Năm 1922, tiểu thuyết Siddhartha được xuất bản, biểu lộ tình yêu lớn của Hermann Hesse với nền văn hóa Ấn Độ và các giá trị tinh thần phương Đông. Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, kể về hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của chàng tín đồ Bàlamôn trẻ tuổi Siddhartha.
Rời bỏ gia đình, thoạt đầu Siddhartha nhập vào nhóm những nhà sư lang thang, tu tập lối sống khổ hạnh. Nhưng Siddhartha sớm nhận thấy, rốt cuộc anh chỉ học được kỹ xảo tự lừa mị, tự mê mụ trong chốc lát trước nỗi đau đớn và vô nghĩa của cuộc đời - sự đào thoát tạm bợ mà một phu kéo xe cũng có thể đạt tới sau vài chén rượu đế.
Sau đó, anh gặp Đức Phật, và mặc dù không mảy may nghi ngờ giáo pháp của Ngài, anh vẫn quyết định tiếp tục lên đường, không phải để tìm một giáo pháp hay hơn mà để được chứng nghiệm sự giác ngộ và giải thoát, những điều mà anh tin rằng không thể đạt tới chỉ qua việc nghe thuyết giảng.
Anh đã nhập lại vào cuộc sống thế tục, học nghệ thuật yêu đương từ kỹ nữ lừng danh Kamala, học kiếm tiền và tiêu tiền khi trở thành người phụ tá cho nhà buôn Kamaswami… Cuối cùng, sau khi trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của niềm vui và nỗi khổ, Siddhartha đã giác ngộ chân lý bên cạnh một dòng sông: con người cần tham đắm trong dục lạc, chạy theo của cải, danh vọng và cần tuyệt vọng, nhục nhã để học xả bỏ sự miễn cưỡng, học yêu thương thế giới như nó là chính nó, để thôi so sánh nó với với thế giới của tưởng tượng hay ước mơ.
Trong Lời giới thiệu tác phẩm, Nguyễn Tường Bách viết: “Với Siddhartha, người đọc sẽ cảm nhận như đọc một cuốn kinh Đại thừa, nhưng với văn chương du dương của một nhà thơ và sự miêu tả tinh tế của một nhà văn. Đọc tác phẩm này ta thấy rằng sự minh triết có thể được hàm chứa trong nhiều cách, Sự Thật cao tột có thể diễn tả bằng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau”.
Năm 1965, Siddhartha được nữ dịch giả Phùng Khánh chuyển ngữ từ tiếng Anh, mang tựa đề Câu chuyện dòng sông. Đây là một bản dịch nổi tiếng, đã tái bản nhiều lần, ngay cả những năm gần đây. Tuy nhiên, đích thân dịch giả đã có lần ủy thác hiệu đính Câu chuyện dòng sông từ nguyên tác tiếng Đức, bổ khuyết những chỗ trước đây bà tự ý bỏ vì thấy "không hợp, không hay".
Văn hào, thi hào lỗi lạc người Đức Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 ở Đức và mất ngày 9/8/1962 ở Thuỵ Sĩ, nơi ông định cư từ năm 1923. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo.
Trước khi có thể sống như một nhà văn tự do, ông từng gắn bó với nghề bán sách.
Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng thơ ca: năm 1898, ông xuất bản tập thơ nhỏ đầu tiên, Romantische Lieder (Các bài hát lãng mạn), nhưng lại trở nên nổi tiếng hơn cả qua các tiểu thuyết như Steppenwolf (Sói đồng hoang), Siddhartha, và Das Glasperlenspiel (Trò chơi với chuỗi hạt cườm).
Năm 1946, ông được tặng Giải Nobel Văn học. Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định, “Tác phẩm của
Hesse
kết hợp quá nhiều ảnh hưởng từ Phật Thích ca và thánh Francis tới Nietzsche và Dostoevsky đến nỗi người ta có thể ngờ rằng về cơ bản ông là một nhà thử nghiệm chiết trung với nhiều tư tưởng triết học khác nhau. Nhưng ý kiến này rất sai lầm. Sự chân thành và nghiêm túc là nền tảng trong công việc của ông và luôn luôn được điều phối, ngay cả khi ông xử lý những chủ đề ngông cuồng nhất”.
Hermann Hesse là tác gia Đức được đọc và dịch nhiều nhất - hơn 100 triệu bản sách của ông đã được bán trên khắp thế giới.
Dịch giả Lê Chu Cầu hiện sống và làm việc ở Đức. Trước Siddhartha, ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng từ tiếng Đức, Pháp và Anh như: Mùi hương (Patrick Süskind), Nhà giả kim (Paulo Coelho), Người thầy (Frank McCourt), Chuyện dài bất tận và Momo (Michael Ende), Cuộc chiến khuy cúc (Louis Pergaud), và một số vở kịch (chưa xuất bản): Bà tỷ phú về thăm quê (Friedrich Dürrenmatt), Bà mẹ can đảm và các con và Cuộc đời Galilei (Bertolt Brecht)...
Theo eVan |