Bản quyền - Điểm yếu của xuất bản Việt
Đầu tiên là vấn đề sách lậu với quy mô phát triển ngày càng lớn, thậm chí ảnh hưởng của sách lậu đã thực sự ghìm chân sự phát triển của thị trường xuất bản. Nhiều kế hoạch, dự án xuất bản đã bị hủy bỏ do sách lậu lộng hành khiến nhà làm sách chân chính mất lòng tin.
Để đối phó với thực trạng đó, một số biện pháp đã được áp dụng mà mới đây là việc Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cùng phối hợp ra Thông tư liên tịch nhằm chống sách lậu. Ngay sau đó, nhiều vụ bắt giữ sách lậu lớn được thực hiện đã mang lại niềm hy vọng mới trong cuộc chiến chống sách lậu tại Việt .
Vừa nhen nhóm hy vọng ngăn chặn sách lậu thì thị trường xuất bản trong nước lại nóng lên một vấn đề khác: Xuất bản vi phạm bản quyền. Đó là những ấn phẩm được nhà xuất bản cấp giấy phép xuất bản nhưng lại vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi chưa được người sở hữu bản quyền của ấn phẩm cho phép. Sách vi phạm bản quyền này nguy hại không thua gì sách lậu khi nó không phải lén lút phát hành mà có thể chính danh, hợp pháp bày bán tại các nhà sách lớn.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu bản quyền, gây mất cân đối trong xuất bản, mà tai hại hơn, nó còn làm đình trệ nhiều giao dịch xuất bản lành mạnh và đe dọa phá hỏng cả thị trường sách Việt Nam.
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) cho biết: “Về nguyên tắc, khi nhận sách để bày bán chúng tôi chỉ có thể yêu cầu đối tác cho xem giấy phép xuất bản, giấy phép hợp lệ thì có thể nhận sách”.
Tuy nhiên, theo Luật Sở hữu trí tuệ thì hành động phát hành hay lưu thông ấn bản vi phạm bản quyền cũng bị xếp chung vào hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Fahasa đã phải nếm trải điều này khi đầu năm 2009, đại diện hãng Disney đã yêu cầu đơn vị phải thu hồi các ấn phẩm không có bản quyền của Disney đang bày bán trong các nhà sách trên toàn quốc nếu không muốn đối mặt với các vụ kiện từ trong nước đến quốc tế. Và đơn vị đã phải thu hồi các bản sách đang bày bán dù các ấn bản đó về danh nghĩa có giấy phép xuất bản hợp pháp.
Trong một cuộc hội thảo về xuất bản được tổ chức tại Cần Thơ, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản đã thừa nhận nạn vi phạm bản quyền là một vấn đề mà ngành xuất bản đang phải đối mặt và nếu không thể chấm dứt được tình trạng này thì ngành xuất bản trong nước không thể có sự phát triển lành mạnh.
NXB giữ vai trò chủ đạo
NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, hai trong số những đơn vị xuất bản bị vi phạm bản quyền nhiều nhất thì hầu như cũng chưa thực hiện một vụ kiện vi phạm bản quyền nào. Bất đắc dĩ lắm cũng chỉ đề nghị cơ quan chức năng “xem xét” và kêu gọi bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Về phần các đơn vị làm sách cũng tương tự, hầu như chỉ dừng ở sự kêu gọi, kiến nghị…
Nhưng điều gì cũng có giới hạn, vụ 6 NXB nước ngoài lên tiếng về tình trạng vi phạm bản quyền vừa qua là giới hạn đó. Theo thông tin được biết, các đơn vị này đang nỗ lực chuẩn bị có các biện pháp pháp lý đối với trường hợp NXB Đồng Nai cùng Nhà sách Quỳnh Mai đã in sách của họ mà không có bản quyền. Thực tế thì cũng không phải chỉ có mỗi NXB Đồng Nai cùng nhà sách Quỳnh Mai vi phạm bản quyền nhưng ở các đơn vị khác, con số chỉ dừng ở vài đầu sách, còn với hai đơn vị trên, số sách vi phạm lên đến gần 300 đầu sách. Với một NXB trong nước, số đầu sách đó tương đương với tổng số sách xuất bản trong cả năm.
Đại diện một NXB cho biết, khi liên kết xuất bản, các đối tác đều hứa là sẽ có giấy xác nhận bản quyền và NXB dựa trên lời hứa này để đăng ký xuất bản. Đến khi chuẩn bị xuất bản đối tác lại hứa tiếp và chấp nhận ký giấy xác nhận chịu mọi trách nhiệm về bản quyền nếu có kiện tụng. Cũng chính vì những hợp đồng kiểu này, nhiều NXB khi bị tố cáo vi phạm bản quyền đã phủi tay, chuyển trách nhiệm qua cho đối tác.
Với vai trò được nhà nước giao cho trong việc lựa chọn, kiểm tra các ấn phẩm trước khi cho xuất bản, nhiều NXB không thực hiện chức trách của mình nên đã từ vị trí người canh cửa trở thành đồng lõa cho việc vi phạm luật.
Thực tế các NXB đều là đơn vị nhà nước trực thuộc cơ quan chủ quản cũng là đơn vị nhà nước cao hơn. Những nơi ấy luôn luôn có sự lãnh đạo chặt chẽ. Họ đều tinh thông nghiệp vụ xuất bản, hiểu rõ luật lệ, thấu hiểu về bản quyền. Vấn đề cốt lõi ở chỗ khi họ xuất bản sách vi phạm bản quyền kiếm lời được 10 đồng chẳng hạn, nếu chẳng may bị phát hiện cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, giáo dục hoặc phạt khoảng 5 đồng rồi xuề xòa cho qua. Tính ra vi phạm vẫn còn lời! Đó là lý do vi phạm ngày càng tăng.
Xây dựng một thị trường xuất bản lành mạnh là con đường phát triển của ngành xuất bản trong nước hiện nay và trên con đường đó, sách lậu, việc thiếu tôn trọng bản quyền đang là những hố sâu ngăn trở. Đã đến lúc cần mạnh tay lấp bỏ những hố sâu đó để cỗ xe xuất bản bắt kịp sự phát triển chung của đất nước.
Theo SGGP Online |