Tạp chí Sông Hương -
Gameshow thuần Việt: Kỷ lục mới, nỗi lo cũ
14:55 | 23/09/2009
Tuổi thọ của làng gameshow thuần Việt vừa đón nhận một đỉnh cao mới. Thế nhưng vẫn còn đó những khoảng trống đáng lo với “dòng chảy” gameshow thuần Việt.
Gameshow thuần Việt: Kỷ lục mới, nỗi lo cũ
"Đồ Rê Mí", một trong những gameshow thuần Việt hiếm hoi còn phát sóng

10 năm của một gameshow Việt

Lâu nay, sự phân định những dòng chảy của thể loại gameshow trong giới sản xuất cũng như trong lòng khán giả không phải lúc nào cũng thật mạch lạc, rõ ràng. Bởi hiện nay khái niệm gameshow nội và gameshow ngoại chỉ cách nhau một đường biên lờ mờ, chưa được định hình, gọi tên rõ ràng. Hơn thế, với nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình thì với một gameshow mua bản quyền kịch bản nước ngoài nhưng kịch bản chi tiết do những người sản xuất chương trình truyền hình của Việt Nam viết, êkíp sản xuất từ biên tập, quay phim, kỹ thuật đến người chơi đều là người Việt cả thì cũng có thể gọi là gameshow Việt...

Tuy vậy, xét cho cùng cũng có thể chia thể loại gameshow thành gameshow thuần Việt - với kịch bản, êkíp sản xuất... đều do Việt làm và gameshow mua bản quyền kịch bản từ nước ngoài. Từ đó, nhìn lại dòng chảy gameshow thuần Việt có thể khẳng định Đường lên đỉnh Olympia (ĐLĐO) hiện là gameshow thuần Việt có tuổi đời lớn nhất từ trước đến nay. Bởi gameshow thuần Việt được xem có tuổi thọ lớn nhất trước đó là Ở nhà chủ nhật cũng chỉ tồn tại được lâu nhất là 9 năm rồi “đóng cửa”. Trong khi đó, năm 2009 là năm thứ 10 liên tiếp VTV3 tổ chức thực hiện sản xuất và phát sóng gameshow này. Công bằng mà nói, đã có những thời điểm gameshow ĐLĐO đã tỏ ra đuối sức, xuống dốc so với đỉnh cao cũng như thời điểm gameshow này mới trình làng trên sóng VTV3. Bên cạnh đó, không ít lần gameshow này phải thay MC, đổi format... cũng đã khiến cho lượng người xem gameshow ĐLĐO tụt giảm đáng kể... Thế nhưng, với 10 năm tuổi gameshow ĐLĐO đã trở thành một đỉnh cao mới của làng gameshow thuần Việt, trở thành gameshow thuần Việt có tuổi thọ lớn nhất từ trước đến nay mà vẫn đang thực hiện sản xuất, phát sóng đều đặn trên VTV3.

Còn đó những khoảng trống

Vượt qua “tuổi thọ” của Ở nhà chủ nhật để xác lập “kỷ lục mới” nhưng cho đến tận năm thứ 9, ĐLĐO vẫn còn tồn tại những lỗi nhỏ đáng tiếc. Đơn cử như trận chung kết của năm thứ 9 gameshow ĐLĐO có những 5 đối thủ, trội hơn những năm khác một đối thủ chỉ vì lỗi kỹ thuật... Đấy là chưa nói, trên “bức tranh” gameshow truyền hình, gameshow ngoại vẫn át gameshow nội. Chỉ tính riêng VTV và HTV mỗi tuần có tới khoảng 40 gameshow phát sóng, thế nhưng gameshow nội chỉ tính được trên đầu ngón tay. Chẳng hạn trên VTV3 hiện có gần 20 gameshow phát sóng nhưng chỉ có 4 gameshow thuần Việt là Vui khoẻ có ích, Chắp cánh thương hiệu, Đồ Rê Mí và ĐLĐO.

Có một thực tế là đa số “gameshow hot” đều được phát sóng trong khoảng thời gian từ 20h đến 21h - vẫn thường được xem là “khung giờ vàng” như Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng, Trò chơi âm nhạc, Đấu trường 100... Trong khi đó, dường như không có gameshow thuần Việt kể trên nào có thể chen chân phát sóng vào “khung giờ vàng”. Đấy là chưa nói, dù nỗ lực đeo đẳng suốt 10 năm qua nhưng cho đến giờ gameshow ĐLĐO vẫn chưa định hình được format thật vững chắc, vừa đảm bảo tính hấp dẫn khán giả lại vừa tạo sự dễ dàng, nhanh chóng trong khâu sản xuất. Như một lẽ đương nhiên đáng buồn, hiện chưa có gameshow thuần Việt nào được các nhà sản xuất nước ngoài quan tâm, tỏ ý muốn mua bản quyền sản xuất, phát sóng. Nghĩa là cánh cửa “xuất ngoại” của gameshow Việt vẫn chưa hé lộ, dù kỉ lục về tuổi thọ của một gameshow thuần Việt cơ hồ còn sẽ được xác lập những đỉnh cao mới...

Thắp sáng ước mơ

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Howard Huntridge - cố vấn sản xuất cao cấp của hãng Fremantle Media - Anh Quốc, nhà cung cấp bản quyền gameshow Đấu trí cho VTV3 cho biết: “Để có thể làm một gameshow truyền hình tốt cần có 3 yếu tố: thời gian, tiền bạc và kỹ năng sản xuất”. Chí ít với cột mốc tuổi thọ mới của ĐLĐO, gameshow Việt cũng đã trải qua một thời gian dài phát sóng phục vụ người xem. Ngoài ra, hiên nay kỹ năng sản xuất gameshow của êkíp Việt cũng đã có những bước tiến nhất định. Nhìn lại, cách đây khoảng hơn 10 năm trước, khi thực hiện sản xuất chương trình Trò chơi liên tỉnh đội ngũ sản xuất của chúng ta dường như chỉ phụ trách phụ máy quay, chạy dây... cho các chuyên gia người Pháp thì đến nay các công đoạn sản xuất gameshow thuần Việt hoàn toàn đều là đội ngũ sản xuất Việt Nam. Thời gian ghi hình một gameshow cũng đã được rút ngắn xuống rất nhiều so với trước đây như Trò chơi âm nhạc, mỗi ngày có thể ghi hình được 3 gameshow...

Hơn thế, kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng sáng tạo của đội ngũ sản xuất gameshow truyền hình Việt cũng đã có những bước tiến nhất định. Nhà báo Bùi Thu Thuỷ - Phó trưởng ban VTV3, phụ trách mảng gameshow của VTV3 cho biết: “Sau khi làm chương trình Ai là triệu phú, Tùng Chi đã áp dụng cải tiến ánh sáng, âm nhạc, đồ họa cho gameshow ĐLĐO tốt hơn trước rất nhiều. Hoặc Hải Đăng sau khi tự tin với vai trò đạo diễn Ai là triệu phú, Rung chuông vàng mua bản quyền nước ngoài cũng đã trình làng Đồ Rê Mí – gameshow thuần Việt rất được lòng khán giả”. Đấy là những tín hiệu thực sự đáng mừng cho “dòng chảy” gameshow thuần Việt vẫn còn non trẻ.

                                                                                                               Theo VH

Các bài mới
Các bài đã đăng