Buổi tọa đàm về sáng tác của Đặng Thiều Quang do Ban công tác nhà văn trẻ tổ chức, diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn. Vốn là một kiến trúc sư, Đặng Thiều Quang viết văn tự do, nhưng có niềm mê đắm đặc biệt với những con chữ. Sau thời viết cho tuổi học trò, anh trở lại với văn chương bằng những trang văn được đăng tải dần dần lên mạng. Những diễn đàn, những entry ngập chữ trên blog riêng của anh từng bước được in ra thành sách. Đến nay, Thiều Quang là tác giả của những tác phẩm: Tôi và D’Artagnan, Phải lòng, Hoen gỉ, Đảo cát trắng, Chờ tuyết rơi, Bóng giai nhân (tiểu thuyết)... - một số lượng sách không nhỏ với cây bút sinh năm 1974 và không viết một cách chuyên nghiêp. Nhưng với ngần đó, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận xét, ấn tượng của anh về Đặng Thiều Quang là một tác giả "biết đến tên, nhưng không nhớ tác phẩm". Còn cây bút trẻ Đinh Hương, đại diện Công ty Bách Việt - nơi đỡ đầu nhiều sáng tác của anh - cho rằng, "Đặng Thiều Quang là một tác giả kén người đọc". Đặng Thiều Quang kén người đọc, một phần vì văn anh không còn nhí nhảnh để phù hợp với tuổi ô mai nhưng cũng chưa đủ già dặn để làm vừa lòng những độc giả đòi hỏi khắt khe ở độ trải nghiệm của nhà văn. Nhận xét về cuốn Chờ tuyết rơi, cây bút trẻ Nhã Thuyên cho biết, chị chú ý nhiều đến triết lý trong tác phẩm của Đặng Thiều Quang. Nhưng anh còn bộc lộ trạng thái "triết lý hơi dễ dãi, hời hợt". Thêm vào đó, theo Nhã Thuyên, cách sử dụng lối viết đi viết lại về một vài nhân vật, cách kể chuyện xưng tôi từ nhiều điểm nhìn khác nhau ở Thiều Quang, cũng như nhiều nhà văn trẻ khác, chưa tạo được dấu ấn mới cho văn chương, mà chỉ làm rối người đọc. Chia sẻ với Nhã Thuyên về hạn chế của Đặng Thiều Quang khi anh quanh đi quẩn lại kể chuyện về một vài nhân vật, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nói: "Tôi không tin vào sự biện hộ rằng, cách viết đó là sự nối dài, sự khai triển nhiều mặt, nhiều khía cạnh bên trong một nhân vật". Với kinh nghiệm của một người đọc nhiều, Thanh Sơn nhận xét, đó là biểu hiện của tình trạng thiếu chất liệu, nghèo vốn sống. "Trong truyện của Đặng Thiều Quang có sự lặp đi lặp lại của nhiều chi tiết vụn vặn, làm cho độc giả đôi lúc cảm thấy khó chịu". Cụ thể hơn, nhà phê bình Nguyễn Hòa còn nhặt ra một số mẫu câu Thiều Quang sử dụng từ tác phẩm này đến tác phẩm khác, mà theo ông "tạo ra cảm giác nhàm chán". Không vượt ra khỏi hiện trạng chung của văn trẻ Việt Nam hiện nay, tác phẩm của Đặng Thiều Quang còn ít chất tưởng tượng, hư cấu mà mang nhiều màu sắc tự truyện, khai thác quá kỹ cuộc sống của chính mình. Chính vì vậy, nhà văn Lê Anh Hoài gọi con đường sáng tác của Đặng Thiều Quang là một "hành trình bóc vỏ chính mình". Anh cảnh báo: "Trong mỗi nhà văn đều có một khao khát viết ra sự thật, nhưng từ khao khát đến hành động viết là cả một dòng chảy không thiếu ghềnh thác… Có một nguy cơ chờ đợi Đặng Thiều Quang phía trước. Đó là khi bóc vỏ chính mình, mài mình ra theo từng trang viết, nhà văn trong anh sẽ mòn dần, nghèo đi". Phản ứng trước những lời phê bình, Đặng Thiều Quang chân thành chia sẻ: "Tôi biết, tác phẩm của mình có sự đỏm dáng, sự thời thượng một cách cố ý, những tiểu xảo khi viết và cả những ảnh hưởng của một số tác giả lớn". Tuy nhiên, bù lại, Đặng Thiều Quang được đánh giá rất cao với tiểu thuyết Bóng giai nhân. Tác phẩm bị bao trùm bởi nỗi ám ảnh của nhân vật chính về những mối tình, những người đàn bà anh đã gặp trong quá khứ. Phạm Ngọc Tiến nhận xét, Bóng giai nhân khiến anh bất ngờ, khiến anh rũ bỏ cảm giác về một nhà văn "biết đến tên, khó nhớ tác phẩm" mà mình từng có về Đặng Thiều Quang trước đó. Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hòa cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết tạo được sự khác biệt, mà nếu vượt qua được nó, Thiều Quang sẽ bước sang một giai đoạn sáng tác khác. Bóng giai nhân là cuốn sách tiêu biểu của một tác giả vốn viết nhiều về sex. Nhưng Đặng Thiều Quang được khen ngợi là đã viết về tình dục một cách trân trọng. Nguyễn Thanh Sơn nói: "Tôi chưa thấy nhà văn trẻ nào viết về sex một cách yêu thương và trân trọng như Đặng Thiều Quang". Còn Lê Anh Hoài viết: "Tiểu thuyết này dày đặc các tình tiết tán tỉnh và giường chiếu. Những câu chuyện tình ái của Dần, của Tiểu Đăng với những cô gái của thời xa xưa, kinh nghiệm nhớ đời của lần chứng kiến cô gái phương Tây tắm tiên, những cuộc tình với những cô gái của ngày hôm nay… Nhưng tác giả không mô tả chỉ để mà mô tả. Tâm lý nhân vật được thể hiện khá tinh tế. Đây là một cuốn tiểu thuyết tràn đầy sex nhưng đẹp. Anh ứng xử như thể chuyện giường chiếu là bình thường và viết ra một cách nhẹ nhàng". Hiện tại, Đặng Thiều Quang đang viết dở tiểu thuyết Vua xứ mù và hai truyện dài Sin city, Cá thần sông Thiêng. |