Nửa mặt trời vàng xuất bản lần đầu tại Anh vào tháng 8-2006 thì ngay sau đó (tháng 9-2006) đã xuất bản tại Mỹ và năm 2007 đoạt giải Orange (một trong những giải thưởng giá trị nhất ở Anh). Đây là lần đầu tiên một nhà văn của “lục địa đen” giành được giải thưởng cao quý này. Với dung lượng trên 600 trang khổ lớn, chữ nhỏ, hệ thống nhân vật đa dạng và sinh động, với bối cảnh rộng lớn mà dữ dội, Nửa mặt trời vàng có tầm vóc một bộ sử thi hoành tráng có thể được xếp cạnh những tác phẩm kinh điển thế giới. Đọc Nửa mặt trời vàng, chúng ta liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết lừng danh Cuốn theo chiều gió - những mối tình cuồng nhiệt, độc đáo đan cài rất khéo léo, nhuần nhuyễn trên bối cảnh một cuộc nội chiến tàn khốc. Chiến tranh trong Nửa mặt trời vàng là cuộc thanh lọc chủng tộc, tranh giành quyền lực chủ yếu giữa người Hausa ở miền bắc và người Igbo miền đông nam, sau khi Nigeria được Anh trao trả độc lập năm 1960. Cũng có thể nói cuộc chiến là hậu quả chính sách “chia để trị” của đế quốc Anh. Trên bức tranh rộng lớn và thảm khốc này, cuộc tình “bộ tứ” của hai chị em song sinh - Kainene với nhà văn, ký giả Richard và Olanna với giáo sư Odenigbo - vừa cổ điển vừa hiện đại, nhiều mê đắm mà cũng không thiếu cảnh ghen tuông vì bị phản bội, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết, mà còn chuyển đến độc giả những thông điệp có ý nghĩa về một xứ sở hình như còn bị ngộ nhận về nhiều mặt. Ở “lục địa đen” không chỉ có thất học và nghèo đói. Những buổi “tiếp tân” trong phòng khách của vợ chồng Olanna với những cuộc bàn luận về chính trị, nghệ thuật gợi nghĩ đến cảnh tương tự trong tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng như Chiến tranh và hòa bình. Tuy vậy, nếu chỉ với “bộ tứ” này, tác giả chưa thể tạo nên nét đặc sắc của tác phẩm. Nhân vật Ugwu, chú bé nhà quê giúp việc (cùng với bạn bè, bà con của chú), đã đem vào tác phẩm cả một thế giới phong phú đủ mọi hương vị, màu sắc của đất nước Nigeria - từ món ăn, cây lá làm thuốc chữa bệnh nam giới cho đến những bài ca dân gian, bùa chú mê tín dị đoan... Bên cạnh Richard bất lực loay hoay không viết nổi một cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm qua hình tượng Ugwu niềm hi vọng vào một thế hệ mới của châu Phi đang vươn lên làm chủ cuộc đời mình. Nửa mặt trời vàng trở thành một tác phẩm lớn không chỉ nhờ tái hiện thành công cuộc nội chiến bi thảm, mà việc một tác giả sinh sau cuộc chiến như Adichie vẫn sáng tạo nên một tác phẩm lớn lấy chiến tranh làm bối cảnh, có thể đưa đến những gợi ý bổ ích cho những người cầm bút ở VN... Theo NGUYỄN KHẮC PHÊ - TT (*) Tiểu thuyết của Chimamanda Ngozi Adichie, Nguyễn Thị Hải Hà dịch, Công ty sách Bách Việt và NXB Lao Động |