- Thời gian qua, một số NXB đã đăng kế hoạch tủ sách chuyên đề gồm nhiều tập nhưng khi tổ chức xuất bản lại trình bày dạng tạp chí, như ghi “Tổng biên tập”, “Tòa soạn”, nội dung không tập trung một chuyên đề cụ thể. Nguyên nhân là các NXB đã hiểu lầm quy định về sách quảng cáo tại điều 29 của Luật Xuất bản. Luật quy định chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, NXB trên bìa hai, ba và bốn của sách, nghĩa là không được quảng cáo ở bìa 1 và ruột sách, trừ sách chuyên về quảng cáo. Thế nhưng, nhiều NXB cứ nghĩ sách chuyên về quảng cáo là sách chuyên đề.
Đã có những cuốn sách chuyên về quảng cáo rất tốt như “Hà Nội không đắt lắm” của một NXB phía Nam, chuyên giới thiệu về nhà hàng, khách sạn, món ăn, khu vui chơi giải trí... NXB làm những cuốn sách như thế thì không ai cấm vì nó hữu ích cho du khách, các gia đình trong việc tra cứu, tìm những nơi thư giãn, giải trí cuối tuần, nó thực sự có ích cho xã hội. Hay là các NXB có thể cho in sách chuyên quảng cáo về ôtô, xe gắn máy... và đề hẳn ở bìa 1 là “sách quảng cáo” thì rất đúng luật. Thế nhưng nếu anh đưa những thông tin mang tính thời sự, rồi trình bày ấn phẩm có măng- sét... thì đó là dạng tạp chí mất rồi.
Một số ý kiến nhìn nhận, sách chuyên đề cũng không thể trình bày khuôn khổ, số trang như các tạp chí...?
- Tôi không nhất trí với ý kiến này. Không có quy định nào giới hạn khuôn khổ, số trang của một cuốn sách. Mà thực tế đã có những cuốn sách khuôn khổ lớn gấp mấy lần cuốn sách thông thường. Cho nên, quan trọng là nội dung truyền tải cái gì, nó có chuyên về một lĩnh vực nào của đời sống xã hội hay không, hoặc một vấn đề nào đó mà xã hội đang quan tâm, như tủ sách chuyên đề về kỹ năng sống, hướng nghiệp (về công nghệ thông tin hay giới thiệu phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh... cho giới trẻ), danh lam thắng cảnh, tôn giáo chẳng hạn. Người ta vẫn quan tâm đến nó dù không có quảng cáo. Không dưới một lần, kể cả trong các cuộc hội thảo do Hội Xuất bản tổ chức, nhiều NXB đề nghị sửa luật, cho phép quảng cáo trong sách. Tôi đã tham khảo rất nhiều sách của các nước, gần đây là hội nghị xuất bản châu Á - Thái Bình Dương ở Mông Cổ, đều thấy người ta không có quảng cáo trong sách. Đây là tập quán quốc tế có tính truyền thống. Không ai đi mua một cuốn tiểu thuyết lại có mấy trang quảng cáo ở giữa. Chúng ta đang hội nhập quốc tế, không thể làm khác được. Chúng ta có “lối thoát”, có xử lý của pháp luật chứ chúng ta không cứng nhắc, không cấm NXB làm quảng cáo. Đã có quy định cho phép NXB ra sách chuyên về quảng cáo rồi còn gì.
Thưa ông, đến nay đã có bao nhiêu NXB đăng ký ra sách chuyên quảng cáo?
- Tới nay, sau hội nghị giao ban đầu tháng 8 vừa qua, mới có 2-3 NXB xin ra sách chuyên quảng cáo. Việc nghiên cứu và vận dụng pháp luật cũng như đầu tư, lăn lộn tìm kiếm thị trường, thị hiếu và bản thảo mới của các NXB chưa đến nơi đến chốn. Các NXB còn lúng túng, chờ các đối tác liên kết mang đến những gì họ nghiên cứu kỹ. Chúng ta chỉ là người đọc duyệt và không cẩn thận đến lúc nào đó trở thành người đứng bên lề của thị trường sách, không giao lưu trực tiếp với bạn đọc, nói cụ thể là không đánh giá được thị trường. Tôi xin nhấn mạnh là đừng nghĩ rằng, cứ đưa yếu tố giật gân câu khách, tình dục, bạo lực, kinh dị, xì-căng-đan... là người ta mới tìm mua. Nếu cứ chạy theo những thị hiếu tầm thường ấy, một lúc nào đó sẽ gây nhàm chán, làm hỏng tâm hồn người đọc và trở thành lá cải. Cũng giống như những năm 80 của thế kỷ trước, ta cấm người mặc quần loe, để tóc dài, thử hỏi bây giờ có mấy người mặc quần loe, tóc dài? Làm sách phải đi vào nhu cầu thực, lâu dài, hướng thiện và hướng thượng.
Cục Xuất bản không cấp phép xuất bản, kể cả sách chuyên đề!
Theo quy định của Luật Xuất bản, Cục Xuất bản chỉ xác nhận việc đăng ký kế hoạch các tủ sách chuyên đề của các NXB, còn quá trình tổ chức, xuất bản mà biến tướng thành tạp chí thì Giám đốc, Tổng biên tập các NXB phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cục Xuất bản không cấp phép sách chuyên đề. Cũng có người đặt câu hỏi: “Cục có đọc lưu chiểu không?” Xin thưa, Cục có đọc và có văn bản dừng khá nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng hiện nay thì ranh giới giữa sách chuyên đề và tạp chí vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào nói rõ, vì vậy gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra. Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, chứ không nên mới nhìn qua một số hiện tượng vi phạm mà vội vã khái quát bản chất vấn đề, khác nào phiến diện theo kiểu “thày bói xem voi”!
|
Về mặt pháp lý, Bộ Thông tin và Truyền thông chắc sẽ có biện pháp để chấn chỉnh một số tạp chí “núp bóng” sách chuyên đề?
- Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ và sẽ triển khai xây dựng một văn bản, tất nhiên là không phải rạch ròi và phân ly từng cm được, nhưng ít nhất cũng đưa ra những nhóm khái niệm, tiêu chí cơ bản để phân định được đâu là sách chuyên đề, đâu là tạp chí. Lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Xuất bản, Cục Báo chí, Vụ Pháp chế trong năm nay phải ra được một quy ước tạm thời về sách chuyên đề. Bên cạnh đó, chúng tôi giới thiệu lại hệ thống luật pháp cho đội ngũ quản lý, biên tập viên các NXB.
Thưa ông, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã xác định thí điểm xây dựng các mô hình tổ hợp báo chí- xuất bản. Vậy, vì sao câu chuyện sách chuyên đề dưới dạng tạp chí cứ trở đi trở lại nhiều năm nay?
- Theo tôi có hai nguyên nhân. Một là xã hội có nhu cầu về những nội dung mà nhiều sách chuyên đề phản ánh. Thứ hai, nằm ngay trong hệ thống pháp luật, để một tạp chí ra đời thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Mặt khác, chúng ta đang quy hoạch lại một số cơ quan báo và tạp chí nên việc ra đời chính thống một số tạp chí của các NXB gặp khó khăn. Vì vậy, dẫn đến hiện tượng “núp bóng” sách chuyên đề. Sai ở khâu chấp hành luật pháp nhưng thực tế chúng ta xử lý chưa nghiêm và cũng chưa mở “đường thoát” cho họ. Thành ra, dẹp được sách chuyên đề này, lại “xì” ra chuyên đề khác, vì nó vẫn bán được.
Cần thiết phải nghiên cứu kỹ để triển khai Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về thí điểm xây dựng tổ hợp báo chí- xuất bản. Nếu NXB nào đủ tiềm lực thì cho phép xuất bản tạp chí. Chắc chắn Nhà nước không phải cấp vốn nhiều. Để cho mô hình tổ hợp báo chí- xuất bản phát triển, chúng ta cũng phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Báo chí. Như chúng ta biết, Thông tư quy định về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh- truyền hình do Bộ Thông Tin và Truyền thông mới ban hành, đã cho phép các Đài TH liên kết với các đối tác để sản xuất các chương trình, trừ các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự, chính trị... Vì vậy, cũng nên mở với xuất bản, khi cho phép NXB ra tạp chí thì nên chăng cho áp dụng quy chế như liên kết xuất bản và hạn chế trong lĩnh vực, đề tài không liên quan đến các vấn đề thời sự chính trị, những vấn đề nhạy cảm. Sau khi chúng ta đã mở như vậy, có lối thoát thì công việc về sau cần làm rất mạnh mẽ là thanh tra, xử lý thật nặng. Nếu chỉ mở một chiều, thì nhiều hiện tượng nhập nhằng, lợi dụng nhá nhem vẫn còn.
Xin cảm ơn ông.
Theo VH |