chất là nắn gân), là con nhà võ nên tớ biết tỏng và gồng nhẹ. Ông lão xuýt xoa: Cụ có bí quyết nào mà từng ấy tuổi, cơ thể còn săn chắc đến thế? Tớ xạo luôn: Chả có bí quyết gì cả, cứ ăn chơi trụy lạc thả cửa... Đúng lúc đó thì bà vợ tớ đẩy cửa bước ra, tớ vừa dìu, vừa nói nhỏ vào tai ông lão: Bà thứ mười đấy! Ra tới cửa, ngoái lại vẫn thấy ông lão còn trợn mắt nhìn mình. Hẳn lão đang tự nhủ hôm nay gặp phải một “thằng... cụ”!”.

Chuyện lan man về Nguyễn Thân hãy còn nhiều lắm...

Theo Hà Đình Nguyên - TN

Các bài mới
Các bài đã đăng