Khoét sâu sự cách biệt hai miền?
Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 được Ban tổ chức khẳng định là cuộc thi chứ không phải... cuộc chơi. Lần hội ngộ nhuốm màu thi thố này sẽ đưa hai sắc thái kịch nói Bắc và
lại gần với nhau thêm, hay lại khoét sâu hơn cách biệt về phong cách làm sân khấu của hai miền?
Từ rất lâu, tồn tại quan niệm kịch nói miền Bắc từ chương, khô khan, khó xem, còn sân khấu phía Nam hời hợt, giải trí, câu khách. Thậm chí thi thoảng còn thấy có cả sự phân biệt đối xử với nhau, rằng "sao lại có thể làm sân khấu kiểu như thế".
Cục phó Cục nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương cũng nói rằng tuy không đưa ra so sánh nhưng rõ ràng có sự khác biệt về vùng miền, về gu thưởng thức của khán giả Bắc -
. Thế nên, ông Trưởng ban tổ chức hội diễn khẳng định: "Hội diễn cũng là dịp để định hướng cho các đơn vị sáng tạo những tác phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng ở địa phương mà đơn vị đó đóng".
Không hiếm chuyện vở diễn ăn khách ở sân khấu phía
nhưng lại không thu hút nếu diễn trên sân khấu miền Bắc và ngược lại. Các đơn vị làm sân khấu luôn căn cứ theo thị hiếu khán giả địa phương mà dựng vở, còn chuyện khác biệt vùng miền gì đó để dành cho... các nhà lý luận phê bình sân khấu, nhà quản lý.
Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009 khai mạc tối 26/9 tại Nhà hát TP.HCM với vở diễn Bản hùng ca linh thiêng (tác giả Xuân Đức - Cao Hạnh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) của Đoàn Kịch nói Quân đội. Ngay hôm sau, hội diễn sẽ chính thức bước vào những ngày biểu diễn dày đặc, với 2 - 3 vở/ngày. Các vở diễn buổi sáng mở màn lúc 9 giờ, chiều lúc 15 giờ và tối lúc 20 giờ, kéo dài đến ngày 6/10.
|
Khó thay đổi khi phong cách sân khấu xuất phát từ thói quen và phục vụ cho thói quen của công chúng. Chẳng hạn, mùa Tết là dịp hốt bạc của sân khấu phía Nam vì tập tính của người dân ở đây ngày Tết vốn thích kéo đến nơi vui chơi giải trí công cộng, xem những vở kịch vui vẻ nhẹ nhàng. Trong khi đó, khán giả miền Bắc trong những ngày lạnh lẽo này thường ở nhà. Thay đổi gu, phiêu lưu với cái mới, đồng nghĩa với khả năng lỗ lã rất cao.
Cái khó cho những vị cầm cân nảy mực tại hội diễn là ở đây, cho dù tiêu chí chấm điểm họ cầm trong tay. Ông bầu Phước Sang, Trưởng đoàn sân khấu Kịch Sài Gòn, cho rằng: "Tiêu chí chấm vở vẫn chưa định hình rõ ràng. Vì thế, theo tôi nên chấm cho những vở diễn hướng đến cái đẹp trong sáng, lành mạnh, thay vì nhận định theo yếu tố vùng miền".
Thực tế, sân khấu phía Bắc với Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài những vở chính thống, còn có những tiểu phẩm tấu hài trong chương trình Đời cười, làng kịch phía Nam với sân khấu IDECAF ngoài những vở đáp ứng thị hiếu khán giả, còn có những vở chính kịch nghiêm túc...
Khi tất cả đã xem đây là một cuộc thi, bản thân các nghệ sĩ biết mình phải làm gì cho chuẩn, cho phù hợp với mắt xanh của giám khảo để còn... lấy huy chương. Các phong cách sân khấu cố hữu vùng miền có thể sẽ được tiết giảm, dung hòa. Không mong có một hố ngăn cách nào, nhưng cũng không chờ hội diễn chỉ có một màu.
Chưa có bức xúc để sống chết với nghề
Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 mang trên mình trọng trách nặng nề: đánh giá chất lượng nghệ thuật sân khấu nước nhà nói chung và các đơn vị nghệ thuật nói riêng sau 5 năm làm nghề tính từ mùa hội diễn trước.
Nửa thập niên là khá dài đối với sắc vóc chóng tàn phai của những con người quanh năm đứng dưới thứ ánh sáng tàn phá của đèn sân khấu. Nhưng đánh giá một nền kịch nghệ như sân khấu nước nhà, 5 năm chưa đủ độ lùi cần thiết để phác thảo và ngắm trọn vẹn một bức chân dung.
Giữa hai mùa hội diễn, sân khấu nước nhà vẫn hoạt động bình bình, không có đột phá nào đáng kể, chưa có những cái mới gây chú ý, tạo sự ngạc nhiên.
Người trong cuộc gắn bó mật thiết với nhịp đập sân khấu, lẫn những ai có quan tâm theo dõi các hội diễn, liên hoan ngành, đều thấy sân khấu vẫn chỉ dừng lại ở việc giữ được nhịp hoạt động bình thường, đáp ứng một bộ phận khán giả, có một lượng khán giả và được một bộ phận công chúng nuôi dưỡng.
Ngay ở nơi có đời sống sân khấu năng động như TP.HCM, cũng không có nhiều những vở diễn mới, tuổi thọ lâu dài. Những vở cải lương hoành tráng bạc tỷ dàn dựng ở nhà thi đấu chỉ vài suất đã hết khách tại một thành phố cả chục triệu dân là điều đáng phải suy ngẫm.
"5 năm chưa thể đúc kết được gì về khuynh hướng, về những cái mới. Sân khấu sống được nhưng chúng ta vẫn phải chờ những cái mới mẻ hơn, chờ thêm những vở mới, chất lượng nghệ thuật cao, tuổi thọ dài. Điều này liên quan đến nhiều mặt, đó là mặt bằng đời sống kinh tế xã hội phải cao hơn, là lực lượng khán giả phải có tính bền vững... Có lẽ cần phải chờ thời gian" - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nêu quan điểm.
Vai trò con người, nhân lực ngành sân khấu rất quan trọng trên hành trình vẽ nên bức chân dung mới, sắc của sân khấu nước nhà. Cần có những bức xúc về nghề để có sự đột phá như đã từng có những con người sống chết với mô hình sân khấu xã hội hóa ở phía như NSƯT Thành Lộc, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, NSƯT Hồng Vân... Cứ yên ổn trong sự bao bọc của cơ chế nhà nước thì không thể mơ thấy những đổi mới.
Mặt bằng xã hội, khán giả, người làm nghề thế nào thì cho ra sân khấu thế đó, nên chưa mấy hy vọng có những thay đổi từ hội diễn lần này. Nhưng vẫn kỳ vọng trong 19 đoàn nghệ thuật với hàng trăm người tham gia hội diễn, còn những người hiểu mình phải làm gì và bắt tay làm ngay sau những ngày thi tài, vì con đường đi lên của sân khấu. Chứ không phải hết hội, mạnh ai về nhà nấy, hòa cả làng.
Theo VietNamNet |