Sau rất nhiều nỗ lực sưu tầm, tuyển chọn của những cán bộ thuộc Hội Nhà văn VN, hàng ngàn hiện vật liên quan đến văn học VN đã có mặt tại khu Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội).
Ông Nguyễn Thanh Minh - cán bộ phụ trách của bảo tàng - cho biết: Từ ba năm qua, những người làm công tác sưu tầm của bảo tàng này đã lặn lội trên khắp đất nước, để mang về khoảng 14 ngàn hiện vật liên quan đến văn học VN. Cũng theo ông Minh, hay tin có Bảo tàng Văn học VN, các nhà văn trên cả nước, các hội văn nghệ địa phương đã cung cấp nhiều địa chỉ cần tìm và những hiện vật rất có giá trị.
Đó là bàn viết của Nguyễn Du được tìm thấy tại quê ngoại nhà thơ ở Thái Bình; là bản mộc dùng để in truyện "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu (dĩ nhiên đó chưa hẳn là bản mộc đầu tiên in "Lục Vân Tiên"); là viên gạch có khắc tên nhà văn Trần Đăng, mà đồng đội ông đã làm dấu khi chôn cất ông nơi biên giới phía bắc; là chiếc lu mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã dùng làm "hầm bí mật" và hy sinh luôn trong đó... Những hiện vật này, có cái rất tình cờ phát hiện ra, nhưng có cái phải cất công tìm kiếm khá lâu.
Đặc biệt, bảo tàng đang sở hữu một bộ sách cổ vô cùng quý hiếm, được viết trên lá của dân tộc Thái. Theo ông Minh, loại sách cổ này chỉ còn khoảng 50 cuốn, nhưng bảo tàng đã sở hữu 8 cuốn. Hiện còn rất ít cụ già dân tộc Thái vùng Con Cuông (Nghệ An) đọc được chữ trên bộ sách này.
Theo đánh giá của các nhà sưu tầm thì bộ sách có tuổi thọ chừng 200 năm. Sách viết trên một loại lá đặc biệt, gọi là pơ lang. Người ta đã dùng bằng một loại bút sắt hơ lửa rồi "khắc" chữ lên lá. Sau đó, dùng mật của một loài cá vùng núi cao để ngâm lá có chữ viết này, giúp cho chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm mà chữ vẫn sáng rỡ.
Nội dung của những cuốn sách này kể về những câu chuyện cổ, về truyền thuyết cùng những cuộc di dân của người Thái, có cả những chuyện tình bi thương, trắc trở của lứa đôi. Vì rất ít người có thể dịch được nội dung trong sách, nên sẽ còn nhiều điều bí ẩn cần được khám phá trong các bộ sách cổ này. Cũng nằm trong dạng "sách cổ", một nhà sư ở Sóc Trăng đã tặng cho bảo tàng ba cuốn sách - cũng được viết trên một loại lá gọi là "buông", nội dung phần lớn là kinh Phật, chữ rất sắc nét.
Trong số hàng ngàn hiện vật được sưu tầm thì phần lớn là kỷ vật của các nhà văn thời chống Pháp và chống Mỹ. Có chiếc batoong của Nguyễn Tuân và đôi dép râu của Nguyễn Minh Châu, thời đi thực tế Trường Sơn để viết "Dấu chân người lính"; có chiếc xe đạp của Nguyên Hồng và chiếc áo Tô Châu của Thu Bồn; có cuốn nhật ký ố vàng của Phan Tứ, cùng những lá thư từ tuyến đầu tổ quốc của Nguyễn Văn Bổng, của Giang Nam...
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - cho hay, công việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến văn học VN vẫn đang được tiến hành. Gần một vạn rưỡi hiện vật đã có mặt tại bảo tàng, nhưng vẫn còn nằm trong kho. Sắp tới, số hiện vật này sẽ được sắp xếp lại một cách quy củ, bài bản, có thuyết minh, có "lý lịch trích ngang" của từng hiện vật để người xem dễ hình dung ra từng giai đoạn của văn học nước nhà, cũng như những khuôn mặt của các nhà văn đã có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của văn học VN.