Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, bài diễn ca "Nhóm lửa" của Bác Hồ gợi nhớ, giúp chúng ta ôn cũ, hiểu mới.
Sau khi về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng VN, từ thực tế của công cuộc cách mạng, Bác viết bài "Nhóm lửa" để giác ngộ, động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết vượt qua những thử thách gay go, quyết liệt. Bác ví những khó khăn gian khổ ban đầu của cách mạng chẳng khác gì những khó khăn của việc nhóm lửa, ai đọc, ai nghe cũng hiểu, cũng thấm và tự nguyện, tự giác làm theo.
Trong cái khó này, Bác chỉ đưa ra một chi tiết thực bằng một hình ảnh thực: Chỉ "một mảy gió xuân" thôi, nghĩa là chỉ một lượng gió rất nhỏ, mỏng manh, hiu hiu không đáng kể cũng có thể làm tắt ngọn lửa đang leo lét kia "Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân/ Cũng lo sợ có khi tắt mất".
Câu thơ bình dị mà đậm chất trữ tình là do có sự quan sát rất tinh và nhạy cảm từ một hiện tượng (một mảy gió xuân) và một tâm trạng (lo sợ) của người nhóm lửa. Nhưng "Khi lửa đà chắc chắn bén lên/ Thì mưa gió chi chi cũng cháy/ Mưa lún phún, lửa càng nóng nảy/ Gió càng cao, ngọn lửa càng cao/ Núi rừng đều bén, cháy ào ào/ Lửa nung đỏ cả trời sáng toé".
Một khi lửa đã bén đều, đã bùng lên cháy ào ào thì ngay cả mưa, cả gió cũng không dễ gì dập tắt, cứ thế cháy, mỗi lúc một to, bừng bừng lan rộng thành đám cháy lớn "Lửa nung đỏ cả trời sáng toé". Cách mạng cũng vậy. Một khi đã vượt qua được bước khó khăn, thử thách ban đầu, "Cách mạng đã vững chân", thì: "Sẽ vùn vụt như toà núi lửa/ Sẽ ầm ầm như ngọn thuỷ trào/ Sẽ kéo theo tất cả đồng bào/ Sẽ đè bẹp cả loài lang sói".
Sẽ để chỉ ra, để nhấn mạnh. Sẽ thuộc thì tương lai, nhưng ở đây là khẳng định, là tất yếu. Cái sẽ đến, tất yếu đến, không có gì cản được "Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi/ Chiếu lên cờ Độc lập, Tự do!".
Từ việc nhóm lửa dẫn đến việc cách mạng được chuyển tiếp tự nhiên bằng một câu như lời nói thường "Việc cách mạng cũng là như thế", tiếp đến dẫn giải cũng bằng câu nói thường "Bước ban đầu là bước gian nan", nhưng lại không thường chút nào, vì nó chứa đựng một sự kiện lớn, hệ trọng, lại nói cho đại chúng nghe nên phải giản dị, phải dễ hiểu đến mức tối đa.
Cách nói, cách diễn đạt của Bác thiết tưởng không thể dễ hiểu hơn nữa, tận cùng rồi. Do xuất phát từ thực tiễn với tầm nhìn xa rộng và một phương pháp khoa học, Bác viết bài diễn ca khuyên mọi người, chỉ rõ cho mọi người đường đi nước bước của cách mạng để cùng nhau vượt qua khó khăn, vững bước tiến lên.
Bác về nước đầu năm 1941, hơn một năm sau, bài "Nhóm lửa" đăng trên báo Việt Nam Độc Lập số ra ngày 1.8.1942. Ba năm sau, ngày 19.8.1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên lập những kỳ tích cắm những mốc son lịch sử. Cái sẽ đến đã đến. Thật kỳ diệu, câu kết bài "Nhóm lửa" đã thành hiện thực, vĩnh viễn là hiện thực: "Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi/ Chiếu lên cờ Độc lập, Tự do!".