Tạp chí Sông Hương -
Đặc sắc văn hoá vùng miền
09:17 | 16/09/2009
Mặc cho mưa gió thất thường, khán giả thành phố biển vẫn đầy ắp sân khấu Nhà Văn hoá trung tâm Nha Trang. Trên nền văn hoá dân gian, chú tâm khai thác "bầu sữa" nghệ thuật truyền thống, những tiết mục xuất sắc nhất của hội diễn lần này là sự tỏa sáng tinh hoa văn hoá nghệ thuật của 3 miền đất nước.
Đặc sắc văn hoá vùng miền
Các liền chị Đoàn quan họ Bắc Ninh xinh đẹp, rạng rỡ sau đêm diễn. Ảnh: B.C

Dự hội diễn có 1.540 nghệ sĩ, diễn viên của 29 đoàn với 316 chương trình, tác phẩm, tiết, mục...

"Tiếng vọng núi rừng" là chủ đề tư tưởng xuyên suốt chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Sau đêm diễn mượt mà và đầy ấn tượng của các diễn viên đến từ núi rừng Việt Bắc, khán giả thành phố biển đặc biệt quan tâm theo dõi những chương trình thể hiện bản sắc văn hoá vùng miền như "Âm vang đại ngàn" của Đoàn nghệ thuật Đam San-Gia Lai, "Hương sắc Hà Giang" của Đoàn nghệ thuật Hà Giang, "Những sắc màu quê hương" của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận, "Thương nhớ bạn tình" của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, "Sức sống quê hương" của Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng...

Và, dân chúng cùng du khách xôn xao chờ xem chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - TP.Hồ Chí Minh.

Các đoàn nghệ thuật ở Tây Nguyên như Kon Tum, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách do nguồn tài chính eo hẹp, điều kiện tập luyện thiếu thốn, đội ngũ diễn viên chậm được bổ sung... để tề tựu đông đủ trên sân khấu hội diễn.

Tiếng chiêng, trống bập bùng... nhập vào lời hát khan, câu gọi hồn... tạo nên âm hưởng riêng của Tây Nguyên hùng vĩ. Chương trình biểu diễn của Đoàn Đam San - Gia Lai được đánh giá cao hơn cả bởi sự dàn dựng công phu, phong cách biểu hiện tinh tế, chuyên nghiệp và giàn diễn viên nhiệt tình... bốc lửa!

Văn hoá biển đã được các đoàn nghệ thuật vùng duyên hải miền Trung chú ý khai thác. Xem chương trình của các đoàn ở khu vực miền Trung, ai cũng thiết tha với biển xanh-cát trắng-nắng vàng, nhưng giá mà có sự ảnh hưởng và cộng hưởng sâu hơn thì "dấu ấn" biển sẽ hoành tráng, sâu lắng hơn. Còn Đoàn ca múa nhạc Hương Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế trình làng chương trình mang sắc thái riêng "Tiếng sông Hương".

Nhiều khán giả trong nghề thốt lên rằng, chỉ người Huế mới có thể đặc tả và diễn tả đúng chất Huế sâu xa như vậy. Tiết mục của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TPHCM) được đặc biệt chú ý. Lấy chủ đề "Nhớ nguồn" với 11 tiết mục chọn lọc, các nghệ sĩ đã làm nên một chương trình lớn, trong đó tác phẩm "Tiếng đàn trên sông" của nghệ sĩ ưu tú Trần Chính là điểm sáng - rất sáng... của đoàn Bông Sen.

Khi tấm màn nhung hội diễn sắp khép lại, đêm 15.9 chương trình hội diễn bế mạc, nghệ sĩ nhân dân Chu Thuý Quỳnh - thành viên ban giám khảo - nhận xét: "Tất cả các đoàn đều hướng về cội nguồn, khai thác văn hoá dân gian, chắt lọc tinh hoa của dân tộc để phát triển thành tài sản riêng, tràn đầy sức sống mới với phong cách hiện đại".

Tối 15.9, hội diễn đã bế mạc. BTC đã trao tặng 8 HCV, 7 HCB cho 15 chương trình xuất sắc, 62 HCV, 63 HCB cho 125 tiết mục xuất sắc và 23 giải thưởng dành cho đạo diễn, biên đạo, chỉ huy dàn nhạc, diễn viên... xuất sắc.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ múa VN tặng giải thưởng cho 15 đoàn có nhiều tiết mục sáng tạo, thành công. Hội Nhạc sĩ VN tặng giải thưởng cho 5 tập thể, 1 cá nhân. Trường CĐ Múa VN, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả và một số nhà tài trợ cũng đã tặng giải thưởng cho 126 đơn vị, cá nhân có nhiều nỗ lực và thành tích cao tại hội diễn.

Theo Bảo Chân - LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng