Làng nghề thoi thóp
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, song không khí ở những làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ảm đạm, quạnh quẽ chẳng khác gì ngày thường. Cụ Trần Văn Nhung, một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức) không giấu nổi vẻ tiếc nuối: "Trước đây, cả làng háo hức làm đồ chơi Trung thu từ tháng sáu âm lịch, đến tháng bảy là khách đã nườm nượp đổ về cất hàng. Bây giờ tháng tám rồi mà không khí Trung thu vẫn ở tận đẩu tận đâu". Còn bà Nguyễn Thị Tuyến, người vượt qua giới hạn mưu sinh để giữ nghề cổ truyền thôn Hậu Ái bùi ngùi tâm sự: "Để có được những chiếc đèn ông sao, ông đánh gậy chơi trăng, ông tiến sĩ... có hồn, người làm ra nó vừa phải tỉ mỉ, khéo tay vừa phải có sự sáng tạo và có tâm với nghề. Kỳ công là thế nhưng nghề mang tính chất mùa vụ, lời lãi chả được bao nhiêu nên nhiều người phải bỏ để lo cơm áo". Bà cho biết, mỗi vụ Trung thu, 4 thành viên gia đình bà làm ngày, làm đêm cũng chỉ thu lãi được hơn 4 triệu đồng, trong khi đó ngày công của một người phụ hồ là 70.000 đồng, gặt thuê, cấy thuê lên đến hơn 100.000 đồng... Chung cảnh ngộ, nghề làm đèn lồng ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên (Thanh Oai) dần bị rơi vào quên lãng. Cả làng duy nhất còn nghệ nhân Vũ Văn Sinh thì ông cũng chỉ làm chơi cho đỡ nhớ nghề. Ông nói: "Nhớ nghề quá, năm 2006 tôi mới làm chiếc đèn kéo quân kỷ lục Việt Nam (cao 7m, đường kính 3,2m) và dịp Tết Trung thu hằng năm lại làm vài chục chiếc đèn lồng tặng các cháu thiếu nhi cho vui, còn nghề chính của tôi bây giờ là làm pháo hoa và tổ chức các màn bắn pháo hoa trong các sự kiện lớn". Làng Đa Sĩ, phường Kiến Hưng (Hà Đông) từ lâu được biết đến là cái nôi sản xuất rồng vải Việt
. Nhưng buồn thay, làng Đa Sĩ chỉ còn "sót" lại nghệ nhân 81 tuổi Lê Ngọc Nguyện. Cụ Nguyện xót xa: "Một mai tôi mất đi, có thể nghề làm rồng vải làng tôi không còn vì tôi đã cố gắng truyền nghề nhưng chẳng mấy ai học"... Làm gì để hấp dẫn con trẻ?
Khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em (Cenforchil) cho thấy: Hơn 80% đồ chơi trẻ em trên thị trường Việt
hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có không ít đồ chơi độc hại. "Con số đó chứng tỏ rằng đồ chơi truyền thống Việt Nam chưa phát triển do chưa đủ sức cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc chứ không phải do không có thị trường", ông Lê Vũ Trọng, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em nhận định. Sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, phù hợp với túi tiền của người dân Việt
và sở thích của trẻ nhỏ chính là điểm hấp dẫn của đồ chơi Trung Quốc. Sau hàng giờ vào chọn ở cửa hàng đồ chơi trên phố Lê Lợi (Hà Đông), cuối cùng chị Nguyễn Thị Hạnh đã chọn chiếc tàu hỏa với giá 120.000 đồng tặng con trai và chiếc đèn lồng có giá 40.000 đồng tặng con gái (đều có xuất xứ từ Trung Quốc). Chị nói: "Tôi cũng muốn hướng cho các cháu chơi đồ chơi truyền thống nhưng chọn mãi không được sản phẩm nào ưng ý. Đèn lồng hàng chục năm nay vẫn là khung tre, gỗ dán giấy, đèn ông sao cũng vậy, còn ông đánh gậy chơi trăng, ông tiến sĩ nhìn cứ như đồ hàng mã...” Không còn không gian tồn tại cũng là một trong những lý do khiến đồ chơi Trung thu truyền thống mai một. Trước đây, làng nào, xã nào cũng tổ chức cho thiếu nhi rước đèn, phá cỗ đêm Rằm Trung thu. Hiện nay, ở không ít địa phương đêm hội Trung thu chỉ còn trong ký ức qua câu chuyện kể của bà, của mẹ. Chị Vũ Hồng Nhi - cán bộ Bảo tàng Dân tộc học cho rằng: "Không thể kết luận trẻ em thờ ơ với đồ chơi dân gian, ngược lại, đồ chơi dân gian rất hấp dẫn các em nhỏ. Từ năm 2002 đến nay, ngày hội Trung thu ở Bảo tàng Dân tộc học vẫn duy trì với những trò chơi và đồ chơi truyền thống luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em. Điều đó đồng nghĩa với việc cần phải có không gian "sống" cho đồ chơi truyền thống". Dự án bảo tàng đồ chơi - dự án của giấc mơ - sắp được xây dựng tại đồi Chóc, núi Vua Bà, xã Đồng Xuân, huyện Quốc Oai sẽ là không gian sống cho đồ chơi truyền thống. Nhưng không gian đó liệu có bảo tồn và phát triển được thứ đồ chơi như mục tiêu đặt ra khi những người tạo ra linh hồn cho nó (nghệ nhân) không còn. Canh cánh nỗi lo này, nghệ nhân Vũ Văn Sinh cho biết: Chỉ cần có người học, dù ở bất cứ đâu ông cũng sẽ tới dạy nghề làm đèn lồng miễn phí. Nghệ nhân làm rồng vải Lê Ngọc Nguyện và nghệ nhân làm đèn ông sao Nguyễn Thị Tình cũng chung tâm nguyện đó. Biết vậy, nhưng đồ chơi Trung thu nói riêng, đồ chơi truyền thống nói chung đâu phải để trưng bày, càng không phải để giới thiệu, mà quan trọng là phải tạo điều kiện để các cháu được tiếp xúc, được chơi với chúng. Thiết nghĩ, để làm được điều này, một mặt các phụ huynh cần giáo dục truyền thống văn hóa cho con em mình, đồng thời lựa chọn mua cho con những đồ chơi văn hóa; mặt khác các nghệ nhân phải biết "tự ái nghề nghiệp", dành thời gian, tâm sức để cải tiến mẫu mã, chủng loại cho phù hợp với nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu nhi hiện nay. Theo HNM |