Tạp chí Sông Hương -
Phim truyền hình dài tập 'made by VN': bún gạo có thay thế kim chi?
09:11 | 17/09/2009
Muốn người Việt quay về với bún gạo thay vì phải liên tục “nghiền” mỳ spaghetti, kim chi… hãng Phước Sang bắt tay thực hiện Đại gia đình dài trăm tập. Nếu thành công, đây sẽ là bộ phim truyền hình dài tập nhất từ trước đến nay mà từ biên kịch, đạo diễn và sản xuất đều dán nhãn “made by Việt ”.
Phim truyền hình dài tập 'made by VN': bún gạo có thay thế kim chi?
Chi Bảo vào vai chính trong phim Đại gia đình. Ảnh: Hãng phim Phước Sang cung cấp

Muốn người Việt quay về với bún gạo

Trong thời gian qua, khán giả màn ảnh nhỏ liên tiếp được xem những bộ phim trên dưới trăm tập, từ Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ và hiện VTV3 đang trình chiếu Cô nàng bất đắc dĩ. Tuy nhiên, các bộ phim dài hơi đó đều có kịch bản ngoại nhập.

Đại gia đình hãng phim Phước Sang đang bấm máy là bộ phim dài tập đầu tiên có kịch bản do người Việt đảm trách. Đạo diễn Phước Sang cho rằng, anh ủng hộ những kịch bản Việt hóa, nhưng anh cũng nhận thấy rõ, mỳ spaghetti dù chế biến ở Việt Nam cũng không thể trở thành bún gạo. Và quyết định sản xuất Đại gia đình của hãng phim xuất phát từ mong muốn, để người Việt được thưởng thức món bún gạo thuần chất, đậm đà.

Tự tin Đại gia đình mang hơi thở, tâm tư của người Việt và có cốt truyện đủ hấp dẫn, Phước Sang đã mời dàn sao (20 tên tuổi nổi tiếng) hùng hậu xông pha “trận chiến” mà anh cầm chắc phần thắng.

Ông chủ Phước Sang cho rằng, xã hội Việt thời hội nhập có rất nhiều câu chuyện đáng được kể lại, có rất nhiều vấn đề cần được nêu lên để chúng ta cùng ngồi lại suy ngẫm. Những vấn đề đó dư sức để có thể xây dựng thành bộ phim vài trăm tập.
Tự tin khi so sánh với những bộ phim dài hơi Việt hóa, đạo diễn Trần Quang Đại chắc chắn, Đại gia đình với những câu chuyện xung quanh sinh hoạt thường ngày của người Việt, khiến ai ai cũng cảm thấy gần gũi.

Ví công việc làm phim truyền hình dài tập giống như công việc người thuyết trình, người thuyết trình tốt, nói hàng giờ vẫn có người nghe, người thuyết trình dở khiến người nghe chóng chán. “Nắm được tâm lý đó, chúng tôi cẩn thận khi xây dựng từng chi tiết cho Đại gia đình, tránh cho người thuyết trình nói dở”, đạo diễn Quang Đại nói.

Đừng mong thắng ngay.

Tuy nhiên, đạo diễn Đại gia đình cũng cho rằng, xử lý một phim truyền hình dài tập từ kịch bản của người Việt khó hơn đối với kịch bản nước ngoài. Trần Quang Đại thừa nhận, chúng ta chưa có kinh nghiệm xây dựng một kịch bản dài hơi.

Thêm vào đó, nguyên tắc xây dựng kịch bản cho mỗi tập phim theo kết cấu ai trong nghề cũng biết, nhưng xử lý đạt tính hiệu quả cao lại do khả năng của mỗi người.

Vì thế, kịch bản Đại gia đình sẽ tuân thủ nguyên tắc là một câu chuyện nối dài, qua đó số phận mỗi nhân vật sẽ là chìa khóa để thu hút khán giả, nhưng mỗi tập phim cũng sẽ giải quyết một câu chuyện nhỏ trong tổng thể câu chuyện lớn mà bộ phim đề cập.

Cũng theo Trần Quang Đại, nếu dựng phim từ kịch bản Việt hóa, có thể không phải lo phần kết cấu nhưng lại thường gặp trở ngại trong khâu chuyển tải hàm lượng văn hóa cho phù hợp với người Việt. Phim do người Việt lấy chất liệu từ đời sống chính mình viết ra, gặp thuận lợi hơn ở điểm này.

Biên kịch Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam cho rằng, công việc Việt hóa chỉ là bước đệm thôi thúc các biên kịch trong nước nghĩ đến việc sẽ viết những kịch bản dài hơi. Vì thế, bà Linh đánh giá việc sản xuất một phim truyền hình dài tập "made by Việt " toàn tập là dấu hiệu đáng mừng.
 
Vì thế, có thể coi việc cho phép trình chiếu hàng loạt phim truyền hình được Việt hóa thời gian qua của nhà đài, ngoài việc “lấp sóng” còn có mục đích, giúp các nhà làm phim chuyên nghiệp học hỏi cách xây dựng kịch bản dài hơi. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất một bộ phim dài hơi cũng đòi hỏi có ekip chuyên nghiệp. Làm từng bước chúng ta sẽ tiến đến sự chuyên nghiệp, bà Linh nói.

Tuy nhiên, từ thành công của Cô gái xấu xí song song với thất bại nhãn tiền của Những người độc thân vui vẻ, biên kịch Thùy Linh cũng nhận thấy, “phim dài tập, nếu muốn thắng phải có át chủ bài”. Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lại nêu tầm quan trọng của người kể chuyện “người kể chuyện nhất định phải có duyên”, ông nói.

Biên kịch Phạm Ngọc Tiến, dù thành công với hàng loạt phim truyền hình Việt với những Ma làng, Gió làng Kình nhưng lại thất bại khi Việt hóa Những người độc thân vui vẻ. Qua kinh nghiệp xương máu ấy, vị biên kịch này rút ra kết luận: “nếu không làm sẽ không bao giờ biết mình đúng hay sai”, vì thế “cần phải bắt đầu” và đừng mong thắng vội.

Đại gia đình là câu chuyện xoay quanh gia đình nhà doanh nghiệp Trần Thế Lộc. Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc ở miền quê, ngay từ nhỏ ông Lộc đã xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Thời trẻ ông yêu Mai rồi có con, muốn tiến tới hôn nhân nhưng không được gia đình chấp thuận. Bị gia đình ép lên Sài Gòn lập nghiệp, nỗ lực cố gắng cuối cùng trở thành giám đốc của công ty CPXD&KD địa ốc Hưng Lộc.

Lấy vợ mới và sinh được 6 người con nhưng mỗi người một số phận khác nhau, chưa kể đứa con rơi của ông. Trên thị trường, ông Lộc phải đương đầu với những thế lực canh tranh đầy mưu toan, thì trong gia đình, ông càng bị điên đầu vì những xáo trộn trong cuộc sống.
Phim do nhà văn Trần Ngọc Linh viết kịch bản cách đây 10 năm, được Hãng Phước Sang phù phép cho ra tinh thần của đời sống hiện tại. Trần Quang Đại là đạo diễn. Phim có sự tham gia của “dàn sao”: Chi Bảo, Quyền Linh, Phước Sang, Kim Thư, Hà Kiều Anh, Thanh Thúy, Ngọc Trinh…

Phim khởi quay cuối tháng 8. Dự tính sẽ quay trong 8 tháng. Phim sẽ phát sóng trên kênh VTV1 Đài TH Việt khoảng tháng 10/2009.
 
                                                                                                                    Theo ĐV

Các bài mới
Các bài đã đăng