Tạp chí Sông Hương -
Sổ tay: Nhạc mà không phải nhạc
08:48 | 27/08/2009
Qua rồi thời kỳ đi đâu cũng nghe những ca khúc trữ tình, những ca từ sâu sắc, lắng đọng, những giai điệu mượt mà của các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trần Tiến, Thanh Tùng, Dương Thụ… Bây giờ, nhạc teen, dường như đang áp đảo thị trường âm nhạc Việt ?
Sổ tay: Nhạc mà không phải nhạc
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Phim Ảnh.net

Nhạc teen như một thứ lẩu thập cẩm, khi nghe ta không biết họ đang đọc, đang nói, đang hát hay đang kể lể, thỉnh thoảng lại hú, hét loạn xạ… Âm thanh thì chát chúa, ồn ào. Giới trẻ chuộng loại nhạc này vì ca từ không có sự chắt lọc, giống như những gì họ thường nói lung tung với nhau ngoài đời.

Mức độ lan tràn loại nhạc này trong cộng đồng thật đáng ngại. Một số chương trình truyền hình, các chiến dịch quảng cáo sản phẩm và những dịch vụ cho tải nhạc… khiến cho thứ gọi là âm nhạc ấy cứ thế phát triển. Những người yêu âm nhạc đích thực, các bậc phụ huynh quan tâm đến đời sống tinh thần của con em mình, không khỏi lo ngại khi chúng suốt ngày gật gù, lải nhải những câu vô bổ. Thời gian này, phải chăng các nhạc sĩ tên tuổi đã lùi vào bóng tối, để cho một lớp sáng tác trẻ tự do tung hoành đã khiến nhiều nhạc sĩ đích thực thốt lên: “Đó không phải là âm nhạc”.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh không giấu được sự thất vọng: “Ở nước ngoài, âm nhạc dành cho tuổi teen không xoàng một tí nào. Hãy thử nghe các bài hát trong tập phim Highschool Musical sẽ thấy rõ – rất chuyên nghiệp, hiện đại. Nhưng không hiểu sao, âm nhạc được gọi là nhạc cho teen ở Việt lại nghiệp dư kinh khủng. Chưa nói đến ca từ lôm côm, phần được xem là quan trọng nhất là âm nhạc cũng rất tệ; hòa âm cẩu thả, giai điệu ngô nghê, âm thanh chát chúa”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường dứt khoát: “Đó không gọi là nhạc, không phải nghệ thuật và không đáng quan tâm”.

Nhưng khổ nỗi, thứ nhạc đó lại tràn ngập ngoài thị trường, trên một số phương tiện truyền thông.

Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng, hệ thống giáo dục của ta không dạy con em chúng ta học nhạc ngay trong thời gian học văn hóa, do đó các em không biết phân biệt, chọn lọc âm nhạc. Cũng theo nhạc sĩ, điều khiển âm nhạc bây giờ là các đơn vị kinh doanh. Các chiến dịch quảng cáo sản phẩm, các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, do các đơn vị kinh doanh bỏ tiền, họ yêu cầu phải có những loại nhạc này! Các ông bầu muốn bán được vé cũng phải dùng loại nhạc này mới kiếm được tiền.

Nhạc sĩ Phú Quang ngao ngán: “Ca sĩ trẻ bây giờ chẳng cần biết hát vẫn nổi tiếng. Chỉ cần mặt mũi xinh xắn, dễ nhìn, quần áo hợp thời trang; chọn lấy một cái tên là lạ, nửa Tây, nửa Tàu và xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc của đài truyền hình, thế là nổi tiếng. Tôi xem ca nhạc trên truyền hình, nghe đến bài thứ 3 là muốn phát sốt, mất luôn cảm xúc”.

Thật ra, lớp nhạc sĩ kỳ cựu, nổi tiếng vẫn sáng tác đều đặn. Chỉ có điều, họ không công bố. Nếu ca sĩ nào cần, tìm đến hỏi, họ vẫn đưa. Nhưng điều ấy bây giờ cũng thật hiếm hoi, bởi bản thân các chương trình ca nhạc, các ông bầu và ngay chính ca sĩ cũng chạy theo “mốt” để dễ kinh doanh, thu lời.

Khi được hỏi, tại sao cả một thế hệ nhạc sĩ gạo cội, nổi tiếng và tài năng lại “thúc thủ” để cho thứ nhạc ấy tràn ngập, đều nhận được câu trả lời giống nhau: “Không việc gì phải chen chúc trong mớ hỗn độn ấy, vì chúng không phải là âm nhạc. Âm nhạc đích thực vẫn có công chúng riêng”.

Nhạc sĩ Phú Quang điềm tĩnh: “Tôi không phản đối vì tuổi nào có nhu cầu của tuổi đó, nhưng truyền hình đừng đẩy nó lên, đừng coi nó là tất cả”.

Nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng “thời nào có nhạc của thời đó”, nhưng vẫn rất cần thiết phải có sự can thiệp và trách nhiệm từ phía các nhà quản lý. Có như thế, mới mong hạn chế sự tràn lan không đáng có thứ nhạc mà không phải nhạc ấy.

Tuy vậy, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lạc quan: “Nhạc teen chỉ là những con sóng lăn tăn trên mặt nước, bị xô đẩy và khai thác bởi hệ thống truyền thông và các nhãn hàng; chúng nối nhau và tan biến. Nhưng thực chất của nền âm nhạc lại là nước ở phía dưới, mà cả khối nước ngầm bên dưới ấy vẫn đang chảy”.

                                                                                             Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng