Tạp chí Sông Hương -
"Các nhà quay phim Việt nên được đào tạo bài bản..."
08:24 | 25/08/2009
Đó là lời khuyên của ông Matthew J.Siegel - GĐ hình ảnh (DOP), giảng viên Hiệp hội các Nhà quay phim quốc tế, người từng tham gia vào nhóm quay hai phim bom tấn "Ông bà Smith", "Ma trận 2" của Hollywood tại khoá học bồi dưỡng kỹ năng "Varicam Master Class" (19-21.8) tại TPHCM, dành cho các DOP chủ yếu hiện đang làm cho các hãng phim phía nam.
Ông Matthew J.Siegel (trái ảnh) giới thiệu công nghệ mới với một số tay máy VN.Ảnh:Phước Quang

Khoá học gồm hai phần, lý thuyết và thực hành. Ông Matthew đã tập trung trình bày những kỹ thuật quay phim bằng máy kỹ thuật số sao cho phim có chất lượng hình ảnh cao và "diễn cảm" như quay bằng phim nhựa. Bên lề khoá học, ông Matthew cho biết:

-Tôi đã phải trải qua một sự cạnh tranh khốc liệt mới đạt được vị trí như ngày hôm nay, bởi làng điện ảnh thế giới nói chung, Hollywood nói riêng có quá nhiều người muốn và có khả năng làm phim... Trong khi ở VN thì ngược lại. Theo sự tìm hiểu của tôi: Đội ngũ làm phim VN hiện thiếu những người có tay nghề cao, đặc biệt trong lĩnh vực DOP.
 
Ông đã xem những phim nào của VN?

- "Xích lô", "Mùi đu đủ xanh", "Ba mùa" tại vài LHP quốc tế. Tôi nghĩ, tôi cũng như những khán giả khác, khi xem những phim đó, không phân biệt đó là phim của ĐD người Pháp, hay người Mỹ gốc Việt. Chỉ được giới thiệu chung, gọi chung đó là phim VN.

Ông xem phim với cảm thức đầu tiên là của một khán giả hay là của một DOP?

-Tôi rất thích xem phim, nên đầu tiên xem với trái tim của một khán giả. Trước kia, khi còn ít kinh nghiệm nghề, tôi xem phim là để học hỏi kỹ năng. Khi xem phim với con mắt nhà nghề thì luôn đặt câu hỏi thán phục, tò mò, vì sao họ lại làm được như thế...
 

Như vậy, việc xem một bộ phim (nhìn nhận một tác phẩm nghệ thuật) bằng con mắt nhà nghề cản trở (ảnh hưởng) thế nào tới những cảm xúc thưởng thức bình thường của một khán giả?

- Cũng tuỳ phim! Tôi thấy một số nhà làm phim VN rất có năng khiếu, họ xử lý hình ảnh rất tốt!

Dựa vào đâu ông nhận xét vậy?

-Trong quá trình thực tập tại khoá học, một số nhà làm phim trẻ cho tôi xem những phim ngắn họ thực hiện. Điều đáng mừng, phần lớn những người đó đều trải qua những khoá học dài hoặc ngắn ngày về kỹ thuật làm phim ở nước ngoài.

Bây giờ, trở về quê hương, họ làm những bộ phim tôn vinh vẻ đẹp VN, hoàn toàn không mang tính thương mại. Phim thương mại có mặt tích cực là tạo nguồn thu để từ đó có kinh phí bổ sung cho nền điện ảnh. Nền công nghiệp điện ảnh VN còn rất non trẻ, còn nhiều cơ hội có thể đồng thời cân bằng hai xu hướng làm phim thương mại, nghệ thuật.

Nếu có người hỏi, dùng máy quay gì ông quay được những thước phim đẹp, thú vị như vậy? Sự thành danh của một tay máy, cụ thể là DOP, phụ thuộc bao nhiêu phần trăm chất lượng máy móc, thiết bị?

- Về nguyên tắc, phim nhựa vẫn là đam mê, nghề chính của tôi. Hiện nay, kinh phí sản xuất phim nhựa vẫn đắt. Xu thế chung làm phim HD vừa túi tiền của phần đông người làm phim Châu Á, mà chất lượng về cơ bản cũng không kém phim nhựa.

Tôi nghĩ, một DOP thành công là người có kỹ năng, lại được hỗ trợ bởi kỹ thuật-máy quay hiện đại, nhưng quan trọng là tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, một phông nền văn hoá tốt. Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy DOP VN cần được đào tạo một cách bài bản hơn.

                                                                                                             Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng