Tạp chí Sông Hương -
Sách văn học trong nước - Đi tìm sự đa dạng
09:04 | 22/09/2009
Thị trường sách văn học từ đầu năm 2009 đến nay diễn biến khá phức tạp, mà trong đó có một mảng sách được xem là khá trầm lặng. Nhận xét đó chỉ dành cho văn học trong nước, còn văn học dịch lại ngược hẳn khi nhộn nhịp xuất hiện những tác phẩm với nhiều thể loại và nội dung vô cùng đa dạng.
Sách văn học trong nước - Đi tìm sự đa dạng

Đa dạng sách dịch, nghèo nàn sách ta

Có thể nói hiếm khi nào mảng sách dịch trong nước nhộn nhịp như những ngày này. Chỉ vài tháng trước, Nhã rầm rộ thông báo làm sống lại dòng văn chương viễn tưởng với việc xuất bản hai cuốn sách viễn tưởng kinh điển: Kiến và Đồi cát. Cũng Nhã , trước đó đã được chú ý khi giới thiệu một tác phẩm thuộc dòng văn học phiêu lưu mạo hiểm có nhan đề Ma thổi đèn.

Còn trong tuần qua, Youbook - thành viên của Vinabooks, một đơn vị chuyên kinh doanh sách trên mạng, đã đánh dấu sự trở lại trong lĩnh vực làm sách bằng việc giới thiệu bộ sách võ hiệp kinh điển Thẩm Thăng Y. Việc ra mắt bộ sách này cùng với NXB Phụ Nữ giới thiệu bộ truyện võ hiệp kiểu mới Côn Luân tại Hà Nội đã cho thấy sự hồi sinh của dòng văn chương một thời khiến bao người say mê.

Có thể nói mảng sách văn học dịch hiện nay đang rất phong phú đáp ứng nhiều nhu cầu của bạn đọc. Sách tình cảm xã hội có những tác phẩm phản ánh sự bế tắc cuộc sống của Nhật, sự lãng mạn pha chút huyền ảo của văn học châu Âu hiện đại. Sách triết học có các tác phẩm của các nhà triết học nổi tiếng như Jean Paul Satre, John Stuart Mill… Sách trinh thám, hình sự có những tác phẩm lừng lẫy thế giới của Dan Brown, Patricia Cornwell… Sách thiếu nhi có đủ thứ, từ những tác phẩm của châu Âu đến Trung Quốc, Nga…

Ngược lại với sự đa dạng của sách dịch, sách văn học trong nước hiện tại lại tạo cho bạn đọc cảm giác đơn điệu. Sách trong nước đơn điệu về đề tài, về nội dung thể hiện. Có thể thấy sau sự nổi lên bất chợt của Nguyễn Ngọc Thuần với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, mảng văn học dành cho thiếu nhi lại chìm vào yên ả. Trong dịp hè 2009, NXB Kim Đồng phải cho tái bản lại các tác phẩm thiếu nhi trong nước đã thành danh từ lâu, còn NXB Trẻ hầu như tập trung chủ yếu cho sách thiếu nhi dịch. Sáng tác cho mảng văn học thiếu nhi dường như chỉ còn nổi bật với cái tên Nguyễn Nhật Ánh.

Trong lĩnh vực văn chương huyền ảo tình hình cũng không khá hơn. Khi làn sóng tác phẩm văn chương huyền ảo tràn vào, người ta bàn luận sôi nổi, tranh cãi về nó… thế nhưng, sáng tác các tác phẩm huyền ảo trong bối cảnh độc giả đang quan tâm lại chẳng được mấy nhà văn chú ý. Với mảng truyện trinh thám tình hình cũng không khả quan hơn.

Thế nhưng, nếu văn chương thiếu nhi, trinh thám, huyền ảo còn khả dĩ thấy vài tác phẩm thì những dòng văn chương khác kiểu võ hiệp, triết học… lại hoàn toàn vắng bóng. Thị trường sách trong nước ở những thể loại này trở thành đất cho sách dịch tung hoành.
 

Hy vọng từ các nhà văn trẻ

Khi được hỏi về việc thiếu đi những sáng tác thuộc các thể loại như trinh thám, huyền ảo hay võ hiệp, phiêu lưu… một quan chức của Hội nhà văn Việt cho biết: “Các nhà văn không mặn sáng tác các đề tài đó thì hội cũng không thể ép được”. Nhưng tại sao nhà văn Việt lại không thích những thể loại văn học đó dù lượng độc giả quan tâm không hề thiếu? Nhà nghiên cứu kiêm dịch giả Cao Tự Thanh, người có nhiều năm dịch sách võ hiệp, đã nhận xét khá thẳng thắn tại cuộc trao đổi với các bạn trẻ về sách võ hiệp hiện nay: “Vấn đề là nhiều người không coi những thể loại sách võ hiệp là văn học, nó bị xem như một thứ văn giải trí hạng hai hơn là những tác phẩm phản ánh cuộc sống, mong muốn của con người trong một thế giới quan tưởng tượng”.

Ở mảng văn học thiếu nhi, nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn, người rất nhiệt tình sáng tác cho thiếu nhi, cũng từng phải cay đắng nhìn nhận: “Lâu nay, hình như người ta vẫn xem những người sáng tác cho thiếu nhi chỉ đáng ngồi chiếu dưới…”.

Có lẽ những nhận xét đó không hẳn là chính xác, nhưng nó cũng không xa lắm so với sự thật khi những giải thưởng văn học lớn hầu như không có chỗ cho những tác phẩm thuộc các thể loại trên.

Tuy không thể nói là tình hình sáng tác văn học trong nước hiện nay lạc quan hơn, nhưng rõ ràng đang có sự thay đổi và sự thay đổi đó đến từ những nhà văn trẻ. Cú ra mắt bất ngờ tác phẩm Trại hoa đỏ, thuộc thể loại trinh thám kinh dị, của nữ nhà văn trẻ Di Li thực sự đã làm ngạc nhiên thị trường văn học. Sau Di Li, Phan Hồn Nhiên - một cây bút trẻ quen thuộc, cũng tự thử thách mình trong tác phẩm huyền ảo Những đôi mắt lạnh. Trần Thị Hồng Hạnh thì cố tạo sự mới lạ với Quái vật, một tác phẩm thuộc dạng tâm lý pha chút huyền ảo.

Sự mới mẻ đó của các nhà văn trẻ dù còn quá ít, giá trị văn học còn nhiều điều gây tranh cãi, nhưng ít nhất những tác phẩm trên cũng đã có mặt để giảm bớt đi sự đơn điệu hiện nay đối với văn chương trong nước. Và ít nhất, từ đây bạn đọc cũng có thể hy vọng sẽ được thưởng thức những tác phẩm đa dạng về thể loại đến từ các nhà văn Việt Nam
 
                                                                                                          Theo SGGP

Các bài mới
Các bài đã đăng