Tạp chí Sông Hương -
'Vùng nhạy cảm' hay những người làm nghệ thuật yếu bóng vía
08:36 | 17/09/2009
"Người làm nghệ thuật của ta nói chung cũng tương đối yếu bóng vía. Thấy cái gì “lợi bất cập hại” là “lủi” mất… Dần dần, không ai bảo ai, người nào cũng có một biên tập viên đầy cảnh giác nằm sẵn trong đầu." Xin giới thiệu ý kiến của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần tham gia diễn đàn "Vì sao văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?
'Vùng nhạy cảm' hay những người làm nghệ thuật yếu bóng vía
Cảnh trong phim "Ma làng"

“Vùng nhạy cảm”

Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta có không ít những văn nghệ sĩ (VNS) khao khát dùng tác phẩm của mình đối mặt với những vấn đề bức xúc của xã hội. Song họ rất dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp” khi đụng phải những “vùng nhạy cảm” của hiện thực cuộc sống. Thật buồn là ở ta bây giờ vẫn còn hay dùng khái niệm “nhạy cảm” quá, mặc dù thật khó biết được thế nào là “nhạy cảm”, thế nào là không “nhạy cảm”.

Người sáng tác “gặp tai nạn” nhiều khi không phải vì họ nói sai hoặc vi phạm luật (Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh đều đã có cả rồi đấy) mà vì họ nói quá sớm, chưa đúng thời điểm (dù là nói đúng). Chẳng hạn, ở thập kỷ 80, anh nào dám ca ngợi “khoán chui”, trước năm 2000 anh nào dám xây dựng nhân vật quan chức tham nhũng… đều là đụng vào vùng “nhạy cảm” cả, vì lúc đó Nhà nước chưa có chủ trương, nghĩa là chưa khẳng định những vấn đề anh ta nói, làm là đúng mà sao dám “cầm đèn chạy trước ô tô”!

Thế rồi, chỉ vài năm sau, khi khoán nông nghiệp được xác nhận là đúng, một bộ phận quan chức tham nhũng là có thật… anh nói theo thì được (tuy nhiên cũng phải cẩn thận không lại thành nói leo, nói “phạm” thì lại gay go đấy). Nhiều lần như vậy, những văn nghệ sỹ “khôn ngoan” đã rút kinh nghiệm, chỉ nên đụng vào những “vấn đề nóng bỏng” nhưng… đã được khẳng định, hoặc “nóng bỏng” đối với một nhóm đối tượng xã hội nào đó chứ không còn xông xáo tìm ra những vấn đề mới ẩn sâu trong hiện thực nữa. Như thế sẽ “an toàn” hơn!

Người làm nghệ thuật của ta nói chung cũng tương đối yếu bóng vía. Thấy cái gì “lợi bất cập hại” là “lủi” mất… Dần dần, không ai bảo ai, người nào cũng có một biên tập viên đầy cảnh giác nằm sẵn trong đầu. Vừa nghĩ ra cái gì mới, VNS lại hỏi "biên tập viên" xem vấn đề này đã được nghĩ, được nói chưa? Có vi phạm điều gì không? Rồi tự kiểm duyệt, cắt xén, bỏ bớt từng câu, từng phần, hoặc toàn bộ điều mình nghĩ (đáng lẽ những việc như thế này phải dựa vào luật để đối chiếu và quyết định, thế nhưng đọc “những điều cấm” trong mấy văn bản luật, sao thấy cứ chung chung, bao quát thế nào ấy, khó áp dụng vào cái mình nghĩ, mình viết quá).

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần.

Người sáng tác lại đành nhờ cậy biên tập viên trong đầu mình lo giúp vậy. Cứ như thế, lâu rồi, tay biên tập viên trong đầu tương đối lộng hành và hắn nghĩ ra cách đỡ phiền hà nhất để xui người nghệ sĩ: Tránh những vấn đề lớn, tìm những đề tài không ảnh hưởng, không “động chạm” đến ai! Làm như vậy có khi còn nhanh được ra sách, ra phim và lại còn “được” nhiều thứ nữa chứ…

Từ những lẽ ấy, vô hình trung, VNS quả thực đã từng và rất dễ “im hơi lặng tiếng” trước những vấn đề lớn cần quan tâm của xã hội!

Cần hiểu thế nào là vấn đề của thời đại và dân tộc hôm nay

Ngày trước bác Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu ký” toàn nhắc đến các con vật cả nhưng chắc chắn không phải để nói về loài dế, muồm muỗm, bọ ngựa... Bây giờ văn học nghệ thuật nói nhiều về tuổi mới lớn (teen), nhiều tác phẩm chọn đề tài đô thị, nhà giàu và những mỗi tình rắc rối… Ai bảo đó không phải là những vấn đề xã hội? Ai bảo là không nóng bỏng? Tôi cho rằng, có thể tìm thấy những vấn đề lớn của thời đại và xã hội trong những mẩu hiện thực nhỏ bé ấy.

Xã hội thị trường, quá trình phát triển mọi mặt đã và đang tạo ra nhiều xu hướng tư duy khác nhau. Người dân được (hoặc bị) chia thành nhiều tầng lớp, nhiều nhóm, cộng đồng khác nhau do những chênh lệch về mức sống, mức thu nhập, tri thức, nghề nghiệp, quyền lợi, lối sống.Vì thế, những “vấn đề” của thời đại cũng thực sự rất đa dạng và nhiều khi có tính chất “chuyên biệt” đối với một tầng lớp công chúng nhất định trong xã hội.

Trình độ thưởng thức nghệ thuật và gu thẩm mỹ của công chúng ngày càng phức tạp, nhiều chiều. Đối tượng đón nhận tác phẩm của văn nghệ sĩ cũng được đa dạng hóa. Công chúng “thời đại mới” không quá giống nhau, không dễ đồng nhất về nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật như thời kháng chiến chống Mỹ hay thời bao cấp nữa.

Những phim về đề tài nông thôn của tôi chẳng hạn, số người quan tâm, đón xem, bàn luận chắc phần lớn là nông dân, là những người đang sống ở nông thôn hoặc quan tâm đến nông thôn. Những thành phần xã hội này đón nhận tác phẩm vì chúng tôi đã đụng đến những “vấn đề nóng bỏng của xã hội” của họ, bởi họ đang có nhiều bức xúc, ước muốn được giải tỏa (ít nhất là về tinh thần) với những chuyện tương tự như vậy vẫn đang xảy ra trong đời sống hàng ngày.

Nhưng nhiều người thuộc các thành phần xã hội khác chưa chắc đã quan tâm. Ấy vậy mà hình như tôi cũng bị đụng đến vùng “nhạy cảm” đấy! Bộ phim “Ma làng” sau khi được một số giải vàng, bạc tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc và Cánh diều của Hội Điện ảnh được chiếu lại trên VTV4 cho đồ̀ng bào ta ở nước ngoài xem… Thế nhưng chỉ chiếu đến tập 14 (trên tổng số 19 tập) thì đột ngột dừng phát sóng mà chẳng ai giải thích tại sao.

Khi lớp trẻ lên tiếng

Hiện trong giới VNS nước ta vẫn đang còn cả những lớp người vào nghề từ trong thời kỳ chiến tranh, bao cấp (gọi chung là lớp già) và rất nhiều nghệ sĩ trẻ sinh ra, lớn lên, bước vào sáng tác trong giai đoạn đất nước đổi mới và phát triển (lớp trẻ). Những thế hệ nối tiếp nhau chưa chắc đã hiểu hết về nhau. Người trẻ chê người già lẩn thẩn, ngược lại người già lo lắng những VNS trẻ liệu có gánh vác nổi sự nghiệp VH-NT của đất nước không? 

Trong thực tế, lớp trẻ vừa đông đảo vừa vô tư đang hồn nhiên xốc tới như thể họ không muốn ngoái lại nhìn quá khứ. Họ cũng không lý sự nhiều về hướng phát triển tương lai của nghệ thuật hoặc bàn luận xem có nên đi vào vấn đề “nóng” hay “nguội”. Họ tìm ra lối đi riêng kết hợp giữa giải trí và nghệ thuật, vừa thu hút được người đọc, người xem lại nói được những vấn đề mà họ cho là “nóng” với một đối tượng xã hội nào đó.

Riêng ở mảng điện ảnh - truyền hình, những nhà làm phim trẻ đã nhiều lần tạo ra sự sôi động ít nhất là với giới trẻ bằng những bộ phim chiếu trong mùa phim Tết hàng năm hoặc trên màn ảnh nhỏ của các đài truyền hình. Những bộ phim của Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Ngô Quang Hải như cái gạch nối giữa phim thời trước với hiện tại (vì họ cũng không còn quá trẻ).

Còn các đạo diễn thật trẻ ở phía Nam như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng lại đang tìm kiếm hướng đi riêng cho mình bằng cách sử dụng lợi thế về công nghệ nghe nhìn hiện đại để tạo ra một dòng phim điện ảnh - truyền hình trẻ trung, có khả năng cuốn hút giới trẻ (“Nụ hôn thần chết”, “Bỗng dưng muốn khóc” chẳng hạn).

Gần đây, trong giới làm phim đã xuất hiện những “nhà điện ảnh độc lập” với các tác phẩm có nhiều nét độc đáo, thú vị và được đánh giá cao. Bộ phim “Giấc mơ làm công nhân” của một nhà làm phim nữ thuộc thế hệ 8x (Trần Phương Thảo) nhận được giải thưởng lớn tại một liên hoan phim tài liệu quốc tế là một thí dụ.

Tôi hiểu rằng không thể áp dụng những chuẩn mực ngày trước đối với sáng tạo của “lớp trẻ”. Văn học - nghệ thuật sẽ tìm ra những hướng đi mới và tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn, sẽ không giống như những gì “lớp già” đã làm, ngay cả những quan niệm về vai trò, chức năng của nghệ thuật cũng không hoàn toàn giống với quan niệm của thời đã qua.

                                                                                                   Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng