Tạp chí Sông Hương -
Douglas Jardine và cái nhìn khác về cầu Long Biên
08:59 | 27/08/2009
Douglas Jardine, người Mỹ, là giảng viên môn lịch sử nghệ thuật của đại học Hà Nội. Anh đã có một công trình nghiên cứu về lịch sử cầu Long Biên và hôm 22.8, triển lãm ảnh mang tên “Bốn mùa Long Biên” của anh đã được khai mạc tại ngôi nhà nghệ thuật, 31A Văn Miếu, Hà Nội.
Douglas Jardine và cái nhìn khác về cầu Long Biên
Douglas Jardine và chiếc máy ảnh hai ống kính cổ điển Rolleiflex

Ngắm những bức ảnh của anh, tôi không có cảm giác đây là cây cầu Long Biên của những năm 2000 mà của quá khứ...

Có thể nói là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là những bức ảnh của tôi đều chụp bằng phim đen trắng, đặc biệt là loại phim 35mm với chiếc máy hai ống kính cổ điển Rolleiflex R82C. Bạn biết đấy, bản thân những bức ảnh đen trắng đã khiến người ta có cái cảm giác hoài cổ, loại được chụp hoàn toàn bằng một chiếc máy ảnh cơ sản xuất từ những năm 1950 thì cảm giác đó càng rõ nét hơn.

Tuy nhiên về mặt chủ quan, tôi cũng muốn chụp cây cầu Long Biên bằng cách đó. Bởi ngoài chụp ảnh, tôi còn nghiên cứu cây cầu trên phương diện lịch sử. Vì thế tôi luôn có một cái nhìn lịch sử trong những bức ảnh của mình.

Tại sao anh chọn phim đen trắng và một chiếc máy ảnh cổ điển? Tôi nghĩ rằng chụp bằng máy ảnh số cũng có thể truyền tải được nhiều thông điệp lịch sử lắm chứ?

Có thể nói tôi mang trong mình tư duy phim đen trắng. Từ năm chín tuổi, khi còn sống tại Mỹ, tôi đã được làm quen với những cuộn phim đen trắng. Tôi cũng có dùng thử máy ảnh số nhưng thực sự là ảnh chụp không tạo cho tôi nhiều cảm xúc như chụp phim đen trắng. Cảm hứng và sự tự chủ là những gì tôi có được với cách chụp của mình.

Long Biên mùa thu- Arnh nhân vật cung cấp


Điều gì khiến anh bị thu hút bởi cây cầu Long Biên đến như vậy?

Cây cầu này thu hút tôi ở khía cạnh thẩm mỹ, theo nhiều cách, đó là một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi rất nhiều bàn tay, khối óc, tạo nên bởi lịch sử mà nó khoác lên mình. Tôi cũng bị không gian sống xung quanh cầu lôi cuốn. Đó là điểm gặp gỡ của sự thay đổi về ý thức xã hội, từ thời kỳ thuộc địa đến nay, và hiện tại là nơi nương tựa, ẩn náu của những mảnh đời bất hạnh, những người vô gia cư và nghèo khổ bị cuộc sống kinh tế bỏ lại phía sau.

Nhưng điều khiến tôi đặc biệt thích thú ở cây cầu này là tính ẩn dụ hàm chứa trong nó, một gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa sự nghèo khổ và thịnh vượng; giữa niềm vui chiến thắng và nỗi đau.

Góc khuất của cây cầu- Ảnh nhân vật cung cấp


Có vẻ như cầu Long Biên là điều quan tâm duy nhất trong mọi công việc của anh?

Không hẳn vậy. Nếu muốn hiểu cầu Long Biên, bắt buộc tôi phải hiểu người dân và lịch sử Hà Nội. Nếu muốn hiểu Hà Nội, tôi không thể đứng ngoài lịch sử và xã hội Việt , hay ít nhất là miền Bắc. Tôi cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi lên Tây Bắc và có được nhiều bộ ảnh đối với tôi là quý giá về cuộc sống và con người ở đây. Đặc thù khi sử dụng loại máy ảnh của tôi là anh không thể chụp chân dung một người mà đứng từ xa được. Tôi phải đứng rất gần và vì thế tôi phải mất nhiều công mới có được một bức ảnh. Phải làm quen, nói chuyện, đi cùng, thậm chí là sống cùng họ.

Xin cảm ơn anh.

                                                                                                          Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng