Những gương mặt anh tài
Trong 6 vở tham gia hội diễn của các nhà hát ở Hà Nội thì Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Kịch VN, mỗi nhà hát đều kèm một vở mới và một vở cũ. Nhà hát Tuổi trẻ không dựng vở mới mà lấy luôn hai vở là bài tập tốt nghiệp của các đạo diễn trẻ của nhà hát, Kiều Loan dựng từ năm 2005 và Ai sợ ai cũng ra mắt từ năm 2008.
Vở được coi là “nặng ký” nhất vừa dựng còn nóng hổi là Mỹ nhân và anh hùng, do NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, làm đạo diễn. Mặc dù vở đem đến cái nhìn khách quan và có tính phản biện về nhân vật Trần Thủ Độ, nhưng diễn viên thể hiện chưa làm toát lên khí phách anh hùng cũng như sự thông minh, mưu lược của nhân vật còn gây nhiều tranh cãi về cả công và tội này. Nhân vật Chiêu Thánh được nhấn ở vẻ kiêu hãnh, tự tin hơn là ở trái tim người đàn bà gặp nhiều đau khổ, thổn thức những nỗi niềm riêng- chung...
Trên cả trời xanh được coi là vở kịch hay khi tạo được không khí hồi hộp, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật được thể hiện tinh tế với dàn diễn viên “cứng” xứng danh “anh cả đỏ”: nghệ sĩ Trọng Phan, NSƯT Thu Hà, nghệ sĩ Lan Hương... Vở kịch có thể gây được chú ý bởi những vấn đề nóng bỏng mà nó đề cập. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch VN mời đạo diễn phía
ra dựng vở, NSƯT Trần Ngọc Giàu.
Mắt phố là một vở kịch hay về Hà Nội. Đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành tinh tế trong từng chỉ đạo diễn xuất khiến vở diễn lung linh vẻ đẹp giản dị như truyền thống kịch Hà Nội, mà vẫn chuyển tải được những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của Hà Nội hôm nay.
Điện thoại di động ghi nhận nỗ lực của NSND Hoàng Dũng trong vai trò đạo diễn. Một dạng kịch sinh hoạt, nhân vật là những người trẻ, ăn nói theo ngôn ngữ hiện đại. Tiết tấu nhanh, kịch tính ở mức vừa phải nhưng không kém phần bất ngờ.
Hai vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ thì Kiều Loan có vẻ “nặng ký” hơn, không phải chỉ bởi nó được dựng từ kịch thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Cầm. Vở còn gây tranh cãi khi có người đánh giá sự hóa thân xuất sắc của Quách Thu Phương, trong vai Kiều Loan, nhưng có người dị ứng với cách đọc thơ của Thu Phương, vì kịch thơ thì thơ phải được ngâm lên chứ không phải đọc như nói.
Ai sợ ai dựng từ kịch bản của nghệ sĩ Lê Bình. Kịch bản này khi được dựng ở Sài Gòn không mấy thành công nhưng lại ăn khách ngoài Bắc. Đạo diễn Chí Trung tỏ ra khá có duyên với những lớp hài ý nhị, vừa mang vẻ vui nhộn của kịch Nam, vừa có cái hóm hỉnh, sâu cay của người Bắc...
Chỉ bừng lên trong dịp hội diễn?
Hà Nội là cái nôi của nền sân khấu kịch Việt
. Sau gần 90 năm, kịch Hà Nội đã trải qua thời kỳ hoàng kim. Chuyển sang kinh tế thị trường, trong khi kịch TPHCM có xu hướng ngày càng phát triển với nhiều sân khấu xã hội hóa và nhiều vở được đầu tư lớn, hiệu quả cao, thì kịch Hà Nội có vẻ đi xuống.
Những người làm sân khấu Hà Nội vẫn than thở tại thiếu kịch bản hay. Kịch bản Mỹ nhân và anh hùng được đánh giá cao ở trại viết kịch bản của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN nhưng dường như tư tưởng vở diễn chưa thấm sâu vào nhân vật.
Qua các vở diễn trên cũng phần nào cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ diễn viên kế cận ở các nhà hát. Có đến 3 diễn viên đóng vai Chiêu Thánh trong vở Mỹ nhân và anh hùng. Đây là vở kịch lịch sử với những diễn biến tâm trạng phức tạp, lời thoại dài, trúc trắc nên quá sức với họ.
Tương tự, ở Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài Quách Thu Phương có thể đảm nhận vai nữ chính trong các vở chính kịch, tiếp bước các đàn chị Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng... thì hiện nay khó tìm được gương mặt tương xứng khác.
Sân khấu kịch Hà Nội hiện đang trầm lắng vì có ít khán giả... Khán giả luôn là bài toán hóc búa, nhưng các nhà làm sân khấu phía Bắc đã quen “ngủ đông” trong bao cấp.
NSƯT Chí Trung thẳng thắn nói: “Sân khấu phía Bắc tồn tại chủ yếu theo dạng cào bằng, với những nguồn kinh phí được rót định kỳ hàng năm. Cách làm như vậy chỉ sinh ra những cơ thể èo uột, những vở diễn nửa vời. Nói ví von thì đó là những đốm lửa nhen nhúm, chỉ thỉnh thoảng bừng lên trong những kỳ hội diễn, liên hoan”.
Theo SGGPO |