Tạp chí Sông Hương -
"Thực đơn" âm nhạc cao cấp
08:17 | 10/09/2009
Việc TP.HCM chi 47 tỉ đồng trang bị cho Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch của mình dàn nhạc cụ mới và "xịn" nhất nước đã nói lên sự quan tâm và đánh giá đúng đắn vai trò của nhà hát này trong tiến trình nâng cao văn hóa âm nhạc cho người dân thành phố.
Dàn hợp xướng trong chương trình Giai điệu mùa thu 2009 - Ảnh: Lê Thanh

Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM đã kỷ niệm sinh nhật tuổi 15 của mình bằng một đêm hòa nhạc đặc biệt ấn tượng tại nhà hát thành phố. Từ một dàn nhạc nhỏ khi mới thành lập năm 1994, tới nay nhà hát đã có trong biên chế của mình 90 nghệ sĩ thuộc các bộ môn nhạc vũ kịch hàn lâm.

Theo Phó giám đốc nhà hát, NSƯT Trần Vương Thạch, thì nhà hát muốn đủ biên chế phải cần tới 200 nghệ sĩ. Con số đó chưa phải là lớn đối với một địa phương lớn như TP.HCM. Bây giờ thì ai cũng biết, một thành phố lớn sẽ cảm thấy thiếu thốn thế nào khi không có một nhà hát giao hưởng, một dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ có thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực, châu lục và thế giới.

Ở nhiều nước phát triển, trong khi có thể "xuất khẩu văn hóa" bằng rất nhiều dòng âm nhạc thị trường, thì người ta luôn giữ lại cho khán thính giả của mình những "thực đơn âm nhạc cao cấp" mà tiêu biểu là các nhà hát và dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Sau một chuyến thăm Mỹ, một nhà thơ - nhạc sĩ nói với tôi là phải sang Mỹ anh mới biết, hóa ra, "thực đơn âm nhạc" của người Mỹ bản địa chủ yếu là nhạc cổ điển, và thật là khó mua vé khi muốn xem-nghe chương trình biểu diễn của những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng. Ở những nhà hát ấy, vé được bán trước hàng năm, và rất khó mua.

 

Một tiết mục của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

Ở nước ta, đặc biệt là ở TP.HCM, cùng với sự phát triển kinh tế, nâng cao học thức và văn hóa, nhất là trình độ thưởng thức âm nhạc, thì sẽ tới lúc không quá xa nữa, âm nhạc thính phòng cổ điển, những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng trên thế giới và trong nước sẽ được đông đảo người nghe đón nhận và thưởng thức.

Hơn nhiều nghệ thuật khác, thưởng thức âm nhạc rất cần được định hướng. Không phải ngay từ đầu người châu Âu hay châu Mỹ đã quen và yêu thích ngay âm nhạc thính phòng giao hưởng, mà phải trải qua một thời gian dài từ làm quen tới "học nghe" và tiến tới yêu thích, dòng nhạc này mới có chỗ đứng vững chắc trong "thực đơn âm nhạc" hằng ngày của nhiều người. Từ chỗ là âm nhạc dành cho tầng lớp đặc tuyển, nhạc giao hưởng đương đại đã chủ động đến với nhiều tầng lớp người nghe không phân biệt, dù nó vẫn là "thực đơn âm nhạc cao cấp".

Việc TP.HCM chi 47 tỉ đồng trang bị cho Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch của mình dàn nhạc cụ mới và "xịn" nhất nước đã nói lên sự quan tâm và đánh giá đúng đắn vai trò của nhà hát này trong tiến trình nâng cao văn hóa âm nhạc cho người dân thành phố, cũng như giúp nhà hát phấn đấu tới một thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Nhưng để những nhạc cụ tốt ấy phát huy hết tác dụng, lại rất cần sự quan tâm tới chính những nghệ sĩ biểu diễn - những chủ thể sáng tạo của dàn nhạc. Vì thế, một chế độ đãi ngộ đặc biệt, một thang lương đặc biệt dành cho các nghệ sĩ của nhà hát là hết sức cần thiết. Làm sao để các nghệ sĩ hoàn toàn an tâm về cuộc sống của họ và gia đình họ, để tập trung cống hiến tất cả tài năng cho nghề nghiệp, cho âm nhạc là điều rất nên làm.

Một thành phố lớn như TP.HCM đủ khả năng để thực hiện hoàn hảo sự đãi ngộ này. Tất cả cũng là vì gương mặt văn hóa -nghệ thuật của thành phố, vì những "thực đơn văn hóa cao cấp", "thực đơn âm nhạc cao cấp" mà TP đưa đến cho người dân của mình, cho bạn bè "thực khách" của mình từ khắp nơi trên thế giới khi họ ghé thăm thành phố.                           

Theo Thanh Thảo - TN

Các bài mới
Các bài đã đăng