Theo nhiều ý kiến, việc thành lập VIETRRO vào lúc này là đúng lúc bởi cho đến nay, tại VN đã có ba tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan ở các lĩnh vực âm nhạc, ghi âm và văn học, nhưng chưa có tổ chức quản lý tập thể nào cho lĩnh vực sao chép và sử dụng số. Trong khi nạn sao chép và sử dụng số trái phép đang hoành hành không thể kiểm soát, điển hình là vụ 50 tấn sách in lậu ở TP.HCM hoặc hơn 4.400 tác phẩm của các tác giả VN bị Google đưa lên mạng không xin phép (nóng hổi nhất là ngay trong ngày ra mắt VIETRRO, Công an Hà Nội đã bắt được “trùm” in lậu sách Phạm Anh Dũng với 15 tấn sách lậu). Đây là những trường hợp điển hình về xâm phạm quyền tác giả qua hình thức sao chép bằng máy photocopy và bằng công nghệ số.
Thực tế này cho thấy “nỗi đau” trầm kha của các NXB, các công ty phát hành sách, vì để ra mắt một tác phẩm họ phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc, nhưng doanh thu thì lại tỷ lệ ngược, vì sách hễ in ra là bị “luộc” ngay. Một điều rất đáng quan tâm là khi các đơn vị làm sách trong nước đàm phán với đối tác nước ngoài trong việc nhượng quyền, thì phía đối tác trước tiên luôn đặt câu hỏi về cách đối phó với nạn in lậu ở VN, chứ không phải chuyện giá cả.
Mục đích của VIETRRO là thay mặt cho người giữ quyền tác giả để thương lượng, hợp đồng nhằm khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm được ủy quyền với bên sử dụng tác phẩm qua hình thức sao chép và sử dụng số (bao gồm sao chép số và sử dụng trên internet). VIETRRO có nhiệm vụ theo dõi hoạt động sao chụp và sử dụng số, biết được tác phẩm nào đang được sử dụng, ai sử dụng, sử dụng ở đâu, khi nào, hình thức nào (mục đích, phạm vi)... để có cơ sở thu tiền tác quyền và phân phối lại cho người nắm giữ quyền tương xứng với mức độ tác phẩm của họ được sử dụng trên thực tế.
Ban vận động thành lập VIETRRO gồm 12 thành viên, do ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản làm Trưởng ban. Theo ông Kiểm, ngoài những mục đích kể trên, VIETRRO còn giúp người sử dụng tiếp cận với tác phẩm một cách hợp pháp, tăng cường cho xã hội nếp sống văn hóa tôn trọng pháp luật, bảo đảm sự lành mạnh cho thị trường xuất bản và khuyến khích hoạt động sáng tạo của các tác giả.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của VIETRRO sẽ cản trở việc tiếp cận thông tin của cộng đồng, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên nghèo muốn sao chép giáo trình làm tư liệu học tập.
Theo TNO |