Cho đến thời điểm này việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc Việt
phản ánh dưới hình thức các công trình văn học sử đã bị thực tế của sự phát triển lịch sử văn học bỏ xa đến hơn nửa thế kỷ. Những công trình văn học sử Việt Nam được biên soạn gần đây nhất (hai bộ giáo trình văn học Việt Nam của khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có tuổi thọ trên dưới 30 năm, và ở những công trình ấy, phạm vi nghiên cứu của các nhà lịch sử văn học đều dừng lại ở cái mốc 1945. Nghĩa là toàn bộ văn học Việt Nam trong giai đoạn 30 năm chiến tranh (1945 – 1975) rồi 25 năm hậu chiến (chỉ tính đến năm 2000 cho tiện) với tất cả những vận động và sắc thái phức tạp của nó đang chờ được mô tả, được nhận định bằng những công trình văn học sử mới. Nhưng nếu chỉ để đáp ứng yêu cầu này, thì việc biên soạn những công trình văn học sử mới ấy chỉ có ý nghĩa là viết thêm vào, viết tiếp. Điều cần hơn cả là phải viết lại và viết khác đi.
1. Khác về cách phân kỳ lịch sử văn học
Trong hầu hết (nếu không muốn nói là ở tất cả) những bộ văn học sử Việt
đã có, dễ nhận thấy rằng sự phân kỳ chủ yếu dựa trên quan điểm lịch sử – xã hội. Những mốc lớn của thông sử được mặc nhiên coi là những mốc lớn của lịch sử văn học: người ta “chặt khúc” lịch sử văn học theo những sự kiện chính trị xã hội mang tính bước ngoặt, như thể cứ hễ chính trị xã hội thay đổi là văn học cũng chuyển mình ngay lập tức. Cách phân kỳ như vậy rõ ràng là không giúp được gì nhiều cho việc nhận thức những quá trình văn học. Nó không tính đến sự tồn tại mang tính độc lập tương đối của lịch sử văn học trong quan hệ với lịch sử xã hội. Phải đo văn học bằng hệ đo lường của chính nó: quan niệm văn học và mỹ học, hệ thống chủ đề, đề tài, hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm, hệ thống thể loại, và cuối cùng là ngôn ngữ văn học. Khi nào cả năm “đại lượng quan trắc” này thay đổi, khi ấy nhà văn học sử mới có đủ cơ sở hợp lý để đặt mốc phân kỳ trên tiến trình liên tục của văn học, nếu không, sự phân kỳ sẽ chỉ là... chặt khúc ra cho gọn!
2. Khác về cách nhìn nhận các giá trị văn học
Trong nhận thức mang tính phổ quát, một bộ văn học sử luôn là một “bảng tổng sắp” của các giá trị văn chương. Dù muốn dù không, người viết văn học sử vẫn phải định vị các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm trong lịch sử văn học. Vấn đề ở chỗ: tiêu chí nào được dùng để định vị? Đọc lại các công trình văn học sử Việt Nam đã có, đặc biệt là các công trình được biên soạn tại miền Bắc sau năm 1954, dễ thấy nổi lên hai tiêu chí, là hiện thực và yêu nước. Thật ra, tiêu chí hiện thực còn tương đối rõ ràng, nhưng tiêu chí yêu nước thì xem chừng khá mù mờ. Lấy ngay một ví dụ: bộ phận tác phẩm được viết tại các đô thị bị tạm chiếm trong thời gian chiến tranh (từ 1945 đến 1954 tại Hà Nội, từ 1945 đến 1975 tại các đô thị miền Nam) cũng không ít tác phẩm có nội dung yêu nước, nhưng những khu vực văn học này lại dường như không tồn tại trong mắt các nhà văn học sử – cụ thể là các tác giả của hai bộ giáo trình văn học Việt Nam nói trên. Vì thế, để có một “bảng tổng sắp” phản ánh sát gần hơn nữa những giá trị trong lịch sử văn học dân tộc, người viết văn học sử phải biết “đa thanh hóa” các tiêu chí định vị. Yêu cầu này đòi hỏi một thái độ cởi mở và độ lượng trong việc đánh giá các giá trị văn chương. Nhưng thiết nghĩ, ở đây vẫn cần phải thêm hai yêu cầu nữa: 1/ Nhấn mạnh đến các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm trên phương diện những đóng góp thực sự của chúng vào quá trình phát triển tư duy nghệ thuật của nền văn học dân tộc; 2/ Không né tránh việc viết về những điểm dừng, những hạn chế trong các giá trị của văn học dân tộc – có như vậy, sự nhìn nhận mới có thể gọi là đầy đủ, mà đó cũng chính là biểu hiện của một cơ thể đủ khỏe mạnh, đủ năng lực để sống chung với các khiếm khuyết.
3. Khác về cách xác định tọa độ nghiên cứu văn học
Đọc các công trình văn học sử Việt đã có, dễ thấy là việc nghiên cứu văn học được đóng khung chỉ ở bản thân văn học. Và đây là nguyên nhân chủ yếu đưa đến ấn tượng rằng công việc của người viết văn học sử chỉ là khảo tả và bình tán về các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm. Để có thể nhìn ra tính chất đa diện của nền văn học dân tộc Việt Nam, cần phải đặt nó trong một tọa độ rộng lớn hơn, đặc biệt là trong quan hệ với các hệ tư tưởng chi phối sâu đậm đến đời sống tinh thần của cả xã hội (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đối với văn học Việt Nam trung đại chẳng hạn). Mặt khác, cũng rất cần có một sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà văn học sử về các mối quan hệ giữa văn học Việt với các nền văn học khác, trong khu vực và trên thế giới. Thời trung đại, cùng với văn học Nhật Bản và Triều Tiên, văn học Việt vận động trong quỹ đạo của vùng văn học chữ Hán, lấy văn học Trung Quốc làm nền văn học trung tâm. Sang thời cận đại rồi hiện đại, văn học Việt chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn học Pháp, rồi văn học Nga Xô viết. Còn hiện nay, khi thế giới đã trở nên phẳng, văn học Việt lại có nhiều điều kiện hơn nữa để nhận gió bốn phương thổi tới cùng một lúc. Trong bối cảnh như vậy, nếu nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ ở văn học Việt Nam, nếu nghiên cứu văn học Việt Nam bị cắt đứt với những nguồn mạch “quan hệ quốc tế”, thì đó sẽ là một sự nghiên cứu rất phiến diện, và tất nhiên, không tránh khỏi sẽ đi vào vết mòn mà người nghiên cứu rất muốn tránh, là khảo tả và bình tán, như nó đã từng có. Cũng tức là, để thực hiện được yêu cầu “khác đi về cách xác định tọa độ nghiên cứu văn học” trong các công trình văn học sử mới đang được chờ đợi, nhà văn học sử đồng thời phải là nhà nghiên cứu văn hóa và là nhà văn học so sánh.
Công chúng đang cần có những bộ văn học sử Việt
mới, đầy đủ hơn, khoa học hơn, giàu sức thuyết phục hơn. Vài ý kiến lạm bàn, xem như một sự quan tâm đến vấn đề thiết yếu của văn học giới nước nhà.
Theo Người đại biểu nhân dân |