Tạp chí Sông Hương -
Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc: nhạc cụ dân tộc... “lấn sân”!
14:58 | 14/09/2009
Tiếng sáo, tiếng khèn vui hội mùa xuân réo rắt, tiếng cồng chiêng nơi nguồn cội núi rừng âm vang, tiếng đàn đá, đàn tre lắc, đàn bầu... ngân vang, thánh thót, tiếng trống ghinăng, trống paranưng trầm bổng... Và, những câu hát giao duyên của liền anh liền chị quan họ đã góp làm nên những nét văn hoá đặc sắc, hấp dẫn cho hội diễn...
Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc: nhạc cụ dân tộc... “lấn sân”!
Tiết mục độc tấu đàn T'rưng của đoàn Nghệ thuật Kon Tum

Tại Liên hoan, bên cạnh những tiết mục ca múa nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng là các tiết mục hoà tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc, khai thác triệt để thế mạnh văn hoá của mỗi địa phương đã góp phần cuốn hút người xem. Tiết mục Xuân về trên bản (Tam sáo Mông của đoàn Lai Châu), Tiếng sáo Mông (của đoàn Việt Bắc), Rừng gọi (độc tấu sáo Hmông của đoàn Hà Giang)... người xem như chìm trong tiếng sáo, tiếng khèn du dương, réo rắt của những chàng trai cô gái Hmông, Mèo, Tày, Thái, Hà Nhì... tìm bạn tình trong những đêm trăng thanh, trong những mùa lễ hội. Người xem cũng không thể quên được tiếng sáo tài hoa của nghệ sĩ Kim Đal trong bản hoà tấu Vui ngày hội mùa (đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng) khi anh thổi sáo bằng... mũi. Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ, đón nhận nhiệt tình của khán giả bằng những tràng pháo tay.

Tiết mục thổi sáo bằng... mũi của đoàn Nghệ thuật Khmer (Sóc Trăng)
Có thể nói, các tiết mục độc tấu, hoà tấu bằng những nhạc cụ dân tộc đã được khán giả đón nhận một cách nồng hậu. Độc tấu đàn T’rưng Cội với cành của đoàn Nghệ thuật Kon Tum, các tiết mục hoà tấu: Âm vang sức sống đại ngàn của đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai), Âm thanh đất mẹ của đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân, Hào khí non sông của đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (Phú Yên); rồi hoà tấu nhạc cụ dân tộc Chăm Âm vang ngày mới của đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh (Bình Thuận)... với các nhạc cụ dân tộc được làm từ tre nứa – đàn T’rưng, đàn thuyền (dân tộc Khmer), sáo trúc, trống, chiêng, đàn đá, trống ghinăng, trống paranưng,... đã tạo nên những tiết mục hấp dẫn cho người xem.

Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của các loại nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của mỗi vùng miền cũng được thể hiện đậm nét, góp phần đem lại sự thành công cho hội diễn. Điển hình như tiết mục Thương nhớ bạn tình của đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Xuyên suốt chương trình là không gian văn hoá Quan họ với những liền anh liền chị, với cây đa, bến nước, sân đình, với những hội làng, đình làng, cổng làng cổ kính, là không gian văn hoá của vùng đồng bằng - trung du Bắc Bộ được tái hiện bằng công nghệ hiện đại. Có lẽ, đây là đoàn duy nhất có những đầu tư cho việc dựng cảnh bằng kỹ thuật vi tính, đem đến nét tươi mới và góp phần thành công cho chương trình và hội diễn.

                                                                                                              Theo VH

Các bài mới
Các bài đã đăng