Tạp chí Sông Hương -
Cứu di sản, chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi!'
14:42 | 23/09/2009
Nếu môi trường sinh ra văn hoá cồng chiêng, quan họ... mất đi thì cồng chiêng chỉ còn là cái xác, chỉ còn giá trị nghệ thuật riêng rẽ. Cũng như quan họ làng không còn tình cảm liền anh liền chị thì chỉ còn là những tiết mục" là hướng đi khó cưỡng lại- GS Tô Ngọc Thanh.
Cứu di sản, chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi!'
Cồng chiêng trong lễ bỏ mả của người Jarai (Gia Lai)

Lấy gì để trả lại không gian văn hoá cho di sản?

Sáng 22/9/2009, những người đã gắn bó, đã yêu di sản phi vật thể, đã xót xa khi thấy các di sản đang dần mất có dịp gặp nhau trong hội thảo "Để di sản sống trong đời sống đương đại" do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức trong khuôn khổ dự án truyền thông "Báo động từ vốn di sản".

Có người ghé qua rồi lại vội đi, nhiều người có mặt cả buổi nhưng chưa kịp phát biểu, những người mà chúng tôi có dịp trò chuyện đều khẳng định vấn đề đặt ra tại hội thảo này là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Nhà văn Nguyên Ngọc không đi thẳng vào câu chuyện di sản mà ông nhấn mạnh đến tâm thế của cha ông trong "ứng xử văn hóa": không đối đầu, loại trừ lẫn nhau mà bằng "chồng đắp văn hóa", thoải mái trong việc tiếp nhận cái mới để bồi đắp thêm, làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc, tạo nên sự "tiếp biến" văn hóa thông minh và hiệu quả, tránh được sự "đồng hóa". "Có phải, từ một lúc nào đó, do những nguyên nhân nào đó, chúng ta đã để mất đi cái tâm thế ấy? Ảnh hưởng của một tâm thế cơ giới phương Tây chăng? Hay của một hệ ý thức quá đậm những nhân tố máy móc nào? dẫn đến rối trong tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, sợ và kỳ thị với cái lạ, cường điệu cái gọi là "bản sắc", dù thật ra cũng không ai nói được cho thật rành rẽ cái đó là cái gì", nhà văn Nguyên Ngọc thẳng thắn đặt câu hỏi.

Rồi cũng chính ông tự trả lời. Theo ông, mỗi biểu hiện văn hóa đều có không gian thiết yếu. Người Việt từng đối mặt mà không hề sợ, thậm chí tận dụng được mọi cái hay, lạ, bản địa hóa nó để làm giàu cho mình, đồng thời không bị đồng hóa, vì chúng ta có một cái cốt lõi văn hóa rất sâu, rất bền, trụ vững trong một không gian được cấu trúc rất độc đáo, chặt chẽ: Làng.

Trở lại với di sản, ông rất trăn trở việc di sản văn hóa bị tách ra khỏi không gian của nó sẽ chỉ còn như "xác không hồn", chính UNESCO đã rất "tinh" khi công nhận không gian cồng chiêng là kiệt tác phi vật thể. Không gian cồng chiêng là làng - rừng, mất rừng thì Tây Nguyên không còn làng, không còn rừng và làng thì cồng chiêng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. "Di sản sống được nếu cái gốc của nó còn giữ được trong không gian của nó" là kết luận của nhà văn Nguyên Ngọc, cùng lời kêu gọi "Khôi phục rừng cho đồng bào Tây Nguyên thì sẽ có làng, di sản sẽ sống".

Tán đồng quan điểm "văn hóa là sự tiếp nối" của Nguyên Ngọc, GS Tô Ngọc Thanh còn mở rộng thêm bằng cách chỉ ra "sai lầm" của ta khi một thời gian dài quá chú trọng cái hiện đại mà bỏ mất tinh hoa quá khứ, dẫn đến sự mai một các di sản. Chèo cổ giờ chỉ là "kịch nói pha chèo" rất khó khăn để khôi phục lại. Cho đến giờ này chúng ta mới làm được "Quan âm Thị Kính" và "Lưu Bình - Dương Lễ" trong vốn 200 vở chèo cổ trước đây.

Không những thế, GS Thanh còn "dẫn chứng" kinh nghiệm bản thân, khi lần đầu đi xem kịch Nô đúng kiểu truyền thống tại Nhật Bản đã "buồn ngủ" vì tiết tấu quá chậm, lại không hiểu tư tưởng triết học của hình thức nghệ thuật cổ này. "Nhật Bản đến giờ vẫn có kịch Nô y hệt thế kỷ XVI, bên cạnh rock Nô hiện đại. Thái Lan, ... đều có hai chính sách, bảo tồn nguyên vẹn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa quá khứ", GS Thanh so sánh.

Cần hãm phanh "sân khấu hoá di sản"

Tuy nhiên, khác với Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tô Ngọc Thanh đặt thẳng vấn đề, làm sao khôi phục được làng, khi rừng của họ gần như không còn nữa. Mỗi hộ dân giờ đây canh tác 2 đến 3ha cà phê, họ lụi hụi với cây cà phê nên cũng khoan nước nguồn để tưới, cũng lái máy cày...Phương thức sản xuất đã khác trước nên "Cồng chiêng là thành tố trong các sinh hoạt của đồng bào - đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới..., giờ nếu môi trường ấy mất đi thì cồng chiêng chỉ còn là cái xác, chỉ còn giá trị nghệ thuật riêng rẽ. Cũng như quan họ làng không còn tình cảm liền anh liền chị thì chỉ còn là những tiết mục" là hướng đi khó cưỡng lại. Tuy nhiên, GS Thanh cũng "phê phán" vai trò của người quản lý khi quá chú trọng việc tổ chức các liên hoan, hội diễn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình "sân khấu hóa" di sản.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại "cực đoan" theo hướng khác, rằng: hoàn toàn có thể tạo không gian "truyền thống" cho di sản bằng cách... trả tiền để đồng bào sống và giữ không gian trong những khu bảo tồn sống, bởi "không thể bắt đồng bào phải đóng khố như ngày xưa, trong khi mình quần jean áo phông hết lượt". Theo ông Hiền, nếu có sự tác động vật chất cụ thể của nhà nước, các mạnh thường quân là các doanh nghiệp đổ tiền vào di sản thì việc "di sản sống" là... rất dễ, bởi hoàn toàn có thể truyền nghề, có thể "nuôi" các "báu vật nhân văn sống" để họ gìn giữ di sản như nguyên gốc.

Dân mới là quyết định

Bị "ép" bởi hàng loạt các nhà văn hóa, với tư cách "nhà quản lý", TS Lê Thị Minh Lý - Cục phó Cục Di sản rất bình tĩnh chỉ ra thực tế, không thể "ép" cộng đồng phải giữ di sản, bởi theo đúng tinh thần công ước UNESCO, "Tiêu chí chủ chốt quy định việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ: nó phải mang tính truyền thống, đang sống, và phải được các cộng đồng công nhận, không chỉ vì nó là tài sản của họ, mà còn vì nó quan trọng đối với bản sắc của họ".

Bảo vệ di sản phi vật thể không thể chỉ là quá trình "tư liệu hóa". Đó còn phải là kế thừa con người, kế thừa văn hóa sống. Đồng thời, ta cũng phải bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể. Theo tinh thần công ước mới của UNESCO, quá trình "kiểm kê" di sản sẽ phải có sự tham gia của cộng đồng, để cộng đồng nhận thức được giá trị của di sản và có ý thức bảo vệ. Có những di sản sẽ được công nhận "Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" (ca trù của ta đang "ứng cử" vị trí này), cần tập trung nguồn lực để "cứu".

"Hãy trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, nhận ra cái họ có, họ cần. Cái họ cần chính là cái gắn với cách mưu sinh, tái sản xuất xã hội và cuộc sống tinh thần của họ. Cần hiểu và tôn trọng quyền sinh tồn của những người bản địa theo cách họ đã, đang lựa chọn và duy trì cuộc sống", TS Lý nhấn mạnh.

                                                                                                             Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng