Tạp chí Sông Hương -
Bức chân dung mới
16:15 | 03/09/2009
Từ tháng 5 đến tháng 9.2008, bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Singapore tổ chức một triển lãm trưng bày khoảng 60 tác phẩm, một cuộc hội thảo và một cuốn sách in kèm cùng tên: Mỹ thuật Việt Nam sau 1990 – hậu đổi mới. Sau cuộc triển lãm đó, nhiều câu hỏi được đặt ra: Biết đến khi nào mỹ thuật Việt thời đổi mới có được vị trí xứng đáng trong bảo tàng Mỹ thuật Việt ? Bài viết sau đây không phải là câu trả lời, nó chỉ đưa ra đặc điểm khác biệt nhất của mỹ thuật Việt thời đổi mới so với hai trào lưu trước đó.
Bức chân dung mới
Tranh: Thắm Poong

Sự phát triển của kinh tế Việt hôm nay chính là kết quả của công cuộc đổi mới, khởi đầu từ cách đây trên 20 năm. Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị về văn hoá nghệ thuật kêu gọi nghệ sĩ tự cởi trói và tự do sáng tạo, là nguyên nhân sâu xa tạo nên trào lưu mỹ thuật đổi mới, trào lưu thứ ba của mỹ thuật Việt Nam trong thế kỷ 20. Một trào lưu mỹ thuật đặc biệt của một thời kỳ đặc biệt, khác hẳn với hai trào lưu trước – trào lưu mỹ thuật Đông Dương (1925 – 1954) và trào lưu mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (1954 –1985). Nếu tính theo tuổi tác thì lớp hoạ sĩ hiện nay là thế hệ thứ năm. Thế hệ đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam là các hoạ sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương; thế hệ thứ hai là các hoạ sĩ học khoá mỹ thuật kháng chiến của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân; thế hệ thứ ba là các hoạ sĩ thời chống Mỹ (ở miền Bắc); thế hệ thứ tư là các hoạ sĩ thời đổi mới; và vài năm lại đây có một lớp hoạ sĩ trẻ chủ yếu là làm nghệ thuật mới, thế hệ thứ năm.

Thế hệ, thời kỳ và trào lưu tuy đều chứa yếu tố thời gian nhưng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ bức sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của hoạ sĩ Nguyễn Sáng về đề tài kháng chiến chống Pháp được sáng tác năm 1963. Hoặc hoạ sĩ Trần Lưu Hậu thuộc thế hệ thứ hai nhưng lại nổi lên vào thời đổi mới. Và cũng không chỉ từ năm 1986 hội hoạ Việt Nam mới đổi mới, bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái đã làm được nhiều hơn thế ngay từ trước đó. Ngược lại thời đổi mới vẫn có rất nhiều hoạ sĩ không đổi mới lắm.

Tranh: Đào Hải Phong

Trào lưu mỹ thuật Đông Dương với quan niệm thẩm mỹ chung rất dễ nhận ra ở tất cả các hoạ sĩ: hiện thực cộng ấn tượng.

Trào lưu mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa chịu ảnh hưởng nặng của trường phái hiện thực Xô Viết với lối tả chân khô khan, đơn điệu, cứng nhắc. Hội hoạ bị đồng nghĩa với dễ xem, dễ hiểu. Nội dung, đề tài được coi trọng hơn hình thức biểu hiện và đương nhiên, giai đoạn đó đất nước còn chiến tranh nên chiến đấu và sản xuất là hai đề tài chủ đạo.

Từ đó có thể thấy sự khác biệt của trào lưu mỹ thuật đổi mới so với hai trào lưu trước đó chính là ở sự tôn trọng trở lại hình thức biểu đạt chứ không phải ở phạm trù nội dung. Tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao tính cá nhân, tôn trọng các khuynh hướng khác nhau, không hạn chế tìm tòi những phong cách mới. Chiến tranh đã qua, những vấn đề lớn, vấn đề của số đông, những vấn đề chung không còn được chú trọng. Các nghệ sĩ quay về khai thác những vấn đề cá nhân, những câu chuyện, những vui buồn, trải nghiệm có tính chất riêng tư. Họ hướng cái nhìn vào thế giới nội tâm, vào bên trong hơn là bên ngoài.

Tranh: Trần Lưu Hậu


Hoàn toàn có thể hiểu trào lưu mỹ thuật đổi mới tức là đổi mới hình thức. Từ những tên tuổi xuất hiện sớm của trào lưu này: Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hoà, Nguyễn Quân, Đỗ Sơn, Trần Trọng Vũ, Trần Lưu Hậu, Đào Hải Phong, Nguyễn Minh Thành, Hồng Việt Dũng, Phan Cẩm Thượng, Lê Quảng Hà đến những người cuối như Lê Quốc Việt, Bạch Đàn, Thắm Poong, Nguyễn Thị Châu Giang…

Những nhận định trên chỉ là một cái nhìn toàn cảnh, một nhận định hết sức khái quát để mọi người có thể hình dung ra được hoàn cảnh ra đời và những đặc trưng của trào lưu mỹ thuật đổi mới ở Việt 20 năm qua. Bên cạnh đó là sự so sánh với hai trào lưu mỹ thuật trước đó nhằm nhấn mạnh sự khác biệt có tính chất bước ngoặt của mỹ thuật đổi mới.

Nhưng gì thì gì, nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng bao giờ cũng là vấn đề của cá nhân. Trào lưu nghệ thuật nào cũng được làm nên bởi những cá nhân với những tác phẩm cụ thể.

                                                                                                             Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng