Tạp chí Sông Hương -
Cửa đã rộng mở chờ khai hội
16:04 | 18/09/2009
Ngày 16.9.2009, tại TP.HCM, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT&DL), Sở VH, TT&DL TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố tổ chức “Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc” năm 2009 diễn ra từ ngày 26.9 -7.10.2009 tại TP.HCM.
Cửa đã rộng mở chờ khai hội
Một cảnh trong vở "Ngàn năm tình sử" của Sân khấu kịch Idecaf)

Có nhiều điểm mới

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức, Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc lần này có nhiều điểm mới so với các hội diễn lần trước. Đầu tiên phải kể đến địa điểm tổ chức. Hội diễn lần này được tổ chức tại TP.HCM sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho sự thành công của hội diễn vì đây là nơi có dân số đông nhất nước và cũng là nơi có đời sống sân khấu sôi động, với nhiều đơn vị sân khấu làm theo mô hình xã hội hóa hiệu quả. Hơn nữa, việc tổ chức ở đây đã thu hút sự tham gia của các đơn vị tại chỗ mà hội diễn lần trước không tham gia được vì địa điểm tổ chức quá xa, kinh phí tự túc nên có sự cân nhắc. Song song với yếu tố thuận lợi về địa điểm, mục đích của hội diễn lần này cũng khác. Ngoài mục đích là đợt tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động trong 5 năm qua và xây dựng định hướng phát triển cho những năm tiếp theo đối với các đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, đây còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, và là một hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cùng các ngày lễ trọng đại của dân tộc trong năm 2009 – 2010.

Điều chỉnh theo hướng “mở”

Hội diễn của nhiều cái nhất: 5 năm được tổ chức một lần, hội diễn lần này có nhiều cái nhất: Là hội diễn có thời gian kéo dài nhất trong số các hội diễn đã được tổ chức trước đây; được tổ chức tại TP đông dân nhất và là nơi được xem là có đời sống sân khấu kịch sôi động nhất nước. Song, điều được nhiều người mong đợi nhất chính là lời khẳng định của Ban tổ chức về quyết tâm vươn đến một hội diễn công bằng không phân biệt đơn vị sân khấu kịch nói công – tư, tác giả, đạo diễn, diễn viên già –trẻ tham gia hội diễn.

Cũng theo ông Chương, trong quá trình chuẩn bị cho hội diễn, quy chế cũng đã được điều chỉnh trên tinh thần tiếp thu những kiến nghị từ Hội Sân khấu chuyên ngành và từ phía các đơn vị sân khấu kịch nói. Cụ thể so với quy chế ban đầu, Ban tổ chức đã điều chỉnh như: mỗi đơn vị nghệ thuật chỉ được tham gia 1 vở diễn có độ dài tối đa không quá 120 phút, đã nâng lên số lượng tối đa 2 vở/đơn vị nghệ thuật để tránh thiệt thòi cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị mới sáp nhập như Hà Nội – Hà Tây và các đơn vị xã hội hóa. Một điều chỉnh theo hướng “mở” sau khi nghe sự góp ý bằng văn bản của Hội Sân khấu VN, Hội Sân khấu TP.HCM, quy định khống chế thời lượng vở diễn cũng đã được ban tổ chức xem xét điều chỉnh theo hướng cho phép các đơn vị có vở diễn thời lượng trên 120 phút được tham gia, vì xét thấy đây cũng là dịp không để lỡ sự góp mặt của một số đơn vị, đạo diễn, diễn viên có nhiều tâm huyết với sân khấu kịch nói, nhất là tạo cơ hội cho các diễn viên tự do không nằm trong biên chế được tham gia hội diễn phô diễn tài năng, tranh tài, giành huy chương khẳng định nghề nghiệp của mình. Với sự thay đổi tích cực này đã mở ra cơ hội cho hai đơn vị sân khấu kịch xã hội hóa mạnh và gặt hái được nhiều thành công tại TP.HCM là Idecaf với hai vở Ngàn năm tình sử và Hợp đồng mãnh thú và Sân khấu Kịch Phú Nhuận với vở mới công diễn là Nỏ thần, Mẹ và người tình tham gia thi tài. Như vậy, cho đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp cả nước đều đã có mặt để tranh tài với tổng cộng 19 đơn vị tham gia với 27 vở, trong đó có 8 đơn vị đến từ các sân khấu xã hội hóa. Duy nhất chỉ có Đoàn Kịch nói tỉnh Phú Thọ do không có kịch bản để dựng nên đã lỗi hẹn không tham gia hội diễn lần này.

Sẽ không có chuyện... “mưa huy chương”

Về cơ cấu giải thưởng, ông Chương cho biết sẽ không có chuyện “mưa huy chương” theo kiểu các đơn vị cứ có vở đi thi là... đoạt giải. Mà theo đó, cơ cấu giải thưởng lần này đã có sự thay đổi, tổng số vở được trao giải phải không quá 30% số lượng vở dự hội diễn. Riêng về thành phần quan trọng nhất có nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” là Hội đồng giám khảo, cho đến thời điểm này, Ban tổ chức vẫn chưa công bố chính thức vị nào sẽ tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, danh sách khoảng 40 người được đề cử đã được Ban tổ chức sau khi quá trình tham khảo ý kiến của hội chuyên ngành sẽ rút lại danh sách trình lên Ban chỉ đạo Hội diễn. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, việc giữ kín tên tuổi các vị nằm trong ban giám khảo nhằm để cố gắng vươn tới sự công bằng, tránh những tiêu cực xảy ra trước thời điểm hội diễn khai mạc. Riêng thành phần tham gia ban giám khảo, cũng sẽ không có chuyện những “cây đa cây đề” sẽ được ngồi vào ghế giám khảo mà sẽ có sự tham gia của các tác giả và đạo diễn trẻ. Riêng các tác giả và đạo diễn có hai vở tham gia hội diễn trở lên sẽ không được ngồi vào ghế giám khảo.

Với những điều chỉnh quy chế theo hướng tránh thiệt thòi cho tác giả, đạo diễn, đơn vị sân khấu, diễn viên và những quy định mới về cơ cấu giải thưởng, thành phần ban giám khảo... hội diễn lần này được ban tổ chức khẳng định sẽ quyết tâm hướng đến một hội diễn công bằng không phân biệt đơn vị sân khấu kịch nói công – tư, tác giả, đạo diễn, diễn viên già – trẻ tham gia hội diễn.

Nhà hát Cải lương Việt Nam khởi công hai vở diễn mới

Chuẩn bị Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối năm 2009, sau một thời gian tìm kiếm, chọn lựa kịch bản, mới đây Nhà hát Cải lương VN đã quyết định dàn dựng 2 vở mới: Đế đô sóng cả (tác giả và đạo diễn Triệu Trung Kiên), Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai). Vở Đế đô sóng cả phản ánh giai đoạn lịch sử ở thời Đinh, gắn liền với hình tượng nhân vật Đinh Bộ Lĩnh, Dương Vân Nga, Lê Hoàn. Vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long lại phản ánh số phận nhân vật anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Nguyễn Khánh

                                                                                                              Theo VH

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng