Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Việt Nam không biết đùa?
10:36 | 22/09/2009
Phải thừa nhận, làng văn Việt Nam sẽ trở nên "xôm trò" hơn rất nhiều nếu các nhà văn của ta tỏ ra "thoáng" tính hơn một chút, biết "tự trào" nhiều hơn một chút.
Nhà văn Việt Nam không biết đùa?

Nói cho chính xác thì không phải tất cả các nhà văn Việt đều như vậy, tất cả các thế hệ nhà văn Việt đều như vậy. Trước đây, bạn đọc từng biết tới nhiều câu chuyện vui mà ở đó, các bậc tiền nhân trong làng văn chúng ta không chỉ biết trêu chọc, đùa bỡn nhau mà còn rất biết… tự giễu mình (nói chữ là họ rất biết "tự trào"). Điều này không chỉ làm cho văn đàn thêm "xôm trò" mà còn khiến cho mối liên hệ giữa tác giả và bạn đọc cũng trở nên thân quen, gần gũi, dù rằng hai lớp người này nhiều khi chỉ biết nhau qua trang giấy.

Thời kỳ trước Cách mạng, có lần thi sĩ Tản Đà cho đăng báo việc ông mở cửa hàng bói toán (lấy số Hà lạc cho những ai cần đến). Đọc được tin này, cây bút trào phúng cự phách khi ấy là Tú Mỡ đã làm thơ "ghẹo chơi" nhà thơ đàn anh và đưa in báo hẳn hoi. Đây là mấy câu "quảng cáo" cho "tay nghề" của Tản Đà: "Dù thầy có tán nhăng tán cuội/ Nghe nhà thơ lời nói văn hoa/ Nhất khi rượu đã khề khà/ Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên/ Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ/ Cũng vui tai và sẽ vừa lòng/ Nhưng xin thầy chớ "nói ngông".

Thông thường, với người mới "mở hàng" làm ăn, chưa chi đã bị đùa bỡn, "nói xỏ", bị "bóc mẽ" trước bàn dân thiên hạ vậy, nếu không phản ứng gay gắt trên mặt báo thì cũng giấu sự bực bội trong lòng. Đằng này, với Tản Đà, ông tiếp nhận sự việc một cách hết sức khoan hòa. Trong bài thơ họa lại Tú Mỡ, ông còn hứa: "Riêng với bác miễn tiền đặt quẻ/ Đoán thật hay, bác sẽ ghê lòng" và khẳng định rằng: "Tuổi già nay tớ không ngông…". Có thể nói, nếu không là người biết mình, biết người và luôn xem mọi sự nhẹ tựa lông hồng, hẳn sẽ không có cách xử sự trước một chuyện "trẻ con dám trêu người lớn" như vậy.

Cũng vậy, với những người tuổi đã cao, đem chuyện bệnh tật và sức khỏe của họ ra đùa bỡn không phải là một việc dễ, nếu như người được nhắc tới không phải là người có lối sống hồn nhiên, yêu đời, không cần kiêng kị.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng nảy hứng làm thơ, trong đó có những bài ông viết để đùa, để ghẹo nhà thơ Tú Mỡ. Một lần, sau chuyến đi nghỉ dưỡng ở Yanta, về nước, Tú Mỡ phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Xô vì bệnh đường ruột. Được tin, Nguyễn Công Hoan làm thơ "hỏi thăm", và những câu đầu ông dành để nói về cái sự cố vừa bi vừa hài và…khó nói xảy đến với người bạn văn: "Bữa nọ, anh đi ra nước ngoài/ Về nhà anh đi ngoài ra nước/ Chẳng hay bơ sữa xơi thế nào/ Loay hoay chữa mãi mới khỏi được".

Không dừng ở đó, Nguyễn Công Hoan còn "mạnh bạo" nhắc tới nghĩa trang Văn Điển (tức nói chuyện "về cõi"): "Thế nào, thể lực thoái hay tiến/ Không khéo Bành Tổ phát đơn kiện/ Truất chức thường vụ Hội Nhà văn/ Bắt đưa xuống Hội Nhà văn…Điển". Tú Mỡ xem xong bài thơ, chỉ biết gật đầu cười khen: "Thú đấy".

Tất nhiên, khi tôi kể lại chuyện trên, có thể sẽ có ai đó cho rằng, vì Tú Mỡ là nhà thơ trào phúng, bản thân luôn thích chuyện bông đùa và từng làm thơ bỡn ghẹo nhiều người, nên việc ông bị ai đó trêu chọc lại thì cũng là chuyện thường, khó có thể có phản ứng bực tức. Thiết nghĩ sự đời không hẳn vậy. Tôi từng biết không hiếm trường hợp thích đùa người khác nhưng lại rất không thích để người khác…đùa mình. Ví như, có một nhà văn từng mạnh miệng phát biểu với báo giới rằng, mặt ông là mặt đất, ai thích giẫm lên thì giẫm, cứ thoải mái, vô tư. Đất càng nhiều tro trấu, nhiều phân bón, càng bị giẫm đạp thì càng đằm, càng tốt.

Vậy mà trước đó, tôi từng nghe một nhà thơ (thuộc lứa chống Mỹ) kể lại rằng, cái ngày ông cho đăng báo một giai thoại vui về một nhà văn cùng cơ quan, ông đã bị "nhân vật" này "quay" cho phát sốt Nội dung mẩu giai thoại chỉ là: Không hiểu học ngoại ngữ thế nào mà khi nhà văn này trông thấy ở quầy sách ngoại văn một cuốn tiểu thuyết Việt Nam được dịch ra tiếng Anh, ông đã mua về để "kiểm tra" trình độ ngoại ngữ của mình. Mới giở mấy trang đầu, ông ngạc nhiên thấy toàn chữ…lạ. Mang Từ điển Anh - Việt ra tra, ông càng thấy… bất lực. Cuốn tiểu thuyết dày cộp mà không thấy chữ nào trùng với chữ in trong sách. Mãi rồi ông cũng hiểu, hóa ra, cuốn tiểu thuyết được in bằng tiếng… Pháp. Lý do dẫn ông tới sự nhầm lẫn là vì tên của cuốn sách, khi dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, nó na ná nhau (đâu như chỉ khác một cái dấu hay chữ s gì đó).

Chuyện được viết rất hóm, và thực chất về nội dung, nó chẳng hề có ý miệt thị ông nhà văn nói trên "ù lì" về ngoại ngữ (ông này vốn dĩ được xem là người thông minh). Vậy nhưng, sau khi bài báo được in ra, sự việc diễn biến rất căng. Tác giả mẩu giai thoại nói trên vốn là người cứng vía, vậy mà phải khiếp hãi. Là người rất có khiếu viết giai thoại, sau đận đó, tác giả nọ bị "chột" một thời gian.

Một chuyện khác, cũng vẫn liên quan đến một người có tiếng là vui tính, rất hay bông đùa người khác, song lại tỏ ra "kỹ tính" và có cách xử sự hơi thái quá trước một giai thoại về mình. Lần đó, trên một tờ báo ở Hà Nội xuất hiện mẩu chuyện về một nhóm nhà văn ngồi đố nhau xem ai là người chỉ bằng mấy dòng ngắn ngủi có thể vẽ ra chân dung người bạn văn của mình một cách nhanh nhất và "khái quát" nhất.

Người giành giải nhất cuộc thi đó là tác giả của mẩu chuyện sau: Lần ấy, nhà thơ N.H. đến chia buồn với thân mẫu của một bạn văn. Ông này vốn nổi tiếng hay cười nên khi đến chia buồn với gia chủ, ông cất tiếng cười ngay từ ngoài cửa: "Hà - hà - hà, tụi mình nghe tin mẹ cậu mất, tụi mình đến chia buồn. Hà - hà- hà". Tất nhiên, câu chuyện có thể khiến ai đó cho nhà thơ N.H. là người vô tâm, thậm chí, trong trường hợp trên là vô duyên. Nhưng sự thực, những ai chơi lâu với N.H., hiểu rõ tính nết ông thì lại thấy cái sự hồn nhiên này là đáng yêu. Vả chăng, khi N.H. đến chia buồn là sau tang lễ nhiều ngày chứ có phải trong buổi đưa tang đâu, nên chuyện khi ông đối mặt với bạn, theo phản xạ, có cất lên tiếng cười thì cũng dễ thể tất.

Chuyện in ra chỉ là để vui thôi mà, không có gì ác ý. Thì thoạt đầu, N.H. cũng vui vẻ, vì ông nghĩ vậy. Nhưng sau không biết ai xui khôn xui dại, ông đùng đùng lên tòa báo đòi gặp bằng được tổng biên tập để chất vấn tại sao tòa soạn lại cho in một chuyện như vậy. Ông tổng biên tập báo nọ phải mềm mại lắm mới tránh được một vụ kiện tụng. Nghe nói sau đó, N.H. đã lại cười hà hà khi nhắc lại phút bị kích động của mình.

Trở lại với cái ý tôi nói ban đầu. Phải thừa nhận, làng văn Việt Nam sẽ trở nên "xôm trò" hơn rất nhiều nếu các nhà văn của ta tỏ ra "thoáng" tính hơn một chút, biết "tự trào" nhiều hơn một chút. Chứ nếu cứ hơi tí là bắt bẻ, là xét nét (dù rằng các tình tiết của câu chuyện không ảnh hưởng tới nhân cách và "chỉ số thông minh" của bất cứ ai) thì các chuyên mục kiểu như "Tác giả tác phẩm" của Báo Hà Nội mới Cuối tuần, "Giai thoại văn học" của Báo Người Hà Nội, "Chuyện làng văn nghệ" của các tờ báo chuyên về văn nghệ sẽ khó duy trì được thường xuyên, và nếu có duy trì được thì sẽ có những chỗ "khuyết" tương tự nhau.

Một trong những chỗ "khuyết" ấy chính là việc ít có "hàng tươi".

Không làm thống kê nhưng tôi đoán chắc rằng, những bài thuộc những chuyên mục nói trên mà các báo đã cho đăng đa phần là chuyện kể về người đã khuất. Thôi thì, người đã khuất, ai muốn vẽ râu vẽ ria, thêm mũ thêm mão thế nào chả được, nhất là với những danh nhân ở mãi tít tận bên Tây, bên Tàu, sống cách chúng ta tới vài trăm năm, "chút chít" nào biết được mà đính chính cho? Vả chăng, vì là chuyện vui, nên giả sử chỗ này chỗ nọ có "râu ông nọ cắm cằm bà kia" thì người đọc cũng xác định "chuyện vui chép nhặt dông dài", miễn là "mua vui cũng được một vài... phút giây" là đủ rồi, có chi phải bận lòng? Chỉ có điều, cái gì cũng vậy, trở đi trở lại nhiều quá cũng hóa nhàm. Vui cười lặp lại nhiều lần quá cũng đâm... nhạt.

Bởi vậy, các báo ngày càng có nhu cầu giới thiệu những chuyện vui, chuyện lạ về các nhân vật đương đại. Tất nhiên, "món ăn tươi" bao giờ chả ngon. Nhưng "tươi" thì "tươi" trước nhất với người đọc, chứ với tác giả của những mẩu chuyện ấy thì có khi "tươi" chưa được bao lâu đã phải... "héo" mặt.

Chẳng hạn, có bài báo nọ sau khi được "xuất xưởng", độc giả rất lấy làm thích thú. Có người viết thư gửi tòa soạn ngợi khen. Nhưng chỉ chưa đầy một ngày sau khi báo ra, người được nhắc tới trong mẩu chuyện kia đã gọi điện chất vấn biên tập viên, gửi thư kiện tới Tổng biên tập. Đến độ, tác giả của những mẩu chuyện ấy - mặc dù viết với dụng ý tốt - vẫn buộc phải tìm đến nhà vị nọ để "giải trình" cho vị xuê xoa, yên chuyện.

Thì ra, trong mẩu chuyện đó, hình ảnh nhân vật "đức ông chồng" được thể hiện là một người tốt, nhưng để "tôn vinh" ông lên, tác giả bài viết lại vô tình "hạ thấp" phu nhân của ngài, thành thử niềm vui không trọn vẹn, nhất là khi "lệnh bà" đọc được, "lệnh bà" hậm hực với ông ra mặt, vì chuyện ấy chỉ có đức ông chồng kể ra, tác giả bài báo mới biết.

Ở đây cho thấy sự chưa cẩn trọng của người viết, song cũng lại cho thấy cho thấy một số người luôn thích đẽo gọt mình sao cho phải "mười phân vẹn mười" trong mắt bàn dân thiên hạ. Và với yêu cầu của đời sống báo chí, điều này thực sự là một mâu thuẫn khó giải quyết. Bởi nếu cứ đà như vậy thì chắc loại hình hí họa khó có cơ tồn tại.

Rõ ràng, có những mẩu chuyện viết về nhân vật này nhân vật khác, người đọc thấy hình ảnh họ tuy hơi ngờ nghệch một chút, nhưng phải nói là rất nghệ sĩ, rất đáng yêu. Vậy mà họ không ưng và phản ứng lại với tòa báo bằng những hành động không có vẻ gì là đáng yêu và hóa ra lại rất...ngờ nghệch Thậm chí, có những người rất hay đùa tếu táo khi trả lời phỏng vấn, song khi được người khác đùa lại (cũng với câu chuyện tương tự) thì lại có phản ứng quyết liệt. Mới thấy, thế hệ cháu con về mặt này hơi "nóng tính" và chưa hẳn đã bản lĩnh bằng các bậc cha ông ngày trước.

Bởi vậy, về mặt này, tôi thực sự quý trọng những người như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Theo Trần Đăng Khoa tâm sự, anh là "nạn nhân" của không ít giai thoại, trong đó có những giai thoại mà hình ảnh của anh - theo chính anh nhận xét - là "rất dị mọ". Song chưa bao giờ anh phản ứng lại mà chỉ xem đó như một trò "mua vui" của ai đó, rồi trước sau, ta thế nào vẫn cứ là như thế, không sợ vì giai thoại đó mà bị người đời xem thường. Còn nhà văn Tô Hoài, có những giai thoại về ông mà nhiều người cùng trang lứa cho là "bất kính", là bỡn cợt, là "vuốt râu hùm", song khi biết chuyện, ông chỉ cười xòa mà rằng: "Kệ, nó thích nói thế nào thì nói. Ngần này tuổi rồi, còn sợ bị hiểu lầm cái nỗi gì".

Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azít Nêxin - tác giả tập truyện ngắn "Những người thích đùa" từng dịch in nhiều lần ở Việt Nam - khi sang nước ta đã có nhận xét "dân tộc Việt Nam là dân tộc của những người thích đùa". Ông còn cho rằng: Một xã hội mà con người biết cười, biết đùa là một xã hội đang hướng tới sự phồn vinh, văn minh. Chỉ tiếc là, như ở đầu bài đã nói, nhiều văn nghệ sĩ của chúng ta còn quá "trang nghiêm", họ thích đùa người khác chứ không dám đùa với chính bản thân mình. Ước sao thế hệ con cháu "mạnh dạn" hơn nữa, biết vượt qua những e ngại này nọ, để cho cuộc sống luôn đầy ắp tiếng cười. Các chuyên mục giải trí văn nghệ không phải vời mãi các bậc cổ nhân vào làm chủ tọa cuộc vui của chúng ta ngày hôm nay
 
                                                                                                         Theo CAND

Các bài mới
Các bài đã đăng