Tạp chí Sông Hương -
Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Hà Nội sẽ có … Phố Phái
10:03 | 26/08/2009
Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có một ý tưởng thú vị là lập dự án chỉnh trang, nâng cấp tuyến phố đi bộ có chiều dài ước tính 1.000m, từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (đài phun nước ven Hồ Gươm) đến điểm dừng là Tháp nước Hàng Đậu.
Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Hà Nội sẽ có … Phố Phái
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Đài phun nước Hà Nội, ven Hồ Gươm).

Trong tương lai không xa, việc người dân đi bộ trên tuyến phố này sẽ liên tục vào các buổi chiều tối trong tuần. Điểm ấn tượng nhất trong dự án là những điểm nhấn đặc biệt. Đó là những nếp nhà trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sẽ được tái hiện lại trên tuyến phố đi bộ. Và, Tháp nước Hàng Đậu được đưa vào phục vụ mục đích văn hóa - du lịch.

Ý tưởng thú vị

Có một nhà văn đã nói: "Đến với Hà Nội của tôi, bạn chớ tìm cái vẻ kỳ vĩ, cái làm bạn sửng sốt. Hãy đón nhận lấy cái vẻ, cái chất quen thân của phố phường, của người Hà Nội". Đó chính là khu 36 phố phường, còn gọi là khu phố cổ, hay khu phố cũ là một cư dân đô thị mang dấu ấn thời trung đại, nằm ở ngoài trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khi xưa, khu đô thị tập trung dân cư làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương diễn ra tấp nập, hình thành nên những phố nghề đặc trưng. Những con phố gắn liền với mặt hàng truyền thống tạo nên tên phố. Không khí giao thoa buôn bán đã hình thành nên tính cách riêng biệt của người dân Kẻ Chợ, đi vào nếp sống, nếp nghĩ, đời sống sinh hoạt của cư dân thị thành - kinh đô Thăng Long.

Theo nhận định của kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt : "Khu phố cổ Hà Nội là một di tích kiến trúc đô thị có những đặc trưng cơ bản và đầy đủ nhất của mô hình cư dân đô thị truyền thống người Việt".

Không gian nơi đây có một sự lưu luyến, mời gọi với những ai đã từng một lần biết đến Hà Nội. Ngày 5/4/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng khu phố cổ Hà Nội danh hiệu Di sản lịch sử của quốc gia. Và ngay trong cùng năm, tuyến phố đi bộ được mở ra vào 3 buổi tối trong tuần, từ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân.

Trong dự án đề xuất lần này sẽ chỉnh trang nâng cấp các dãy phố cổ, cùng với nhiều hạng mục khác, đã có sự thay đổi. Tuyến phố đi bộ kéo dài hơn, diễn ra liên tục vào các buổi chiều tối trong tuần. Điểm bắt đầu đi bộ từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nối với phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy và Hàng Đậu. Một điều đặc biệt, Tháp nước Hàng Đậu, im lìm không hoạt động đã hơn 30 năm là điểm dừng chân cuối cùng sẽ được đưa vào mục đích khai thác cho khách thăm quan.

1.000 mét cho tuyến phố đi bộ, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chạy thẳng, không ngoằn ngoèo, uốn khúc, đi qua các dãy phố cổ, những con phố đặc trưng cơ bản nhất của Hà Nội cổ xưa. "Không dễ gì quên đi quá khứ", phải chăng là ý tưởng chủ đạo khi các nhà quy hoạch kiến trúc đưa ra bản đề cương dự án. Một số chi tiết tạo thành điểm nhấn trong dự án đều cho ta quay về thời khắc của lịch sử.

Tên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, xem ra còn xa lạ với nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, bởi chúng ta quen gọi nơi đó là đài phun nước ven Hồ Gươm. Đài phun nước nằm ở giữa một khoảng không gian rộng, chính là quảng trường, với nhiều phân luồng đường, đầu nối giữa các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ.

Thời Pháp thuộc, quảng trường này có tên gọi là Place Négrier (Négrier là tên của một vị tướng người Pháp). Nhưng những người dân An Nam yêu nước nhất quyết không chịu lấy tên Tây đó để gọi mà lại gọi nơi đây là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngay từ thế kỷ XIX, một phong trào yêu nước mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đông Kinh là tên kinh thành Thăng Long thời Lê Sơ, còn hai từ "Nghĩa Thục" chỉ sự khí khái của những người được học làm việc nghĩa, sẵn sàng xả thân cho đất nước. Trước đây, trong giai đoạn nước nhà bị thực dân Pháp đô hộ, những sĩ phu yêu nước đã tập hợp cùng nhau mở trường học, năm 1907, mở đầu cách tân văn hóa miền Bắc.

Cùng năm thực dân Pháp thấy sự ảnh hưởng của việc học và dạy nên đã đóng cửa trường, rồi chúng bắt một số các sĩ phu yêu nước đày ra Côn Đảo. Sách sử còn chép: "Quảng trường này xưa kia là bãi đất rộng, các nhà cầm quyền dùng làm nơi hành quyết các sĩ phu yêu nước". Sau này, nơi đây được dùng làm trạm tàu điện, cho đến năm 1992 thì bị dẹp bỏ hoàn toàn.

Người dân của thủ đô, đa phần không ai xa lại với hình ảnh Tháp nước Hàng Đậu. Có vị trí khá đặc biệt, là điểm chính giữa của bảy trục giao thông các tuyến phố Hàng Đậu, Hàng Than, Quan Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Hàng Giấy. Tháp nước Hàng Đậu là một công trình của người Pháp xây từ năm 1894, có dung tích chứa 3.000 khối nước, được phục vụ cho sinh hoạt.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tháp nước Hàng Đậu không còn hoạt động. Tháp nước được xây kiên cố có hình dáng như một lô cốt hình tròn, với nhiều cửa tò vò nom như lỗ châu mai. Mái tháp nước có hình nón. Cho đến nay, kiến trúc độc đáo này thực sự độc nhất vô nhị có tại Việt . Xét về mặt tổng thể, Tháp nước Hàng Đậu nối liền vườn hoa Hàng Đậu với những dải ghế đá và hàng cây xanh...

Các nhà quy hoạch kiến trúc đô thị đã nghiên cứu đây chính là không gian hợp lý nhất, phù hợp với cảnh quan và môi trường để làm điểm dừng chân cuối cùng trên tuyến phố đi bộ kéo dài cả cây số.

Tuy nhiên, KTS Ngô Doãn Đức Viện trưởng - Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một trong những người xây dựng đề cương dự án cho biết: Khi bắt tay chỉnh trang và nâng cấp khu phố cổ, phải tính toán kỹ lưỡng, khoảng mấy trăm mét sẽ có khoảng dừng chân hợp lý, chỗ nghỉ cho người già, trẻ nhỏ đi bộ.

Thực chất, trong khu phố cổ để xây được một vài dải ghế băng, lấy chỗ chiếu nghỉ cho khách bộ hành là điều không tưởng. Vì vậy, phải linh hoạt trong khâu tổ chức, lồng kết thật tốt, mọi nhu cầu sinh hoạt của đời sống. Như nên chăng xây những quán cà phê hay nơi mua hàng với không gian thoáng đãng làm điểm dừng chân, như phương án của KTS Ngô Doãn Đức.

                                                                                                             Theo ANTG

Các bài mới
Các bài đã đăng