Tạp chí Sông Hương -
Đứng bằng đôi chân của chính mình
14:10 | 26/08/2009
Được gần các vĩ nhân đương nhiên là một điều vinh hạnh. Bởi vì ta có thể học được những phẩm chất tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, các vĩ nhân thật thì thường giấu mình đi. Ánh sáng thì tỏa xa chứ không sáng chân đèn nên mới có câu "gần chùa gọi bụt bằng anh". 
Đứng bằng đôi chân của chính mình
Nhà thơ Tố Hữu (thứ 3 từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ.

Dẫu trọng dẫu khinh thì đèn vẫn sáng, chứ đèn tù mù thì tung hô mấy cũng không sáng được. Ở đây, tôi chỉ bàn đến việc đứng gần những ngọn đèn sáng mà thôi. Xung quanh việc này cũng có nhiều cách ứng xử. Từ những cách ứng xử ấy, sẽ biết anh là người như thế nào.

1. Đứng gần vĩ nhân

Khi được gần các vĩ nhân, những người có nhân cách thường không lợi dụng các vĩ nhân để làm lợi cho mình. Bởi họ hiểu mỗi người có một sự nghiệp riêng, một vị trí riêng trong cuộc đời. Vị trí trong lịch sử không quyết định ở ngôi cao thấp, mà được xác định bởi anh có "tỏa hương" thơm thực hay không? Không thể lợi dụng ai để thay đổi vị trí của mình được, nên họ thường lặng lẽ, chỉ coi đó là một kỷ niệm đẹp.

Một số khác thì nhân đấy khuếch trương cho mình, tạo thanh thế và lợi dụng nó để kiếm chác. Nhớ thời kỳ đầu Đổi mới, các "đại gia" thường tìm cách tiếp cận các vĩ nhân rồi thuê người chụp ảnh treo ở phòng làm việc để mượn oai hùm. Tất nhiên, đấy chỉ là cách thô thiển dọa người yếu bóng vía.

Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật cũng có những hiện tượng này. Khi viết về các nhà văn, nhà thơ lớn, một số người với thái độ trân trọng tôn kính kể lại kỷ niệm một cách khách quan, chiếu ánh sáng làm nổi rõ các vĩ nhân, còn mình thì lặng lẽ khuất đi. Nhưng chính sự ẩn giấu mình này mà nhân cách người viết lại tỏa sáng. Một số khác thì khoe khoang như mình là bạn thân thiết, được vĩ nhân khen này khen nọ, tưởng nhờ vĩ nhân đề cao mình (mà phần nhiều là bịa ra) để mong được người đời tôn kính. Nhưng thường gặt hái được kết quả ngược lại, bởi công chúng đông đảo đâu dễ bị đánh lừa. Tôi được đọc nhiều bài thơ tưởng nhớ, trò chuyện cùng các vĩ nhân. Một số là tình thực đáng quý. Nhưng đa số cố đánh đu với tên tuổi người xưa như cách trồng cây lưu niệm hoặc gắn biển vào danh thắng "tôi đã đến đây ngày… tháng… năm"... Rất buồn cười.

Các nhà thơ lớn Xuân Diệu, Chế Lan Viên thường viết về các cây bút trẻ. Vậy các ông dựa vào đâu? Họ dựa vào chính phẩm chất và tài năng của mình. Khen những người kém hơn mình, phải là người có bản lĩnh. Còn thi sĩ Tố Hữu, người được sống gần Bác nhiều năm và được Bác rất yêu quý, nhưng ông cũng thành thực kể rằng thơ của mình không mấy khi được Bác khen hay, Người chỉ động viên khi bài thơ có tác dụng tốt cho cách mạng.

Một số người thì khi được gần các vĩ nhân cũng tưởng mình là vĩ nhân. Tôi vừa được xem truyền hình cuộc trao đổi giữa một nhà thơ nổi tiếng với một giảng viên không tên tuổi về một nhà thơ lớn. Nhà thơ nổi tiếng thì trình bày chân thực các giá trị thơ ca của nhà thơ lớn kia. Trong khi đó vị giảng viên không tên tuổi lại cứ cướp lời lấn át và cố tình chê bai nhà thơ lớn nọ, làm như thể ý kiến của mình mới là phát hiện cao siêu. Hạ thấp các vĩ nhân, tưởng mình ngang hàng với họ cũng là cách bộc lộ của những người văn hóa thấp.

Vẫn biết lịch sử cũng không phải hoàn toàn công bằng. Dẫu thời gian lùi xa thì vẫn có một số sự kiện và con người bị ẩn khuất, một số được trưng diện quá đáng, và một số bị nhầm lẫn. Nhưng đa số là được thời gian làm sáng tỏ, đánh giá công bằng. Vì vậy, sự trung thực là vô cùng cần thiết. Hãy là chính mình, đừng mượn áo của ai, đừng dựa vào ai cả. Mỗi con người có một giá trị riêng không thể thay thế. Dựa vào các vĩ nhân cũng không thể sáng hơn, không thể thơm hơn.

Tuy nhiên, xung quanh các vĩ nhân bao giờ cũng có nhiều người. Viết về họ cũng là chuyện thường tình. Bởi các vĩ nhân thường tập trung nhiều phẩm chất tốt đẹp dồn nén lại, viết về họ sẽ rút ra được nhiều bài học cho mọi người. Nhưng viết như thế nào mới là điều cần quan tâm. Đến như Xuân Diệu, người ngầm ví mình như đỉnh Hymalaya "Ta là một, là riêng, là thứ nhất", khi viết về ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, không ai bảo rằng ông ngầm so sánh với tiền nhân để đề cao mình. Thậm chí, khi nói về Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu còn viết: "Khúc vui xin lại so dây cùng Người", thì ta cũng chỉ thấy đấy là tiếng của dân tộc, tiếng của thời đại đang nói với đại thi hào, chứ không ai nghĩ Tố Hữu có ẩn ý riêng.

Tâm sáng thì mọi thứ sẽ sáng. Đứng gần vĩ nhân hay đứng gần thường dân cũng vậy thôi. Hãy chân thực thì khuôn mặt mình sẽ sáng rõ, dẫu dưới ánh sáng mặt trời hay dưới ánh sáng mặt trăng.

2. Viết văn để làm gì?

Mục đích của việc viết văn đã có quá nhiều người nói. Từ xưa, ở phương Đông vẫn truyền rằng "Văn dĩ tải đạo", tức là viết văn để truyền chí hướng, tải những điều tốt đẹp. Đến mỗi thời, những danh tài lại cụ thể mục đích việc viết văn khác nhau. Cụ Nguyễn Đình Chiểu thì nói: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Nhà thơ Sóng Hồng cũng cùng quan niệm ấy "Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền". Tức là viết văn làm vũ khí chiến đấu. Thi sĩ Chế Lan Viên đã có phần khác hơn: "Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa mát mắt cho đời…" thì ông đã chạm tới cái đẹp theo một góc độ khác.

Thời hiện đại, mục đích của việc viết văn được nói đến một cách đa dạng hơn. Bên cạnh việc nhiều người vẫn bền chí với mục tiêu chân - thiện - mỹ, thì đã có những ý kiến khác lạ. Có người nói viết văn để giải tỏa. Người thì nói viết để kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền thì được là bao khi mà thơ văn còn rẻ hơn cả thời mà Tản Đà phải cay đắng thốt lên: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Người thừa tiền thì nói viết văn, làm nghệ thuật để chơi. Nhưng chơi cũng có người chơi thật, người chơi đùa, có người chơi đẹp, người chơi không đẹp. "Nghề chơi cũng lắm công phu" mà

Nhưng đấy là xét trên phương diện tuyên ngôn. Chưa kể có người tuyên ngôn một đằng làm một nẻo. Viết văn để giải tỏa ư? Tất nhiên rồi. Những người có tâm sự thật sự muốn chia sẻ với người khác không viết ra không chịu nổi. Nhưng những ẩn ức này cũng đa dạng lắm. Có những ẩn ức về tư tưởng chính trị, có những ẩn ức về xã hội, có những ẩn ức về tình cảm, ẩn ức về thiên nhiên. Lại có cả những ẩn ức về tình yêu, tình dục…

Và người viết văn thời nay, nhiều người không ngần ngại trút hết ẩn ức lên trang giấy. Không như thời xưa, các cụ phải uốn lưỡi ba lần rồi mới nói. Thôi thì đủ kiểu, văn chương không chỉ là cái đẹp nữa. Văn chương đã hết sức đời thường, thậm chí quá mức đời thường đến tầm thường, không còn sạch sẽ nữa.

Có người nói, văn chương viết về tình dục nước ta đã lạc hậu hàng trăm năm so với thế giới. Rồi nhiều người viết tranh luận lại: Không, ông cha ta cũng ghê gớm lắm, và cố tình chứng minh đến lệch cả đi hòng giành giật phần thắng.

Sao lại cứ thế giới có gì thì việt phải có ấy? Văn chương nghệ thuật Việt có cần kinh dị không, có cần tình dục trần trụi không? Phải có câu trả lời nghiêm túc của cả những nhà quản lý và những nhà văn tài danh. Vâng, đã là con người thì có nhiều thứ giống nhau. Nhưng cũng sẽ có chút khác nhau đấy Có thể một chút khác nhau này mới là quan trọng nhất để phân biệt người này với người khác, dân tộc này với dân tộc khác. Đó là cái riêng mà loài người phải phấn đấu từ bao đời.

Tình yêu của người Việt , người Á Đông thơ mộng chứ không trần trụi. Những giấc mơ của ông cha ta gửi gắm qua truyện thần thoại, cổ tích êm đẹp chứ không rùng rợn. Nhân cách của trẻ nhỏ sẽ được quyết định bởi việc giáo dục. Cả thế giới đều thừa nhận điều này nên người ta mới thi nhau đầu tư cho giáo dục. Mà không nước nào giáo dục là chỉ dạy dỗ về kiến thức. Cách đây hai phần ba thế kỷ, khi còn ở trong bóng tối nhà giam, Bác Hồ đã thấy rõ: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên".

Văn chương nghệ thuật bạo lực, kinh dị, rùng rợn, tình dục trần trụi nhớp nhúa… sẽ là giáo dục hay là phản giáo dục, hỡi các nhà văn? Có phải nghệ thuật bị đánh lộn, văn chương nghệ thuật ấy phụng sự cái đẹp hay phụng sự cái xấu đây? Từ mấy thế kỷ trước danh sĩ Nguyễn Siêu đã viết: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ". Bây giờ mà sống lại, hẳn ngài sẽ nói thêm "có loại đáng dẹp bỏ" nữa. Thế mới là tự do văn chương, hiểu theo nghĩa tự do theo quy luật của tất yếu.

Mục đích của việc viết văn tưởng là đơn giản và sáng rõ, sao ở một số người cầm bút lại quá mù mờ? Ở những nước có nền khoa học và công nghệ vượt trội không có nghĩa là cũng có một nền văn chương tiên tiến hiện đại. Thậm chí có thể ngược lại.

Bốn bài thơ của Hữu Thỉnh "Thư mùa đông", "Thư viết ở biển" và Lò Ngân Sủn "Người đẹp", "Đứng trước em" được chuyển ngữ ra nước ngoài năm 2001 đã được rất nhiều người hâm mộ, có phải là một lời nhắc nhở. Đó là những bài thơ mang đặc tính dân tộc sâu sắc cả ở nội dung và hình thức, giản dị và trong sáng; nhờ thế mà nó trở thành hiện đại, được Festival thơ quốc tế hiện đại hoan nghênh. Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên đã viết từ mấy chục năm trước: "Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng".

Viết văn để làm gì cần phải được khẳng định trước khi cầm bút, nếu không những điều viết ra sẽ chẳng có giá trị và ý nghĩa gì.

                                                                                                       Theo VNCA

Các bài mới
Các bài đã đăng