Hạ giải xuống, bên trong chỉ còn là đống vụn mọt...
Đến đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) khi công việc trùng tu đã vào "hồi kết", toàn bộ hệ khung của ngôi đình đã được dựng lại vững chắc. Cảm giác đầu tiên là ngạc nhiên, bởi đình trùng tu rồi sao vẫn cổ thế? Hệ thống cột gần như giữ nguyên, chỉ thay đúng 2 cột mới. Nhìn rộng sang những công trình trùng tu gần đây thì thấy người ta phải thay rất nhiều cột gỗ mới vì "khi hạ giải xuống thì bên trong cột mục ruỗng hết rồi, không thể tái sử dụng" (lời trần tình của các đơn vị thi công đã được Bộ VH - TT - DL chấp thuận).
Chính vẻ ngoài "gần như chưa trùng tu" của đình Chu Quyến đã khiến VietNamNet quan tâm tìm hiểu kỹ về việc trùng tu ngôi đình này. KTS Lê Thành Vinh và nhóm thực hiện dự án của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) đã giới thiệu bộ hồ sơ dày cộp liên quan đến các công đoạn của dự án. Mục tiêu của họ là làm một công trình mẫu để xây dựng quy trình trùng tu theo đúng chuẩn, thông tin từng cấu kiện của di tích đều được lưu giữ đầy đủ trước khi hạ giải, khi hạ giải xuống thì đánh giá cấu kiện thế nào, cũng như những "động chạm", thay đổi của nhóm trùng tu. Lưu giữ bằng hình ảnh, bằng các số liệu, sơ đồ... Có cả hồ sơ định vị, ký hiệu cấu kiện đến từng chi tiết nhỏ nhất để ghi nhận lại toàn bộ vị trí trên không gian của di tích trước khi hạ giải "xóa" dấu vết gốc.
Không khỏi giật mình khi nhìn những bức ảnh chụp các cột gỗ khi hạ giải xuống. Nhiều cây cột bên trong chỉ còn là đống vụn mọt, có cột đã được thay ruột bê tông từ lần trùng tu trong thời Pháp thuộc (năm 1935), chỉ còn lớp gỗ mỏng dính bọc ngoài vài cm. Nhóm trùng tu đình Chu Quyến kỳ công cắt, nạo cho bằng hết lớp bê tông cứng và phần gỗ bị mọt, chỉ giữ lại phần gỗ cứng. Phần vỏ cột này được xử lý hóa chất, ngâm tẩm cẩn thận. Một lõi gỗ mới được cắt gọt, "uốn lượn" theo đúng hình dạng để đưa khít vào trong lớp vỏ cũ. Cũng nhờ Viện đã có đề tài nghiên cứu chất gắn giữa gỗ cũ và gỗ mới, không để khoảng trống cho không khí lọt vào, tạo độ đồng chất trở lại. Vậy là cây cột vẻ ngoài như xưa, khi dựng lên vẫn hoàn toàn vững chãi.
Để có được kết quả ấy, quá trình xử lý các cột và các cấu kiện gỗ của di tích phải kéo dài tới 2 năm, từ khi dự án bắt đầu vào năm 2007 cho đến nay.
Không thay thế bởi những thứ na ná
Mất thời gian là thế, mất công là thế nên các kíp thợ trùng tu khác không muốn làm, họ "báo cáo" cột hư hỏng hết rồi, không thể tái sử dụng, để thay mới cho nhanh, cho tiện. Người không hiểu kỹ về nghề cũng sẽ "đồng tình" với sự thay thế này. Chỉ tội cho di tích, trùng tu xong cái nào là cái đó trông cứ như mới cả.
Hỏi KTS Lê Thành Vinh về những quan điểm bảo tồn đúng, ông Vinh nhấn mạnh việc mỗi công trình phải chọn trùng tu theo một quan điểm cụ thể, chứ không thể "đúng một cách chung chung". Chẳng hạn, "đình Chu Quyến là báu vật quý hiếm của hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống VN, việc can thiệp vào di tích phải được ứng xử như đối với một hiện vật, khi can thiệp phải rất chi ly. Không chỉ bảo tồn dấu tích vật chất của công trình, mà đồng thời còn phải bảo tồn, duy trì được những tín hiệu của công trình gây cảm xúc lịch sử, cảm xúc thẩm mỹ đã tích tụ trong suốt quá trình tồn tại của di tích cho đến thời điểm hiện nay".
Với quan điểm xuyên suốt ấy, các cấu kiện gỗ của đình Chu Quyến đã được nhóm trùng tu hết sức "nâng niu". Những hoa văn, họa tiết chạm bong, chạm lộng, chạm suốt ở đầu đao, con đội... gần như được giữ nguyên, chỉ vá lại những chỗ đã hỏng, làm cứng hóa các phần "mềm yếu", rồi làm sạch lại, chứ không thay thế bởi những thứ na ná, thô kệch như ở nhiều công trình trùng tu khác.
Với những thành phần bắt buộc phải thay thế hay bổ sung đều có hình thức ký hiệu để phân biệt với thành phần nguyên gốc, phục vụ việc nghiên cứu - bảo tồn sau này. Lẽ dĩ nhiên, KTS Vinh nhấn mạnh, các vật liệu được sử dụng đều phải là vật liệu truyền thống, ứng dụng kết quả nghiên cứu của Viện những năm qua. Chẳng hạn, nguyên liệu làm các chi tiết ngõa trên đầu đao, bờ mái phải dùng giấy bản, vôi, mật mía... trộn với nhau theo một quy trình rất cẩn thận, ngói phải được phục chế từ đúng chất đất, nung bằng rơm theo công nghệ cổ truyền, các "bí quyết" đã được đúc rút từ các nghệ nhân ở Hà Tây (cũ), Nam Định, Ninh Bình... và kiểm định trong phòng thí nghiệm để tìm ra công thức tốt nhất.
Tháo dỡ là khó nhất
Một con số rất ấn tượng của quá trình trùng tu đình Chu Quyến là việc sử dụng lại tới 47.843 viên ngói cũ. Nhờ việc hạ giải ngói khoa học theo dây chuyền với những người thợ có kinh nghiệm nên nhóm thực hiện tính được cụ thể có 51 loại ngói được sử dụng ở ngôi đình cũ, trong đó ngoài những mẫu ngói chính dùng để lợp đình ở các thời kỳ khác nhau, còn có những viên ngói "lẻ" do dân làng đóng góp ở những thời kỳ khó khăn. Có những viên ngói chưa từng thấy ở bất cứ đình chùa nào, như viên ngói lót cuối cùng ở vị trí lá mái, có hoa văn hẳn hoi. Có những viên ngói có lỗ để neo, buộc... rồi ngói úp bờ nóc nằm ở vị trí đỉnh mái, lúc khảo sát không thể đoán trước, sau hạ giải mới phát hiện ra và đưa vào hồ sơ thiết kế bổ sung.
Nhóm thực hiện đã phải tổ chức tọa đàm, mời các chuyên gia tham gia ý kiến để chọn ra mẫu ngói hoa chanh tiêu biểu nhất để phục chế những viên ngói hoa chanh thay thế theo mẫu này. Những viên ngói lẻ không phù hợp với đình được dồn lại cho việc tu sửa một ngôi miếu của làng. KTS Vinh khẳng định, riêng việc hạ giải ngói phải được thực hiện bởi thợ bậc cao về lợp ngói cổ để hiểu rõ quy trình các cụ lợp ngói ngày xưa, còn nếu cứ hạ bừa thì sẽ thành đạp đổ.
Anh Tạ Văn Hiến, đội trưởng của toàn bộ nhóm thợ thi công đình Chu Quyến, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, trùng tu hàng loạt di tích quan trọng từ những năm 1970, 1980 như khu di tích Văn Miếu, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Tây Phương... Anh khẳng định, với việc trùng tu đình Chu Quyến thì tháo dỡ là công đoạn khó nhất, vì trước đây đình được dựng bởi 4 cánh thợ từ 4 góc vào đến giữa, nhiều mộng thắt đến 40, 50cm, nếu không có "bí quyết" thì không thể dỡ ra được. "Vậy chứ chúng tôi dỡ xuống được hết, không hề xây xước, phải bọc lót vải để chờ đường gòng xuống, chứ không có lấy một vết xà beng", anh Hiến nói rất mộc mạc.
Riêng khảo sát đã mất 1 năm rưỡi
Để công trình sau khi trùng tu có tuổi thọ lâu bền, bằng cách giảm thiểu và loại bỏ các tác nhân gây hại cho công trình, nhóm thực hiện còn tổ chức tiến hành những khảo sát "chẳng đâu làm", như khảo sát vi khí hậu (do Viện nhiệt đới - ĐH Kiến trúc thực hiện) để hiểu và ứng phó với điều kiện tự nhiên mà di tích đang sống, hay khảo sát nấm mốc, khảo sát mối để có cách xử lý và phòng chống lâu dài. Riêng trên bề mặt gỗ, nhóm đã tìm ra 17 loại nấm khác nhau, mỗi loài sẽ phá hoại gỗ theo kiểu khác nhau, cần xử lý theo những cách khác nhau để loại bỏ tối đa nguyên nhân gây xuống cấp trở lại. Nhóm cũng thực hiện khảo sát bằng rađa bố trí điện cực (kết hợp với ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) để phát hiện các di vật trong lòng đất, nhờ đó đã tìm và phục dựng lại một đầu kìm vốn dùng trang trí nóc mái.
Trong suốt buổi trò chuyện tại đình Chu Quyến vẫn nguyên màu thời gian, KTS Vinh nhiều lần nhắc đến việc những dự án khác không thể làm như Chu Quyến, ngoài lý do các nhóm thợ đó không đủ năng lực vì quá lâu rồi không được đào tạo, thì còn vì họ không được tạo điều kiện về thời gian, chi phí và yêu cầu bắt buộc phải "tẩn mẩn" như vậy. "Bản thân tôi thường xuyên phải lên đây để cùng nhóm thợ xử lý các chi tiết cụ thể, cùng bàn bạc để tìm ra cách ứng xử khả dĩ nhất".
Chỉ riêng quá trình khảo sát toàn diện di tích đã mất tới 1 năm rưỡi, như một quá trình khám bệnh tổng thể cho di tích, trong khi với các công trình khác thì công đoạn này gần như bị bỏ qua, bởi dự án trùng tu được ứng xử như một dự án xây dựng. "Vậy là chúng ta bắt tay trùng tu di tích mà chưa thật sự hiểu về di tích", KTS Vinh "chua xót".
KTS Vinh đề xuất nên "phanh" lại quá trình trùng tu di tích ồ ạt để chuẩn bị một quy trình "chuẩn", tổ chức đào tạo từ cán bộ kỹ thuật đến thợ thi công. "So với lịch sử mấy trăm năm của di tích thì dừng vài năm không phải là chuyện không thể, còn hơn cứ sửa theo kiểu "phá" giá trị di tích như hiện nay". - KTS Vinh khẳng định mạnh mẽ.
Theo VietNamNet |