Tạp chí Sông Hương -
Bản quyền âm nhạc: Thất thu hàng trăm tỉ đồng
09:41 | 24/09/2009
18 tỉ đồng thu được qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không thấm vào đâu so với con số ước tính gần 200 tỉ đồng thất thu mỗi năm hiện nay
Bản quyền âm nhạc: Thất thu hàng trăm tỉ đồng


Hơn 8 tháng thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm tra việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, chỉ tính riêng trong lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc, mọi việc chưa được cải thiện đáng kể.

 Mới bảo vệ được 10% lợi ích

Phòng trà ca nhạc, một trong những cơ sở kinh doanh có sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc nhưng khó kiểm soát tần suất sử dụng. Ảnh: T.Trang

 Theo ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hiện nay trung tâm chỉ mới bảo vệ được khoảng dưới 10% lợi ích mà đáng lẽ các tác giả phải được hưởng theo luật định. Theo đánh giá của ông Phương, với dân số, sức tiêu thụ âm nhạc và thu nhập đầu người như Việt Nam hiện nay thì mỗi năm VCPMC phải thu được gần 200 tỉ đồng/năm, tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu của trung tâm trong năm 2009 là 18 tỉ đồng, một con số khá khiêm tốn. Nếu so với năm 2008, khi VCPMC thu được 15 tỉ đồng tiền tác quyền về cho các nhạc sĩ và tác giả, con số 18 tỉ đồng này cho thấy việc thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam có phần tiến bộ. Nhưng đó là con số không thấm vào đâu so với con số thất thu quá lớn.

Theo nghiên cứu của giáo sư Koji Domon, Trường ĐH Waseda, Nhật Bản, tỉ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn còn ở mức 82%, thuộc loại cao nhất thế giới.

Nguyên nhân, như đánh giá của ông Phương, vì nhận thức trách nhiệm, sự tự giác tuân thủ luật pháp của các cá nhân, xã hội chưa cao, tính hiệu quả của luật pháp đối với công dân chưa mạnh. Không ít lần VCPMC gửi văn bản đến các đơn vị có sử dụng tác phẩm âm nhạc với số lượng lớn, thời lượng nhiều như các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar (đặc biệt ở các khu vực “nóng” như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê)... yêu cầu phải trả tiền tác quyền âm nhạc nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện, còn phần lớn vẫn chần chừ chưa chịu thực hiện trách nhiệm, có nơi văn bản gửi nhiều lần vẫn không thấy phản hồi... Đòi bằng văn bản không xong, các nhân viên của VCPMC phải đến tận nơi để thương lượng bằng những biểu giá linh hoạt theo quy định của Nhà nước và tham khảo thông lệ quốc tế cũng như sự cảm nhận trực tiếp của người trong cuộc nhưng phần lớn các đơn vị này chưa chịu thực hiện nghĩa vụ này.

Chưa kiểm soát được tần suất sử dụng

Một trong những lý do mà VCPMC không thể thuyết phục được các cơ sở dịch vụ có sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh trả tiền tác quyền là không kiểm soát được tần suất sử dụng tác phẩm của họ. Trong khi đó, việc kiểm soát được tần suất sử dụng của các cơ sở kinh doanh này không phải là chuyện dễ làm của VCPMC, vì VCPMC chưa có phương tiện công nghệ hiện đại để kiểm soát chặt chẽ. Chính vì chưa thể thống kê chính xác các bài hát cũng như lượt sử dụng của các bài hát, bản nhạc trong các cơ sở kinh doanh này nên việc tính tiền tác quyền được thu theo số lượng phòng hát/tháng hoặc năm. Số tiền phí tác quyền âm nhạc phải nộp sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên, không quy định cụ thể, do vậy việc thu tiền tác quyền không hề dễ dàng.

Một lý do khác là việc thu này thường không đồng bộ mà chỉ làm theo nguyên tắc thuyết phục được ai trước thì thu trước. Các doanh nghiệp cho rằng nếu luật đã quy định thì cần phải đặt ra thời gian nhất định để tất cả doanh nghiệp cùng phải thực hiện chứ không phải người trả trước kẻ trả sau như hiện nay. Chính việc thực thi bản quyền không thống nhất như hiện nay đã khiến các doanh nghiệp chần chừ không chịu thực hiện nghĩa vụ, trong khi các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm hỗ trợ trong việc thực thi quyền tác giả.

Chỉ dựa vào sự tự giác

Ông Phó Đức Phương cũng thừa nhận vì khó kiểm soát được tần suất sử dụng tác phẩm nên VCPMC phải áp dụng tới nhiều phương thức ký hợp đồng thu phí: trọn gói, khoán gọn (tạm gọi là tiền thuê bao và sau đó trả thêm theo tần suất sử dụng) hay tính theo tần suất sử dụng cụ thể hoặc phối hợp cả hai cách đó. Chính vì phải dựa vào sự tự giác của các đối tác là chính (nơi dùng sẽ cung cấp danh mục sử dụng tác phẩm) nên tiền tác quyền trung tâm thu được rất hạn chế. Tiền trả thuê bao thường rất thấp. Đó là chưa nói đến việc chi trả sẽ rất rắc rối vì VCPMC không biết đích xác tác phẩm của ai được sử dụng, tần suất sử dụng ít hay nhiều để chi trả đúng và đủ cho các tác giả.


                                                                                                            Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng