Tạp chí Sông Hương -
Mua kịch bản nước ngoài và những hệ lụy
10:03 | 24/08/2009
Đồng hành với sự nở rộ của các kênh truyền hình, những bộ phim nhiều tập cũng náo nức bấm máy để chinh phục khán giả màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, ở một nền điện ảnh chưa hoàn toàn chuyên nghiệp của chúng ta, cuộc chạy đua số lượng phim đã bộc lộ khá nhiều khiếm khuyết từ phía những nhà sản xuất lẫn đội ngũ nghệ sĩ.
Mua kịch bản nước ngoài và những hệ lụy

Thế nhưng, điều đáng lo ngại nhất là chất lượng kịch bản vốn đã yếu lại càng yếu hơn. Đạo diễn có thể chạy show, diễn viên có thể chạy show, nhưng nhà biên kịch không thể chạy show được. Dường như quá nóng ruột, vài công ty quảng cáo nuôi tham vọng làm phim để đổi quảng cáo trên truyền hình đã chọn giải pháp mua kịch bản nước ngoài.

Cứu cánh ấy mới nghe qua cứ ngỡ ít nhiều đột phá, nhưng nghĩ kỹ lại thì lợi bất cập hại. Bằng chứng rõ nhất là mấy bộ phim mua kịch bản nước ngoài gần đây như "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", "Bà mẹ nhí" hay "Cô nàng bất đắc dĩ" đều chưa thuyết phục được công chúng.

Những lời ca thán túng thiếu kịch bản đã vang lên nhiều năm, vang từ phim trường này sang phim trường khác, nhưng chẳng ai bận tâm để tìm ra nguyên nhân sâu xa của một thực trạng đáng buồn. Quy luật thị trường đã và đang rạch ròi mức độ hay dở cho từng kịch bản. Giới biên kịch nước ta nhìn qua nhìn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đẳng cấp chuyên nghiệp lại còn ít hơn nữa.

Do vậy, kịch bản xa rời đời sống cũng là điều dễ hiểu. Muốn có một kịch bản ra ngô ra khoai, nhà biên kịch phải có sự tiếp cận thực tế cũng như sự trầm tích trải nghiệm, thì mỗi tháng làm sao viết xong một tập. Hơn nữa, một tập phim được trả tròm trèm 5 triệu thì ai đầu tư kỹ lưỡng?

Các nhà biên kịch dẫu trẻ hay già cũng đủ khôn ngoan để đưa vào rất nhiều tình tiết và nhân vật vô thưởng vô phạt nhằm…kéo dài số tập. Kết quả nhãn tiền, kịch bản lờ mờ cho ra những bộ phim lờ mờ.

Chưa cần nói đến kỹ năng, ngay cả khả năng nhận thức đầy đủ một xã hội đang thay đổi chóng mặt cũng phơi bày sự nghiệp dư của các nhà biên kịch rồi. Chỉ cần một câu phân bua "tiền nào của nấy" thì không ai bắt tội các nhà biên kịch được.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, tại sao những nhà sản xuất không đầu tư một cách nghiêm túc cho kịch bản. Nếu tiếp tục để các nhà biên kịch tác nghiệp theo phương pháp "không cần hiện thực xa xôi/ ngồi nhà cũng thấy mưa rơi trên đầu" thì không ai có thể níu kéo được chất lượng tuột dốc hàng ngày của phim truyền hình Việt .

Các nhà sản xuất ham chuộng những đề tài nóng bỏng như chân dài, thương trường, công nghệ số hay truyền thông đa phương tiện, thì đó đều là những đề tài tương đối xa lạ đối với những nhà biên kịch. Một băn khoăn đặt ra, khi những nhà biên kịch chấp bút những đề tài ấy, liệu nhà sản xuất có bỏ ra chút chi phí để nhờ chuyên gia lĩnh vực trên góp ý hay hiệu đính không?

Chúng ta vẫn cứ quen cách nghĩ rằng một nhà biên kịch có thể phân thân viết được rất nhiều thể loại. Đấy là sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Một nền điện ảnh chuyên nghiệp phải được bắt đầu từ công nghệ kịch bản, nghĩa là một kịch bản ra đời phải được đánh giá và phản biện một cách quyết liệt trước khi đến trường quay.

Chúng ta chưa có những nhà chế tác đủ tâm, đủ tài, đủ tầm nên nhiều nhà biên kịch dùng chính văn phong của mình để gắn vào miệng nhân vật một cách khô cứng mà cứ tưởng đích thực ngôn ngữ chuẩn mực. Chỉ riêng lời thoại trong từng kịch bản đã vụng về, chứ chưa kể những chi tiết hay tình huống gay cấn

Một khi kịch bản nước ngoài được mua để làm phim Việt thì không những thêm lần báo động sự khủng hoảng thiếu các nhà biên kịch, mà còn ít nhiều cho thấy những nhà sản xuất phim nước ta đang có tâm lý ăn xổi ở thì. Kịch bản nước ngoài không dễ dàng Việt hóa một chút nào.

Hơn nữa trình độ những nhà làm phim nước ta chưa thể xóa nhòa vách ngăn văn hóa và văn minh để tìm ra nét tương đồng giữa kịch bản nước ngoài với đời sống Việt . Chẳng ai trong chúng ta dám chắc những kịch bản nổi tiếng nước ngoài có thể trở thành một bộ phim hấp dẫn với đội ngũ đạo diễn và diễn viên hiện nay.

Sự thật mất lòng, kịch bản nước ngoài được mua vội vàng và làm vội vàng chỉ nhằm tìm đủ số tập phim lấp đầy giờ phát sóng truyền hình thôi Muốn có một nền phim truyền hình Việt, hãy bắt đầu từ bàn viết của những nhà biên kịch Việt

                                                                                                         Theo VNCA

Các bài mới
Các bài đã đăng