Trong buổi trò chuyện với một số nhà làm phim trẻ tại Hà Nội hôm 26/8, ông Roger đã chia sẻ thông tin về nhiều cấp LHP trên thế giới, từ hạng A của châu Âu (Cannes, Venice, Torino), tới các LHP của Mỹ (New York, Tribeca, Sundance, Seattle, San Francisco), châu Á (Pusan, Hong Kong, Tokyo) cùng thị trường mới ở Trung Đông (Dubai, Abu Dhabi)… Ông “bắt mạch” căn bệnh đang tồn tại khá phổ biến ở các quốc gia có nền điện ảnh đang phát triển - đó là các nhà làm phim đặt mục tiêu sáng tác để dự LHP. Theo ông, đó là một sai lầm.
Ông Roger Garcia nói: “LHP chỉ nên là phương tiện, chứ không phải đích đến của nhà làm phim. Các bạn hãy sản xuất cho mình, cho bạn bè, cộng đồng khán giả của mình, đừng cố đoán gu chọn phim của các nhà tổ chức LHP. Đừng ngồi ở VN và đoán ý thích của một người ở tận nước Pháp. Các bộ phim hướng tới đông đảo khán giả thường có giá trị và có tiềm năng thương mại”.
Hiện nay trên thế giới có rất ít lễ hội điện ảnh thuần túy nghệ thuật. Các nhà tổ chức đều phải thương mại hóa để tồn tại, và ý nghĩa thực sự của các LHP là đưa phim đến với khán giả, trở thành những hội chợ phim lớn, nơi gặp gỡ, chào bán và mua phim. Cựu giám đốc LHP Hong Kong cho rằng, các đạo diễn nên coi nơi đây là cơ hội để bán sản phẩm cho càng nhiều nhà phân phối càng tốt, thay vì tới chỉ để được trình chiếu một lần và bị lãng quên. Ông khẳng định: “Những người chọn phim cho các LHP uy tín dễ dàng nhận ra ai là nhà làm phim thực sự nghiêm túc, và họ chỉ quan tâm tới các đối tượng này. Người nghiêm túc luôn khám phá và thể hiện cảm xúc, nhân sinh quan của mình trong phim, đề cập tới những vấn đề xã hội quanh họ. Khán giả sẽ không thích nếu xem một bộ phim VN mang đậm chất hành động
Hollywood
. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy làm phim về cộng đồng của mình”.
Ông Roger Garcia tới Việt nhằm tìm hiểu về nền điện ảnh của quốc gia Đông Nam Á đầy tiềm năng này. Không nói những lời hoa mỹ để bốc người nghe lên mây, ông chia sẻ: “Người nước ngoài tìm thấy ở VN nhiều điều lý thú. Các bạn đã có một nền điện ảnh, và đang có một thế hệ khán giả và nhà làm phim mới, trong đó có nhiều nhà làm phim độc lập. Theo kinh nghiệm của tôi, các trào lưu điện ảnh mới của những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á thường nảy sinh bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước”.
Roger cho biết ông đã xem một số tác phẩm điện ảnh của Việt Nam sản xuất hồi thập niên 1960 ("mang nặng tính tài liệu"), đồng thời không bỏ qua những phim sản xuất gần đây của cả đạo diễn trong nước và Việt kiều như Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh), Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn), Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh), Trái tim bé bỏng (Nguyễn Thanh Vân), Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải), 2 trong 1 (Đào Duy Phúc), Gái nhảy (Lê Hoàng), Sài Gòn nhật thực (Othello Khanh), Cú và chim se sẻ (Stephane Gauger)… Tự nhận rằng mới xem số lượng quá ít, chưa đủ để đánh giá, ông Roger vẫn chia sẻ, ông nhận thấy các nhà làm phim VN dường như chưa xác định rõ thể loại, đối tượng cũng như cách chinh phục khán giả, dẫn đến việc làm những tác phẩm “chưa tới”, bao gồm quá nhiều yếu tố nhằm hướng tới nhiều đối tượng người xem. Ông cũng thấy văn hóa truyền hình phát triển mạnh tại VN, khiến các nhà làm phim phải đánh vật để tranh giành khán giả với loại hình giải trí này. Roger đặc biệt ấn tượng với hai bộ phim Gái nhảy và Dòng máu anh hùng.
Sinh ra tại Hong Kong và là một fan cuồng nhiệt của dòng phim võ thuật, ông tham gia tổ chức LHP quốc tế Hong Kong từ những năm 1970 và từng là giám đốc LHP này nhiều năm. Hiện Roger sống tại Mỹ, là nhà tổ chức LHP San Francisco, chọn phim cho LHP Torino, LHP Viễn Đông Udine (Italy)... Ngoài ra ông còn viết báo (cho các tờ chuyên ngành điện ảnh như Cahiers du Cinema, Film Comment, Variety), viết sách, sản xuất phim nhựa, phim tài liệu, chương trình truyền hình.
Roger từng sản xuất phim Hollywood (The Big Hit - đạo diễn Kirk Wong, diễn viên Mark Wahlberg, hãng TriStar sản xuất) và nhiều phim độc lập, nghiên cứu điện ảnh hàng chục năm. Ông không đánh giá một bộ phim hay hoặc dở. Điều quan trọng là tác phẩm đó có “bổ sung ngôn ngữ cho điện ảnh thế giới hay không”, có thay đổi quan niệm của người xem về điện ảnh không. “Phải 10 năm mới có một bộ phim làm được điều đó” - ông nói. Ba bộ phim được ông cho là đã làm nên bước ngoặt là Two And Three Things I Know About Her (1967, đạo diễn người Pháp Jean-Luc Godard), Blisfully Yours (2002, đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethukul) và Chocolate (2008, đạo diễn Thái Lan Prachya Pinkaew) - bộ phim được ông đánh giá đã đưa phim võ thuật trở về đúng với ý nghĩa nguyên bản và thuần túy, không kỹ xảo.
Roger đang xây dựng quỹ Pacific Film Partners nhằm mở rộng cơ hội hợp tác cho các nhà làm phim châu Á.
Theo Vnexpress |