Cách đây khá lâu, từ Đà Nẵng nhạc sĩ Trần Quế Sơn gửi e-mail cho người viết, có đoạn: “Thầy tôi là Nguyễn Văn Nam, ông viết nhiều giao hưởng. Giao hưởng của ông tầm cỡ thế giới, đã được dàn nhạc Léningrad biểu diễn. Ông sống một mình trên lầu 8 chung cư Nguyễn Thái Bình. Tự tay đi chợ, nấu ăn bữa được bữa không. Đài truyền hình VN VTV3 cảm thông sự khó nhọc, đơn độc của ông nên đã làm một phim thời sự giới thiệu. Nhưng rồi có mấy ai quan tâm đến ông đâu, và ông cứ âm thầm viết giao hưởng cho đời...”.
Cám cảnh với những dòng trên, người viết đã đi tìm vị GS - TS - nhạc sĩ này. Ông đã chuyển về chung cư 319 Lý Thường Kiệt, Q.11. Dáng người gầy gò, mảnh khảnh nhưng rất nhiệt tình đón khách, vị GS-TS 74 tuổi kể: “Tôi là một nhạc sĩ có đời sống vật chất rất nghèo mà giới âm nhạc cả nước ai cũng biết. Khi còn ở căn hộ trên lầu 8 chung cư Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM), tuổi cao sức yếu nhưng nhiều ngày tôi phải leo cầu thang (lầu 8) đến 4 lượt do dạy ngày 2 buổi. Rất may nhờ báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng phản ảnh nên lãnh đạo thành phố đã cấp cho tôi một chỗ ở khác được xem là thuận tiện hơn (tầng trệt của lô B2)”.
Về chung cư mới tưởng rằng ông sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng có đến thăm ông ở căn hộ 40 mét vuông mới thấy ông càng “khổ sở” vì phải sống giữa một môi trường hết sức phức tạp. Trước cửa nhà gần như là bến bãi của xe tải, xe khách, taxi... “Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng ầm ĩ. Tiếng xe máy ra vào liên tục, rồi thỉnh thoảng lại những màn ẩu đả...”, ông cho biết.
Vậy mà ở căn hộ này, mỗi ngày tất cả các sinh viên chuyên ngành sáng tác (đại học và cao học) của Nhạc viện TP.HCM đều đến đây thụ giáo thầy Nam. “Vì thấy tôi tuổi cao, sức yếu nên Ban giám đốc nhạc viện đặc cách cho tôi dạy tại nhà, khỏi đến trường”, ông giãi bày. Được biết, đây cũng là nơi người nhạc sĩ tài hoa này sáng tác mỗi đêm (đang viết Giao hưởng số 9). Tôi hỏi ông: Giữa môi trường đầy những âm thanh nhiễu loạn như thế, làm sao thầy dạy học và sáng tác được?”. Ông chỉ cười buồn: “Nhiều đồng nghiệp hay buông lời: Chúc thầy sống lâu trăm tuổi. Thầy mà ra đi thì chưa có người thay thế... Nghe mà lòng tôi nhói đau. Ai mà chẳng ham sống, nhưng sống như thế này thì những người lương thiện như chúng tôi phải làm sao đây?”.
Nghe ông nói mà tôi thật sự xúc động. Bởi tôi biết là nhiều tác phẩm của ông đã ra đời từ căn hộ nhỏ bé và ồn ào này. Và những tác phẩm đó đã vang lên trong nhiều chương trình biểu diễn ở Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Ba Lan... Còn học trò của thầy Nguyễn Văn Nam trải qua nhiều thế hệ, họ không chỉ là những nhà nghiên cứu âm nhạc nước ngoài, những nhạc sĩ tên tuổi ở thể loại nhạc hàn lâm mà còn cả một đội ngũ giảng viên đang dạy chuyên ngành sáng tác của Nhạc viện TP.HCM. Hiện người thầy trên 70 tuổi còm cõi này vẫn đang lao động và cống hiến. Ông chỉ mơ ước có một nơi đàng hoàng hơn, yên tĩnh hơn để mà được sáng tác, được dạy học trò và được sống cho những năm cuối đời còn lại...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1936 tại Vĩnh Kim (Tiền Giang). Năm 10 tuổi, Nguyễn Văn Nam đi theo cách mạng thuộc Tổ Quân nhạc Khu 8, rồi Đoàn văn công Đồng Tháp Mười. Năm 1954 tập kết ra Bắc, nhưng chỉ một thời gian sau Nguyễn Văn Nam phải giải ngũ với diện thương binh nặng sau 3 lần mổ dạ dày. Trở về từ cõi chết, Nguyễn Văn Nam lao vào học tập và đã trúng tuyển vào trường Âm nhạc VN (1959). 4 năm sau, ông tốt nghiệp hạng xuất sắc và được tuyển thẳng vào hệ đại học âm nhạc. Năm 1966, Nguyễn Văn Nam được cử sang Liên Xô tu nghiệp tại Nhạc viện Léningrad. Ông tốt nghiệp hạng xuất sắc với bản Giao hưởng số 1 - Tặng đồng bào miền Nam anh dũng (1972). Về nước chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Văn Nam đã hoàn thành Giao hưởng số 2 - Uống nước nhớ nguồn. Năm 1974, ông lại được cử sang Nhạc viện Léningrad học và bảo vệ thành công học vị tiến sĩ ngành sáng tác. Năm 1981, ông nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc...
|
Theo Hà Đình Nguyên - TN
|