Tạp chí Sông Hương -
Thêm một nhà thơ tiền chiến ra đi
09:22 | 10/09/2009
Nhà thơ Lam Giang tạ thế vào giờ Mùi ngày 7.9.2009. Vậy là thêm một nhà thơ thời tiền chiến ra đi, thọ 90 tuổi tại Sài Gòn.
Thêm một nhà thơ tiền chiến ra đi
Nhà thơ Lam Giang.

Nhà thơ Lam Giang tên khai sinh là Nguyễn Quang Trứ - sinh 1919 tại Phù Mỹ (Bình Định). Thuỷ tổ nhà thơ là Cương Quốc Công Nguyễn Xí - một danh tướng thời Lê - vốn quê xứ Thanh.
 
Cha nhà thơ là Nguyễn Kim Thanh - vốn là một Thiền sư, tham gia Cần Vương theo Phan Đình Phùng. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Thiền sư vào Bình Định lánh nạn, làm nghề thuốc. Có lẽ để ghi nhớ những năm tháng oanh liệt của cha bên dòng sông Lam nên nhà thơ đã lấy bút danh là Lam Giang.

Lam Giang làm thơ ở Bình Định cùng thời với Chế Lan Viên, Yến Lan, nhưng lại gần gũi Quách Tấn hơn, dù Quách Tấn hơn ông gần chục tuổi. Khi Quách Tấn còn ở Bình Định mà Lam Giang đã phiêu bạt vào Sài Gòn, ông đã có thơ tặng bạn vong niên "Bình Định thi hào quân thượng tráng/Sài Gòn cô lữ ngã do bần" (Trong các nhà thơ lớn Bình Định anh còn sung sức/ Sống lẻ loi quán trọ đất Sài Gòn tôi còn nghèo - Nguyễn Khôi dịch).

Lam Giang cộng tác với NXB Quốc học Thư xã Hà Nội từ 1941 đến 1945. Đọc những bài thơ Lam Giang thời tiền chiến, dễ liên tưởng tới một nhà thơ xứ Nghệ lập nghiệp ở Hải Phòng, đó là nhà thơ tiền chiến Lan Sơn. Giá như lúc ấy mà những bài thơ "Nhớ về thu trước", "Hướng dương"... lọt "mắt xanh" Hoài Thanh thì Lam Giang đã có "ghế" trong "Thi nhân Việt Nam".
 
Song, giống như đàn anh Khương Hữu Dụng, Lam Giang vẫn đủ tầm vóc của một nhà thơ đáng trân trọng ở thời tiền chiến. Những câu thơ Lam Giang xem ra khá độc đáo về cách cảm, cách lập tứ, cách tìm thi ảnh: "Có một bài thơ từ buổi trước/ Bây giờ đem đọc thấy sầu xưa/ Có người năm ngoái cho gương lược/Lược vỡ gương tan tự bấy giờ/ Có một hoa vàng trong gió lướt/ Bay về bến cũ khách ngồi trơ...". Ông còn có bài ngũ ngôn ngâm theo kiểu hát dặm đầy khẩu khí về Phan Đình Phùng. Thời tiền chiến đã ghi dấu ấn Lam Giang qua tập "Tây tái Vân Sơn" và tập "Triết học đại cương".

Khi đất nước tạm chia cắt, Lam Giang đưa gia đình vào Sài Gòn. Ở xứ "Viên ngọc Viễn Đông" thời ấy, ông đã kết thân với Vũ Hoàng Chương. Riêng 1958, ở tuổi "Tứ thập bất hoặc" Lam Giang xuất bản tại NXB Tân Việt 4 tác phẩm. Đó là "Giảng luận về Nguyễn Công Trứ", "Giảng luận về Cung oán ngâm khúc","Giảng luận về Trần Quý Cáp", "Phương pháp bình văn".

Năm 1963, khi nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật tử, Vũ Hoàng Chương đã viết bài thơ "Lửa" đầy hào khí ca ngợi tấm gương nhà sư. Trong hoàn cảnh bắt bớ, lùng sục, nhà thơ không dám chép ra để tuyên truyền cho đồng bào, Lam Giang đã yêu cầu Vũ Hoàng Chương đọc cho con trai mình nghe đến thuộc rồi sau đó chạy đến chùa đọc lại cho các nhà sư. Bởi thế, bài thơ đã loang rộng khắp Sài Gòn. Cậu con trai đó hiện là nghệ sĩ guitare Nguyễn Quang Bình khá nổi tiếng.

Vào tuổi 75, Lam Giang như hồi sinh. Ông liên tiếp ấn hành những tác phẩm: "Khảo luận về thơ" (NXB Đồng Nai), "Phép giành chiến thắng theo Tôn tử binh pháp" (NXB Thể dục Thể thao 1995), "Những cái khôn của người xưa" (NXB Thanh Niên- 1999), "Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam" (NXB Thanh Niên - 2000), "Truyện hay trang sử Việt" (NXB Thanh Niên 2001), "Vua Quang Trung" (NXB Thanh Niên - 2001) và ấn hành chung cùng vợ, nhà thơ Hoa Phương tập thơ "Trăng đọng vườn thơ" (NXB Thanh niên - 2008).

Đấy là những tâm tình cuối cùng của ông gửi lại dương thế để viên mãn ra đi ở tuổi 90. Xin vĩnh biệt ông.

                                                                                                            Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng