1. Phần lớn các tác phẩm sắp đặt kỳ này được lấy từ chất liệu gốm, cũng có những tác phẩm pha trộn giữa gốm, điêu khắc, tranh vẽ và chất liệu thực địa. Nếu chỉ xét riêng lẻ, thì những tác phẩm gốm chưa thực sự tiêu biểu về phong cách nghệ thuật, mà là cách “đi chính giữa” của nghệ thuật và mỹ nghệ. Tuy nhiên, với ý tưởng là tạo ra những tác phẩm “mang đậm dấu ấn về thiên nhiên qua sự tác động của con người”, những nghệ sĩ đã kể được câu chuyện khác.
Với những cụm tác phẩm về các loài cá, loài dugong (bò biển), san hô, sao biển, vít... bằng gốm, các nghệ sĩ muốn nói với người xem là chúng sắp tuyệt chủng; nên phải “tạc tượng” để lưu dấu vết. Trên hết, là câu hỏi rằng người ta đã làm gì biển, để khi đứng ở bờ biển gốm, hay điêu khắc...
Sự thô mộc, nhỏ bé và thô vụng của gốm trước bãi biển rộng lớn, cùng những tác phẩm sát sườn về chủ đề, đã khiến người xem (đa phần là khách du lịch) vượt qua cái cảm giác “xem cho vui”, và buộc phải “xem để suy nghĩ”.
2. Một khía cạnh khác, đặc biệt qua các tác phẩm có tên Ngư dân của Lê Kiệt (xem ảnh), là nỗi buồn như miên viễn của người làm nghề chài lưới, đánh bắt. Tiếp nối tinh thần của các triển lãm cá nhân Người ở biển, Biển và người trước đây, Lê Kiệt đã có những cảm nhận về nỗi lênh đênh, sự chen lấn, xô đẩy trong cuộc sống mưu sinh của ngư dân. “Không gian biển đang bị tác động, nhiều sinh vật biển đã, đang tuyệt chủng, người ngư dân u sầu và bất an là có cái lý của họ. Nhưng càng đáng suy nghĩ hơn, nếu một lúc nào đó ngư dân cũng “tuyệt chủng” thì tính sao nhỉ?” - Lê Kiệt nói.
Cũng từ câu chuyện các ngư dân địa phương đang bất an trong cuộc mưu sinh; bị nhiều khu resort cản đường ra biển và cập bờ, triển lãm Nghệ thuật sắp đặt bờ biển - trong tiếng nói bé nhỏ của mình, như muốn chia sẻ một phần sự bất an ấy.
Theo TTVH |