Tạp chí Sông Hương -
Trần Huy Minh: 'Truyện cổ Việt ấp ủ hồn dân tộc'
16:10 | 21/09/2009
Nghe, hiểu tiếng Việt chút ít, có thể say sưa kể truyện cổ tích bằng chất giọng 'rặt' Pháp nhỏ nhẹ và tinh tế, nhà văn gốc Việt Trần Huy Minh chia sẻ chuyện văn chương trong lần về nước.
Trần Huy Minh: 'Truyện cổ Việt ấp ủ hồn dân tộc'
Nhà văn Pháp gốc Việt Trần Huy Minh

- Trong những tác phẩm xuất bản tại Pháp của chị như 'Hồ xuất hiện trong một đêm và những truyền thuyết khác của Việt Nam', 'Cuộc sống đúp của Anna Song' và 'Công chúa và chàng đánh cá'... đều luôn phảng phất hình bóng truyện cổ tích, truyền thuyết và thần thoại Việt Nam. Vì sao thế?

- Tôi tuy sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng từ khi bé xíu ba mẹ tôi đã mua cho tôi nhiều truyện cổ tích Việt Nam, song ngữ Pháp - Việt và bà nội là cũng rất hay kể cho tôi nghe nhiều như Tấm Cám, Thạch Sanh, Trầu cau, Sơn Tinh - Thủy Tinh... Có lẽ vì thế, ngay từ nhỏ, thế giới kỳ ảo ấy đã ăn sâu vào đầu tôi.

Với tôi, truyện cổ tích Việt Nam là cây cầu bắc ngang giúp tôi quay trở về với nguồn cội của mình. Những truyện như Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Ăn khế trả vàng, Hòn vọng phu, Dã tràng xe cát, Bánh chưng bánh dày, Sự tích hồ Hoàn Kiếm... không chỉ giúp tôi biết về địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, phong tục tập quán Việt Nam mà còn cảm nhận được một tâm hồn Việt Nam rất riêng. Nhiều bạn bè tôi tại Pháp khi được tôi giới thiệu tìm đọc truyện cổ Việt Nam cũng rất thích thú, họ nhận thấy trong đó bản sắc đặc trưng của một quốc gia nhưng đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

- Chị sử dụng các yếu tố của cổ tích, truyền thuyết và thần thoại Việt vào tác phẩm của mình như thế nào?

- Những truyện cổ tích Việt mà tôi được nghe kể và đọc qua đều mang những bài học về tình bạn, tình yêu, cách học làm người không bao giờ xưa cũ. Ngay cả trong những câu chuyện mang yếu tố kỳ ảo và đậm chất tưởng tượng như thế, người đọc vẫn tìm thấy được những điều rất đời và rất thực. Chính điều này đã hấp dẫn tôi, khiến tôi đan xen cổ tích vào các tác phẩm của mình theo kỹ thuật "truyện trong truyện".

Yếu tố cổ tích xuất hiện trong tiểu thuyết của tôi với hai mục đích. Thứ nhất, đó là một cách tìm về, một cách gợi nhắc bản sắc và nguồn cội Việt trong tôi. Thứ hai, "cổ tích" còn là phương thức để các nhân vật của tôi có thể trò chuyện với nhau hoặc giãi bày những suy nghĩ, trong trường hợp tự thân họ không thể trực tiếp nói với nhau hoặc nói thẳng ra điều mình cảm nhận.

Trong lần về nước này, Trần Minh Huy giới thiệu cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp của cô "Cuộc đời hai mặt của Anna Song".

- Là phó tổng biên tập của tạp chí Văn học Pháp (Magazine Littéraire), một tạp chí ra hàng tháng chuyên về văn học và triết học, chị từng giới thiệu gì về văn học Việt Nam?

- Trên tạp chí Văn học Pháp, tôi chưa giới thiệu những chuyên đề lớn về văn học Việt Nam, tôi chỉ thỉnh thoảng viết vài bài ngắn, như điểm sách. Tôi từng viết bài về nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh là một trong những nhà văn mà tôi yêu thích. Cách ông viết về tuổi trẻ, tình yêu, những kỳ vọng, thất vọng và sau đó là sự mất mát rất hấp dẫn người đọc.

- Vậy chị có ý định giới thiệu các cây bút trẻ Việt Nam trên tạp chí mà mình phụ trách?

- Tôi đọc rất ít truyện của các cây bút trẻ Việt Nam. Chỉ gần đây tôi được đọc Tầng trệt thiên đường (Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Việt Nam do nhà xuất bản Philippe Picquier ra mắt bạn đọc Pháp đầu năm 2005 với tên Au rez-de-chaussée du paradis, dịch giả Đoàn Cầm Thi). Qua những truyện trong tuyển tập này, tôi cảm nhận nhiều cây bút Việt đang dần tách khỏi truyền thống và hứa hẹn mở ra thời kỳ mới cho văn học trong nước. 

Tôi sẽ giới thiệu tác phẩm của cây bút Việt Nam khi tôi có dịp được đọc tác phẩm hay. Tất nhiên, vì mang dòng máu Việt tôi sẽ chú ý đến văn học Việt nhiều hơn là văn học Hungary chẳng hạn; nhưng là một nhà phê bình văn học, tôi chỉ giới thiệu khi có sách hay chứ không phụ thuộc vào nguồn gốc hay dân tộc.

Nhà văn Trần Huy Minh ký tên vào sách tặng độc giả tại TP HCM. Ảnh: Anh Vân

- Về nước lần này, ngoài nói chuyện văn học, chị còn giới thiệu tiểu thuyết "Cuộc đời hai mặt của Anna Song" (vừa xuất bản vào tháng 8 tại Pháp) đến bạn đọc tiếng Pháp trong nước. Bao giờ chị có ý định dịch các tác phẩm của mình sang tiếng Việt để tiếp cận với nhiều độc giả hơn?

- Tôi về nước chỉ là một sự tình cờ, do NXB Actes Sud muốn tôi giới thiệu sách mới xuất bản và có buổi nói chuyện tại TP HCM và Hà Nội. Tôi rất muốn sách mình được dịch sang tiếng Việt, nhưng điều đó không phục thuộc vào tôi mà là vào NXB.

Hiện có một NXB Việt Nam đang đọc tác phẩm của tôi nhưng họ chưa nêu ra đề nghị gì chắc chắn.

Việc được dịch sách sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ là mơ ước của rất nhiều tác giả quốc tế. Nhưng đó cũng là một mơ ước rất khó thành hiện thực. Sách văn học ở Mỹ tự thân đã có một thị trường quá rộng lớn, mà họ chỉ dành cho thị trường sách dịch của tất cả các nước chưa đến 1%, dù trong đó đã có 0,05% là dành cho sách Pháp nhưng cửa chen chân vào rất hẹp.

- Là một người bận rộn, chị dành thời gian cho việc viết lách như thế nào?

- Giai đoạn sáng tác Công chúa và chàng đánh cá tôi không ngủ được, vì thế tôi dùng thời gian không ngủ được để viết. Còn đến tiểu thuyết Cuộc đời hai mặt của Anna Song, tôi xin nghỉ việc một thời gian để đi du lịch mà toàn tâm vào viết lách. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó tôi chỉ viết được có 4 trang đầu tiên của cuốn sách. Khi tôi quay trở lại với công việc và những bận bịu của mình, chỉ có thể tranh thủ viết những lúc có thời gian nhưng tiến độ lại nhanh hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy, sự bận rộn không hẳn là nguyên nhân khiến bạn không viết được. Ngay cả khi tôi không viết chữ nào thì câu chuyện vẫn tiếp tục diễn ra trong đầu tôi.

gdfgfdgd

Các bạn trẻ Việt Nam biết tiếng Pháp hào hứng tìm mua tác phẩm của Trần Huy Minh. Ảnh: Anh Vân

- Đã xuất bản nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện cổ Việt Nam, vậy trong tương lai chị có tiếp tục theo đuổi dòng sách này?

- Ai biết được chắc chắn điều gì xảy ra trong tương lai chứ? Tôi hy vọng mình sẽ viết được nhiều thứ khác hơn. Tuy vậy thật khó để thoát khỏi sự ảnh hưởng về nguồn cội. Lấy ví dụ, ngay cả trong tiểu thuyết thứ hai Cuộc đời hai mặt của Anna Song, dù tôi không có ý định viết gì Việt Nam nhưng rốt cuộc một trong các nhân vật chính của tiểu thuyết này lại là người Việt (cười).

Theo Thoại Hà - evan

Các bài mới
Các bài đã đăng