Tạp chí Sông Hương -
Hồ sơ hội Gióng sắp lên đường đến UNESCO
08:34 | 28/08/2009
Tuy có sự "can thiệp" của nhà nước, nhưng kỳ lạ thay lễ hội vẫn hoàn toàn là của dân. Ba nét tiêu biểu của hội Gióng là tính biểu tượng, tính tiếp biến và tính nhân dân.
Hồ sơ hội Gióng sắp lên đường đến UNESCO
Hội Gióng

31/8/2009 là hạn cuối cùng để nộp hồ sơ ứng cử danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Năm nay, Việt sẽ nộp hồ sơ hội Gióng ứng cử di sản văn hóa phi vật thể đại diện. Trong "rừng" lễ hội ở khắp các tỉnh, thành, vì sao hội Gióng được chọn lựa? Lần đầu tiên làm hồ sơ đề cử lễ hội, Việt có gặp khó khăn gì không?

VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, thành viên Hội đồng di sản quốc gia, người chịu trách nhiệm phản biện hồ sơ hội Gióng (cùng với PGS Nguyễn Văn Huy).

Cái bát là biểu tượng của núi đồi, tờ giấy là mây

GS-TS Ngô Đức Thịnh



Trước hết, Thánh Gióng là biểu tượng đa diện. Gióng là biểu tượng của ý chí quật khởi cho sự tồn vong của dân tộc, chống ngoại xâm nhưng vì khát vọng hòa bình. Nhiều chi tiết của hội Gióng biểu hiện tinh thần hòa hiếu này, chẳng hạn sau khi đánh nhau phân định thắng thua thì quân của Gióng và quân giặc ngồi ăn cùng trong một bữa tiệc ở đình.

Gióng còn là người mang mưa giông đến cho dân cày cấy. Trong huyền thoại, cha của Gióng là ông Đổng, thần mưa giông. Đến bây giờ, cứ đến hội Gióng thì sẽ có trận mưa đầu mùa. Hội Gióng với người dân cũng là dịp để cầu mưa. Gióng còn là vị thần giúp dân chống lũ lụt nữa. Hình tượng Gióng sau khi bay về trời đã trở về trần gian diệt giao long cứu mẹ không chỉ biểu hiện tính hiếu nghĩa của người con, mà còn là biểu tượng chống lũ lụt.

Thánh Gióng từ lâu đã trở thành biểu tượng, chứ không còn là huyền thoại hay huyền thoại đã được lịch sử hoá, gắn với thời các vua Hùng.

Những tình tiết trong cuộc đời có một không hai của Gióng mang tính biểu tượng rất cao. Gióng từ cậu bé không biết nói, không biết đi, khi giặc ngoại xâm đến bỗng vụt lớn nhanh như thổi chính là biểu tượng hun đúc sức mạnh cộng đồng. Sau khi thắng giặc ngoại xâm, Gióng bay về trời cũng mang tính biểu tượng, nhiều người cắt nghĩa là anh hùng không màng danh lợi.

Vậy hội Gióng đã "cắt nghĩa" biểu tượng Gióng theo cách nào?

- Hội Gióng chứa đựng tâm thức, tình cảm, ý chí... là những đức tính ưu việt của dân tộc. Hội Gióng là sự diễn giải hình tượng Gióng bằng những màn trình diễn, diễn xướng có tính biểu tượng rất cao, vốn là đặc trưng không thể thiếu của lễ hội truyền thống.

Cuộc chiến giữa ta và địch là biểu tượng âm - dương, quân ta là dương, là phía chính nghĩa, còn quân giặc là âm, phi nghĩa. Nhân đây tôi cũng muốn đính chính, trong truyền thuyết, giặc không phải là giặc Ân như nhiều người lầm tưởng, mà mang tính "tổng quát" hơn nhiều. Hoàn toàn không có bằng cớ để gán thành giặc Ân.

Trước khi quân ta đánh giặc thì có đám rước của quân Gióng về lấy nước ở giếng đền Mẹ để rửa vũ khí, tăng thêm sức mạnh cho người con, đó cũng là vấn đề âm dương. Giữa âm dương vừa có sự tương khắc lại đồng thời cũng có sự tương sinh.

Cảnh tượng múa hổ của phường Ải Lao là biểu tượng cho sự khuất phục của cả tự nhiên (với biểu tượng là chúa sơn lâm) trước sức mạnh phi thường của Gióng.

Đặc biệt là đại diễn xướng diễn tả trận đánh giữa ta và địch. Trải 3 cái chiếu, trên mỗi chiếu có một cái bát úp lên trên tờ giấy, cái bát là biểu tượng của núi đồi, tờ giấy là mây, chiếu là đồng bằng. Cuộc chiến được diễn tả chỉ bằng việc ông Hiệu cờ phất lá cờ 3 lần, tung chân đá bát văng ra khỏi chiếu, là biểu hiện của sức mạnh ghê gớm “san đồi bạt núi” của Gióng, tạo nên chiến thắng, gây ấn tượng và xúc cảm mạnh.

"Nô nức" đăng ký tham gia diễn xướng

Nhân vật ông Hiệu cờ cũng mang tính biểu tượng chứ, thưa GS?

- Ông Hiệu cờ là biểu tượng của Gióng, chứ không phải là Gióng. Người Việt có nguyên tắc là thần linh KHÔNG hiển hiện bằng người trần “bằng xương bằng thịt”. Chọn ông Hiệu cờ rất quan trọng, khi đã được chọn thì trong mấy tuần trước hội ông được ăn ở riêng, có người phục vụ đàng hoàng, bởi ông đã là biểu tượng của Gióng, tức thần linh rồi.

Lễ hội phải được thể hiện bằng ngôn ngữ biểu tượng, vì thuộc phạm trù thế giới linh thiêng, tâm linh. Biểu tượng có hai khía cạnh, phô bày cho người ta thấy, che giấu để người ta phải tìm tòi, để giữ được tính bí ẩn, tính thiêng. Lễ hội mà mang ra diễn thật, diễn "nôm” thì lại bị “trần tục hoá”, mất thiêng.

Chọn lựa hội Gióng để ứng cử di sản phi vật thể đại diện nhân loại, chứng tỏ hội Gióng có những nét tiêu biểu độc nhất vô nhị?

- Hội Gióng đã được nhà nước phong kiến nâng cấp thành quốc lễ (tương truyền là từ thời thái tổ Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long), vượt ra ngoài hương lễ (lễ hội của làng). Tuy có sự "can thiệp" của nhà nước, nhưng kỳ lạ thay lễ hội vẫn hoàn toàn là của dân. Ba nét tiêu biểu của hội Gióng là tính biểu tượng, tính tiếp biến và tính nhân dân.

Về tính tiếp biến văn hóa, tuy là lễ hội chống ngoại xâm nhưng vẫn ảnh xạ những hoài niệm, những ký ức về những khía cạnh khác của xã hội. Hội Gióng đã tích hợp ở đó những nghi lễ mang tính nông nghiệp, hoặc hội Gióng vốn ban đầu có gốc gác từ một nghi lễ nông nghiệp.

Về tính nhân dân thì hội Gióng do người dân tự tổ chức hoàn toàn, và họ thật sự tự hào về hội của mình, đúng như UNESCO rất "nhấn mạnh" đến ý thức của người dân về di sản của họ. Giữa các làng đã chia rất rõ ràng, mỗi năm mỗi làng sẽ đảm đương trọng trách gì. Chẳng hạn, làng sẽ đảm nhiệm việc diễn xướng thì các gia đình "nô nức" viết đơn đăng ký cho con cái họ tham gia, có khi còn phải bình bầu vì nhiều người muốn tham gia quá. Người tham gia diễn xướng phải là những người sống gương mẫu, không "vi phạm", đây là cách rất hay để giáo dục cộng đồng.

Hội Gióng vẫn vẹn nguyên là tiếng nói của người dân về những ước vọng trên mọi phương diện đời sống của mình.

Tiếc vì phải dùng nhiều tư liệu cũ

Được biết, rất nhiều làng thờ Thánh Gióng, nên hội Gióng cũng sẽ diễn ra ở nhiều nơi. Vậy khi đề cử hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện, ta sẽ chọn chủ thể là ai, theo không gian nào?

- Không gian của hội Gióng như là sự thể hiện ba vòng tròn đồng tâm: Vòng tròn trong cùng lần này chọn để làm hồ sơ, lấy tâm điểm là hai làng Phù Đổng và Sóc Sơn, nên sẽ gọi là hội Gióng (Phù Đổng - Sóc Sơn). Vòng thứ hai gồm một số xã bao quanh thuộc huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm. Vòng ngoài cùng của hội Gióng gồm cả Thường Tín (Hà Tây cũ) thì như nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh trong "Người anh hùng làng Gióng" gọi tên là vùng Trung Châu (tôi lý giải là trung tâm của Châu thổ Sông Hồng). Đấy là vòng ngoài cùng không gian rộng nhất. Phải viết hồ sơ để thể hiện điều này, vừa tập trung vào hai tâm điểm, vừa thể hiện được không gian văn hóa rộng lớn, nêu bật "sức nặng" của lễ hội.

Chuyện gọi tên cũng tốn khá nhiều thời gian thảo luận của Hội đồng di sản quốc gia. Ban soạn thảo hồ sơ có đề xuất gọi tên là hội Thánh Gióng, để phân biệt với hội Gióng vốn thuộc riêng làng Phù Đổng trước đây. Gióng vừa là ông Gióng, vừa là làng Gióng. Gọi là hội Thánh Gióng sẽ "nhấn mạnh" biểu tượng trung tâm là Thánh Gióng. Nhưng sau cùng vẫn quyết định giữ tên là hội Gióng (Phù Đổng - Sóc Sơn).

Trong đề nghị bảo tồn hội Gióng cũng sẽ thành lập ban liên lạc giữa các làng cùng thờ Thánh Gióng để vừa bảo tồn tính đa dạng, đồng thời có tập hợp lại.

Hồ sơ làm trong một thời gian quá ngắn, liệu có nêu bật được những giá trị không trộn lẫn của hội Gióng không?

Rất tiếc việc làm hồ sơ bị gấp, không chờ được đến lễ hội năm sau để chụp ảnh - quay phim cho thật "chuẩn", đành phải dùng những tư liệu cũ.

Hội đồng di sản đã góp rất nhiều ý kiến, trên tinh thần là mọi người hợp sức để tạo ra hồ sơ khả dĩ đáp ứng những yêu cầu của UNESCO trong thời hạn (31/8 là hạn cuối cùng phải nộp hồ sơ).

Xin cảm ơn GS.

                                                                                                   Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng